Cùng xây dựng văn hóa an toàn cho người bệnh
Chăm sóc sức khỏe trước tiên là không gây tổn hại cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện lại chính là môi trường nguy cơ cao xảy ra các sự cố y khoa. Các sự cố này có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào.
Ngày 17/9, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất 17/9/2019”.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, các sự cố y khoa có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình từ chẩn đoán, chăm sóc đến điều trị. Đặc biệt, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.
Theo báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 người bệnh thì có 1 người bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó, có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được. Cứ 10 người bệnh, có tới 4 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.
Sự cố y khoa và hành nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra.
Tổ chức Y tế thế giới cũng chỉ rõ, nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện và chẩn đoán chậm, chẩn đoán không chính xác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn hại cho người bệnh.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hoạt động an toàn người bệnh là phải thiết lập hệ thống và các quy trình quản lý sao cho giảm thiểu tối đa các sai sót và gia tăng khả năng ngăn chặn kịp thời các sự cố.
Nhận thấy vấn đề này rất quan trọng, thời gian qua Bộ Y tế đã tập trung ban hành các văn bản quy định các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh, về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, về sai sót chuyên môn kỹ thuật... để các cơ sở y tế thực hiện.
Các quy định này cũng hướng đến 6 mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh gồm xác định chính xác người bệnh, bảo đảm giao tiếp hiệu quả, bảo đảm an toàn sử dụng thuốc, bảo đảm an toàn phẫu thuật đúng vị trí, đúng phương pháp và đúng người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm nguy cơ và hậu quả do ngã.
An toàn người bệnh là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong Chương trình nghị sự toàn cầu và đã được Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới, bắt đầu từ năm 2019.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh trên toàn quốc, cam kết xây dựng văn hóa an toàn người bệnh, chung tay hành động để tạo nên môi trường bệnh viện cởi mở thân thiện và “không đổ lỗi”, nhằm khuyến khích sự trao đổi, học hỏi từ các sự cố và lan tỏa thông điệp của năm 2019 “Cùng nói ra vì sự an toàn của người bệnh”.