Cuộc cách mạng du lịch ven biển
Một công ty khởi nghiệp ở Boston, Mỹ có tên là Regent đã tạo ra phương tiện đi lại tốt nhất giữa các thành phố ven biển.
Phương tiện còn được gọi là “taxi biển” này có nhiều ưu điểm, đặc biệt là hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.
Những ưu điểm nổi trội
Regent đang phát triển một tàu lượn biển điện tử nối các cảng biển dựa trên một tàu cánh ngầm. Theo các đồng sáng lập hãng Regent là Giám đốc điều hành Billy Thalheimer và Giám đốc Công nghệ Michael Klinker, tàu này có thể cất cánh với tốc độ thấp và sử dụng mặt nước như một đường băng, sau đó nó bay với tốc độ gần 290km/h để đưa hành khách tới điểm đến.
Sau khi hạ cánh trên mặt nước, con tàu sẽ chuyển thành một chiếc thuyền có mui, di chuyển tới bến. Thiết kế sáng tạo mang lại nhiều lợi thế cho tàu lượn 8 động cơ này so với máy bay điện và máy bay thông thường vốn phải cất cánh từ các khu vực cố định. Regant cho biết nó cũng nhanh hơn 6 lần so với phà thông thường.
Thay vì bay cao, con tàu hoạt động giống như một thủy phi cơ, sử dụng “hiệu ứng mặt đất” hoặc lớp đệm không khí bên dưới để lướt trên mặt nước. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng an toàn chuyến bay được thực hiện thông qua các hệ thống điều hướng và kiểm soát dự phòng.
Theo công ty, hiệu ứng mặt đất sẽ cung cấp cho tàu lượn tầm hoạt động gấp đôi so với một máy bay điện thông thường. Tuy nhiên, nó chỉ đòi hỏi một nửa chi phí vận hành, đồng thời ít tiếng ồn hơn và không phát thải.
Trước đây, Billy Thalheimervà Michael Klinker làm việc cho Công ty Aurora Flight Sciences của hãng Boeing và cả 2 đều là phi công được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép.
Thailheimer nói rằng, Regent muốn tạo ra các chuyến đi giữa các thành phố biển cách xa nhau một cách nhanh chóng, an toàn, với chi phí phải chăng và đáng tin cậy, đồng thời tác động tới môi trường ít nhất có thể.
Theo Giám đốc điều hành Thalheimer, điều quan trọng là Regant đang phát triển tàu lượn để có thể phù hợp với cơ sở hạ tầng cảng biển hiện có. Ông lưu ý rằng việc sạc điện vẫn cần thiết tại các cảng để các phương tiện có thể tiếp nhiên liệu, cho dù là taxi chạy điện, tàu thuyền hay phương tiện mặt đất.
Triển vọng trong tương lai
“Taxi biển” chuyển đổi giữa nhiều chế độ khác nhau trong quá trình vận hành. Sau khi rời bến, nó hoạt động với tốc độ từ 32 - 72km/h khi lướt trên sóng để có một chuyến đi thoải mái. Khi đến vùng nước mở, tàu lượn biển cất cánh và tăng tốc từ 233km/h - 290km/h.
Công ty sẽ tìm cách thiết lập các tuyến hành khách giữa các trung tâm chính như Boston và New York, Los Angeles và Sang Francisco hoặc các tuyến ngắn hơn như từ New York đến Hamptons hoặc các tuyến nối các đảo của Hawaii. Tuy nhiên hiện tại, với 9 triệu USD tiền tài trợ ban đầu, công ty khởi nghiệp đang tập trung vào một mẫu thử nghiệm.
“Chúng tôi sẽ cho bay một mẫu thử nghiệm quy mô một phần tư vào cuối năm nay”, ông Thalheimer cho biết. “Mẫu này sẽ có sải cánh dài khoảng 4,6 mét và nặng 180kg. Chúng tôi cần bảo đảm nó hoạt động trong các môi trường đặc trưng với sóng nước và thời tiết khác nhau”.
Công ty dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên ở khu vực Boston nhưng đang tìm kiếm xung quanh để tiến hành thử nghiệm ở những nơi khác trong mùa đông như vùng New England khắc nghiệt.
“Các nhà đầu tư rất vui mừng về điều này. Chúng tôi đã nhận được lời mời từ các thành phố. Chúng tôi nghĩ rằng văn hóa Boston đang ủng hộ mình. Chúng tôi đang ở môi trường có các trường ĐH danh tiếng như MIT, Harvard nên sẽ có những kết nối tuyệt vời trong lĩnh vực robot và hàng không vũ trụ” – ông Thailheimer cho biết.
Người sáng lập Raymond Tonsing của hãng Caffeinated Capital cho biết ông thấy Regent là hiện thân cho tương lai của máy bay điện với dịch vụ tàu lượn biển siêu nhanh, thậm chí có khả năng cạnh tranh với với ô tô vào một ngày nào đó.
“Về cơ bản, chúng ta đang trong giai đoạn rời xa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đi từ A đến B, kể cả khi bạn không chạm đất. Và bạn biết không? Đây là một thị trường rộng lớn và tôi nghĩ Regent có một kế hoạch rất tốt để có thể chở hành khách trong khoảng 4 năm nữa”, ông nói.
Phải mất nhiều thời gian hơn để một chiếc máy bay phản lực được phê chuẩn để có thể chở khách. Trong khi an toàn là điều tối quan trọng thì một tàu lượn biển sẽ bay trong không gian thấp hơn trên không, trên sóng. Nó không có nghĩa là bay qua các thị trấn, nhà cửa và đường xá.
Tỷ phú Mỹ Mark Cuban cũng cho biết, “thời gian là tài sản quý giá nhất mà chúng ta không sở hữu. Regent làm cho rất nhiều chuyến đi khó khăn trở nên đơn giản và nhanh chóng. Tác động của nó sẽ rất đáng kể và mang tính toàn cầu”.
Mặc dù, chưa có sự cạnh tranh phát triển tàu lượn chạy điện cho hành khách như Regent nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh phương tiện chạy bằng điện hoặc lai điện có thể tranh giành các hợp đồng tương tự hoặc các khoản tài trợ trong tương lai.
Các công ty đối thủ tiềm năng này bao gồm Flying Ship Company và RDC Aqualines, cùng với các nhà sản xuất thuyền chạy điện như Pure Watercraft ở Seatle (Mỹ), Candela có trụ sở tại Thụy Sĩ và Công ty xây dựng thuyền điện Wellington ở New Zealand.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-cach-mang-du-lich-ven-bien-9xj5En6Mg.html