Cuộc cách mạng đường sắt ở Trung Đông
Trong lịch sử hiện đại, đường sắt đóng vai trò là huyết mạch của ngành công nghiệp, vận chuyển hàng hóa, con người và thậm chí cả ý tưởng sáng tạo đi khắp thế giới. Chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ xuyên quốc gia giữa các nước mới nổi.
Kể từ lần đầu tiên được khai trương vào năm 1825, đường sắt đã trở thành trung tâm cho sự phát triển của con người. Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của vận tải hàng không, tàu chở hàng vẫn đóng vai trò là thành phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu và là một trong những phương thức vận chuyển hàng hóa tiết kiệm nhiên liệu nhất. Sau đó, hệ thống đường sắt đã được mở rộng khắp thế giới, kết nối các lục địa và các nền văn hóa.
Tuy nhiên cho đến đầu những năm 2000, phần lớn Trung Đông vẫn chưa thể phát triển được hệ thống đường sắt của riêng mình. Do đó, sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC – gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, UAE) đã tìm cách khắc phục điều này, vạch ra kế hoạch kết nối các quốc gia láng giềng với nhau bằng đường sắt, đồng thời phát triển hệ thống đường sắt nội bộ của riêng mình.
Để kết nối giữa các nước, mạng lưới đường sắt chung sẽ bắt đầu ở Thành phố Kuwait và đi dọc theo bờ biển Vịnh Arập qua Bahrain, Qatar, UAE và Oman, trong khi có nhiều nhánh rẽ chạy qua Saudi Arabia. Mỗi quốc gia cũng thiết lập mạng lưới đường sắt nội bộ, tạo ra một hệ thống được kết nối hoàn chỉnh, đặc biệt là UAE và Saudi Arabia, cụ thể:
Tại UAE, kể từ khi ra mắt vào năm 2009, mạng lưới đường sắt quốc gia Etihad Rail đã dần len lỏi khắp nước này. Ngay từ đầu, Etihad Rail ưu tiên cho các đoàn tàu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Giai đoạn 1 của mạng lưới, một dịch vụ vận chuyển hàng hóa liên kết các mỏ khí đốt ở Shah tại phía Nam với Ruwais ở bờ biển phía Tây, đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Mỗi ngày, tuyến đường này cho phép vận chuyển tới 22.000 tấn lưu huỳnh dạng hạt từ Habshan và Shah đến Ruwais cho Công ty dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi.
Các hoạt động mở rộng trong Giai đoạn 2 của mạng lưới, bao gồm dịch vụ hành khách nối 11 thành phố và khu vực trên khắp UAE, hiện đang được tiến hành với tuyến giữa Dubai và Abu Dhabi được hoàn thành vào tháng 3 năm nay. Một tuyến dài 1.200 km nối Ghuweifat ở biên giới Saudi Arabia với cảng Saqr ở Fujairah trên bờ biển phía Đông cũng đang được xây dựng như một phần của Giai đoạn 2. Năm ngoái, máy móc hạng nặng đã được sử dụng để khoan các đường hầm ở dãy núi Hajar của Fujairah, trên biên giới với Oman, đào 500.000 tấn đất đá. Việc vượt qua địa hình đồi núi phức tạp là cần thiết để kết nối cảng biển tự nhiên sâu nhất của khu vực, Khor Fakkan, với vùng biển phía Đông và các thành phố Abu Dhabi, Dubai và Sharjah.
Và đây mới chỉ là khởi đầu. Đến năm 2030, các chuyến tàu di chuyển với tốc độ lên đến 200 km/giờ dự kiến sẽ chở 36,5 triệu người và hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm và giảm lượng khí thải carbon từ 70% đến 80%. Với tuyến đường mới, các chuyến tàu chở khách giữa Abu Dhabi và Dubai sẽ chỉ mất 50 phút, trong khi hành trình từ thủ đô này đến Fujairah sẽ chỉ mất 100 phút - khoảng một nửa thời gian đi bằng ô tô.
Dự án 50 tỷ Dh (13,6 tỷ USD) trên dự kiến sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ Dh cho nền kinh tế UAE. Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid mô tả chương trình đường sắt là “dự án lớn nhất nhằm củng cố sức mạnh của UAE trong 50 năm tới”. Về phần mình, Rashid Al Mulla, Giám đốc bộ phận điều phối kỹ thuật tại Etihad Rail cho biết: “Etihad Rail sẽ thay đổi hoàn toàn cách hàng hóa và con người ở UAE di chuyển trên toàn quốc. Các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong hoạt động chuỗi cung ứng của họ, cho phép tăng cường thương mại rộng rãi hơn trên toàn khu vực”.
Mặc dù ngày hoàn thành chưa được công bố, nhưng khi đi vào hoạt động hoàn toàn, Etihad Rail sẽ kết nối các khu vực nông thôn với các thành phố, các trung tâm thương mại, công nghiệp, chế tạo và sản xuất với tất cả các điểm xuất nhập khẩu chính trong nước, do đó tạo ra lợi ích kinh tế lớn. Hệ thống này cuối cùng cũng sẽ liên kết tất cả các tuyến đường sắt trên khắp Vùng Vịnh, tạo thành một phần không thể thiếu của mạng lưới đường sắt trên toàn GCC.
Với Saudi Arabia, tham vọng về hệ thống đường sắt hiện đại của nước này có trước khi GCC hình thành nhiều thập kỷ. Đường ray đầu tiên của Saudi Arabia được triển khai vào năm 1947, hai năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, với tuyến đường chở hàng hóa đầu tiên được khánh thành vào năm 1951. Kể từ đó, các kế hoạch mở rộng mạng lưới đã được tăng cường khi Vương quốc này tìm cách kết nối nhiều vùng khác nhau. Hiện tại, Saudi Arabia có khoảng 5.000 km đường sắt tạo thành ba tuyến chính.
Mạng lưới tàu hỏa phía Bắc, trước đây gọi là Tuyến Bắc - Nam, là mạng lớn nhất trong số đó và được chia thành các tuyến vận tải hàng hóa và hành khách. Nó bao gồm 2.800 km kéo dài từ thủ đô Riyadh đến biên giới với Jordan. Nó cũng có các nhánh kết nối các mỏ phốt phát và bôxít quan trọng với các cảng biển ở Ras Al Khair và Jubail trên bờ biển phía Tây. Tháng trước, trạm dừng hành khách thứ năm và cuối cùng trên Mạng lưới tàu hỏa phía Bắc, ga Al Qurayyat, gần biên giới Jordan, đã mở cửa cho công chúng. Theo đó trong khoảng 12 giờ, hành khách có thể đi 1.215 km từ khu vực phía Bắc của Saudi Arabia đến thành phố thủ đô của nước này. Tuyến đường này cũng đã và đang trở thành trọng tâm của nền kinh tế Saudi Arabia khi góp phần đạt được các mục tiêu thiết yếu hỗ trợ cho kế hoạch kinh tế Tầm nhìn 2030 của Riyadh.
Dọc theo bờ biển phía Tây là tuyến đường sắt cao tốc Haramain kết nối hai thánh địa Makkah và Madinah của Saudi Arabia qua Jeddah và với các điểm dừng tại Sân bay Quốc tế King Abdulaziz và Thành phố Kinh tế King Abdullah. Các đoàn tàu trên tuyến đường sắt dài 450 km này có thể di chuyển với tốc độ 300 km/giờ và được khánh thành vào năm 2018. Trước đại dịch COVID-19, nó dự kiến sẽ chở 60 triệu hành khách mỗi năm, bao gồm ba đến bốn triệu người hành hương Hajj và Umrah, để giảm bớt ùn tắc trên các tuyến đường ở những thành phố lân cận.
Tuyến đường sắt thứ ba và lâu đời nhất của Saudi Arabia, mạng lưới Tàu hỏa phía Đông, trước đây được gọi là tuyến Dammam - Riyadh, có tổng chiều dài khoảng 1.775 km và được chia thành các dịch vụ hành khách và hàng hóa, với bốn ga. Được khởi công vào năm 1940, tuyến đường này nhằm kết nối phần phía Đông của Saudi Arabia với thủ đô Riyadh. Ngày nay, nó vận chuyển hơn 2.500 toa hàng chở xi măng, ngũ cốc, ô tô và đá trên khắp đất nước. Nó cũng đóng vai trò là tuyến vận chuyển hành khách chính.
Vào tháng Giêng năm nay, Bộ trưởng Đầu tư của nước này Khalid Al Falih cho biết Saudi Arabia có kế hoạch tăng gấp ba quy mô mạng lưới đường sắt của mình bằng cách bổ sung thêm 8.000 km đường ray. Nếu đặt thẳng, đây sẽ là khoảng cách gần bằng giữa London và Bắc Kinh. Khi hoàn thành, nó sẽ là một trong những dự án đường sắt lớn nhất trong lịch sử gần đây.
Trong khi Saudi Arabia và UAE đang dẫn đầu với việc mở rộng mạng lưới đường sắt nội bộ, các quốc gia vùng Vịnh còn lại vẫn chưa bắt đầu lên kế hoạch cho các dịch vụ đường sắt của họ một cách nghiêm túc. Một số chuyên gia lạc quan rằng những tiến bộ ở UAE và Saudi Arabia có thể dẫn đến sự thúc đẩy tiến độ, nhưng những người khác thận trọng hơn, lưu ý có thể phải mất một thập kỷ nữa trước khi các tuyến đường sắt trên toàn GCC được hoàn thành.