Cuộc cách mạng mới của làm việc, giải trí tại nhà

Trong số những ảnh hưởng của đại dịch coronavirus mới có sự bùng nổ số người làm việc tại nhà. Họ không còn được 'mặt đối mặt' với các đồng nghiệp trong nhiều tuần hay nhiều tháng. Đổi lại, họ không sợ nhiễm virus từ những bệnh nhân tiềm ẩn gặp trên các phương tiện công cộng hay tại nơi làm việc.

Trong khi đại dịch coronavirus không lường trước tạo ra sự bất tiện cho hàng trăm triệu người trên thế giới, từ hạn chế đi lại, lo sợ về cái chết đến hoảng loạn trên thị trường chứng khoán thì đây lại là cơ hội cho những người thích làm việc từ xa và từng làm như thế phát triển kỹ năng. Họ tin rằng chúng ta sẽ sớm hiểu ra sự tiện lợi của làm việc tại nhà trong kỷ nguyên nối mạng.

Kinh doanh, học tập, làm việc trong ngôi nhà của mình

“Đây là thời điểm đề chúng ta hiểu về cuộc cách mạng nơi làm việc, xu hướng của tương lai khi văn phòng làm việc chính là máy tính và các công cụ tương tác thông minh có sẵn trong nhà – Matt Mullenweg, giám đốc điều hành công ty phần mềm Automattic, chủ nhân của mạng xã hội blog WordPress, nhận xét.

Coronavirus đã cho các công ty cơ hội để xây dựng nền văn hóa linh hoạt giờ giấc, tránh được sự mệt mỏi vì quá tải khi nhân viên dễ dàng phân bố thời gian giữa công việc và nghỉ ngơi giải trí mà năng suất không hề giảm. Công ty của chúng tôi đã chứng minh điều này.

Lợi ích của làm việc từ xa là chúng ta không lệ thuộc vào phương tiện đi lại công cộng, không bị các đồng nghiệp gây xao nhãng và có thể ăn bữa ăn tự làm ở nhà”. Một nhà văn là tác giả của cuốn sách nói về những người chống và ủng hộ làm việc từ xa đưa ra dự báo: “Đây là cách con người sống sót trong thời đại trí khôn nhân tạo (AI) và tự động hóa. Trong khi những người ngại làm việc từ xa nêu lý do sợ đơn độc và không có đồng nghiệp bên cạnh để trò chuyện thì những người thích làm việc từ xa nêu lý do không muốn ai can thiệp vào công việc của mình.

Nay, với sự xuất hiện của dịch bệnh virus COVID-19, làm việc và học tập từ xa đã trở thành bắt buộc trong nhiều lĩnh vực, dù bạn thích hay không thích. Đối với những người tàn tật hay cha mẹ mới có con nhỏ cần chăm sóc và một số thành phần khác, làm việc từ xa còn là sự cứu rỗi”. Những người ủng hộ làm việc từ xa thường viện vào một số nghiên cứu cho thấy cách làm việc này cho năng suất cao hơn.

Ví dụ nghiên cứu năm 2014 của giáo sư Nicholas Bloom thuộc Đại học Stanford cho thấy nhân viên làm việc từ xa của một công ty lữ hành Trung Quốc có hiệu suất cao hơn đồng nghiệp làm việc tại văn phòng 13%.

Một ưu điểm nữa của làm việc từ xa là nhân viên ít bệnh hơn do có thể nghỉ ngơi giảm căng thẳng và nạp năng lượng bất cứ lúc nào chứ không cần chờ đúng giờ qui định. Những công việc vặt xen vào từng lúc cũng giúp đa dạng hóa một ngày làm việc, tạo ra tâm lý thoải mái hơn. Làm việc tại nhà ít sợ bị sếp kiểm tra từ sau lưng cũng là một yếu tố. Đời sống và công việc được cân bằng hơn. Để tránh cảm giác cô độc khi làm việc một mình ở nhà, các công ty như WeWork và The Wing đã tạo ra không gian làm việc chung trên mạng, nơi nhân viên có thể tương tác với nhau trong thời gian thực.

Tại Thung lũng Silicon, cái nôi công nghệ Mỹ, nơi có nhiều phương tiện để xây dựng không gian làm việc từ xa, nhiều công ty hạn chế việc đến văn phòng của nhân viên ngay cả trước khi coronavirus xuất hiện. Một số công ty sử dụng nhiều nhân viên làm việc từ xa cố tạo ra không khí văn phòng bằng những cuộc họp hay hội nghị video để các nhân viên có dịp biết mặt nhau. Do tất cả nhân viên đều làm việc từ xa, nên công ty của Mullenweg tổ chức ngày cuối tuần gặp gỡ và trao đổi theo nhóm dự án tại địa điểm quy định.

Làm việc tại nhà cũng có những hạn chế

Sức khỏe là yếu tố quan trọng của việc chọn làm việc tại nhà trong đại dịch coronavirus nhưng có một số nghề nghiệp không thể tiếp tục nếu nơi làm việc bị đóng cửa, như tiếp viên quán ăn, dọn phòng khách sạn, công nhân lắp ráp, tiếp viên hàng không, phi công và nhiều công việc khác. Làm việc từ xa không có trong danh sách chọn lựa của họ. Steve Jobs, cố chủ nhân Apple thuộc số người chống đối mạnh mẽ làm việc từ xa vì tin rằng các nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn khi mặt đối mặt hơn là đối mặt với máy tính và hộp thư.

“Sáng tạo và sáng kiến thường đến từ mặt chạm mặt và từ những cuộc tranh luận trực tiếp – Jobs nói – Học hỏi lẫn nhau làm bộc phát sáng kiến”. Yếu điểm của làm việc từ xa là có ít sáng tạo và sáng kiến hơn khi làm việc tại văn phòng, nơi các đồng nghiệp có thể bàn bạc mặt đối mặt với nhau để cùng giải quyết một vấn đề khó. Thời gian giải quyết cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, “văn phòng trực tuyến” với hội nghị hay hội họp từ xa đã giúp loại bỏ khác biệt này.

Làm việc trong văn phòng có những bất cập của nó, ngay cả lúc chưa có dịch bệnh. Xu hướng thiết kế không gian làm việc có thể kiểm soát lẫn nhau, rất ít chỗ cho sự riêng tư xả stress khiến không khí càng thêm căng thẳng. Tuy nhiên, cái con người cần cũng là thể hiện sự đồng cảm và hợp tác, mà chỉ ở văn phòng làm việc chung người ta mới có cơ hội làm thế, tức là tương tác trực tiếp với nhau. “Tương tác xã hội là rất quan trọng trong một số lĩnh vực.

Đối với số đông, việc cân bằng thời gian giữa làm việc ở nhà và tại văn phòng là cần thiết” – Laszlo Bock, giám đốc điều hành Humu, một công ty mới về nguồn nhân lực tại Thung lũng Silicon (trước đó ông phụ trách nguồn nhân lực của Google) nói. Công ty ông chỉ cho phép nhân viên làm việc 1 ngày rưỡi ở nhà trước khi xảy ra dịch bệnh và trang bị nhà bếp mini, snack miễn phí để nhân viên nấu ăn và nghỉ ngơi theo giờ qui định. Nếu coronavirus kéo dài, sẽ có thêm nhiều công ty tìm cách giúp nhân viên hạnh phúc và cảm thấy vẫn kề cận các đồng nghiệp dù không còn đến văn phòng.

Julia Austin, cựu giáo sư Trường Kinh doanh Harvard cảnh báo không phải ai cũng thích làm việc từ xa. “Có không ít người không hề hạnh phúc khi làm việc một mình. Không phải ai cũng tăng năng suất khi làm việc tại nhà. Tôi cam đoan với các bạn, nhiều người rất mong chờ ngày hết dịch bệnh để được đến chỗ làm gặp gỡ đồng nghiệp. Đối với họ văn phòng chỉ là gia đình khi nó có không gian thực” – Austin nói.

Nguy cơ sập mạng và quá tải cơ sở hạ tầng

Do số người dùng Internet trong nhà riêng ngày càng tăng ở châu Âu, dịch vụ phát hành phim trực tuyết Netflix cho biết sẽ giảm chất lượng lượng video từ tháng 4. Công ty cho biết tất cả video chất lượng cao đều bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Như vậy, khán giả sẽ tạm thời không được xem video độ rõ cao nữa. “Chất lượng giảm khoảng 25% để mọi khách hàng đều được thưởng thức phim ảnh với chất lượng chấp nhận được” – đại diện của Netflix nói.

Quyết định của công ty được đưa ra sau khi các châu Âu kêu gọi Netflix và cả người dùng hãy loại bỏ chế độ video chất lượng cao (high definition video) để đường truyền internet thông suốt; tránh sập mạng mà hậu quả là tương tác ảo giữa con người với nhau (hình thức tương tác và làm việc duy nhất hiện nay còn phổ biến) bị đình trệ. Khi có quá nhiều nước bắt buộc phải cô lập người dân trong trận chiến chống virus, hàng trăm triệu người phải làm việc tại nhà và học sinh phải nghỉ học.

Internet là phương cách duy nhất để giữ mối quan hệ, làm việc, kinh doanh, học tập; vì vậy, nếu nối mạng quá chậm hay sập, hậu quả không lường sẽ xảy ra. Ủy viên châu Âu Thierry Breton, người chịu trách nhiệm về thị trường nội bộ châu Âu gồm hơn 450 triệu người đã cảnh báo với giám đốc điều hành Netflix Reed Hastings về nguy cơ các mạng internet không còn đủ mạnh để truyền tải livestream hay video nữa. Breton nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến chống kẻ thù chung chưa từng xảy ra này, các nhà điều hành viễn thông, các công ty khai thác dịch vụ video trực tuyến và người dùng phải hợp tác với nhau để giúp cho internet được thông suốt, không bị quá tải đến mức sập mạng.

Tôi rất vui khi Netflix đồng ý giữ cho internet vận hành tốt trong cuộc khủng hoảng Covid-19, bảo vệ người dùng”. Theo báo cáo năm 2019 ủa công ty tranh bị hệ thống Sandvine của Mỹ, số tài khoản video chiếm trên 60% lượng dữ liệu truyền tải của các công ty internet đến người vào mạng. Riêng Netflix chiếm 12%, Google với YouTube, chiếm 12%. “Chúng ta không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận xem video ở mức chất lượng thấp hơn một chút” – phát ngôn viên Netflix nói.

Theo Breton, “đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về sập mạng internet hay những ảnh hưởng tiêu cực quá tiêu cực của internet nhưng chúng ta luôn phải chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất”. Các công ty viễn thông cho biết họ ủng hộ lời khuyên người dùng nên chọn xem video ở chế độ tiêu chuẩn thay vì chất lượng cao như thông lệ. “Hy sinh một chút sẽ giúp internet không bị gián đoạn” – Lise Fuhr, giám đốc điều hành Hội các công ty viễn thông châu Âu (ETNOA nói. Ông Hans Vestberg, giám đốc điều hành Verizon của Mỹ cho biết công ty đã lên phương án đối phó với khả năng ùn tắc mạng, nhưng điều này chưa xảy ra dù giao thông trên mạng tăng đến 70% trong thời gian gần đây.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận: “Facebook đang đối mặt với những bất cập do số người vào mạng và thời gian vào mạng tăng nhanh. Hàng trăm triệu người trên thế giới phải làm việc, giải trí, livestream và mua sắm tại nhà”. Những cuộc gọi Voice và video trên WhatsApp và Facebook đã tăng gấp đôi. Nhưng không chỉ có áp lực về tăng giao thông mạng mà cơ sở hạ tầng internet cũng chịu áp lực mạnh.

Giáo sư Kin K. Leung, giảng dạy công nghệ thông tin tại Imperial College London nói: “Khi các doanh nghiệp và trường học đóng cửa, số người phải nghiên cứu, học tập và làm việc tại nhà tăng mạnh. Số lượng livestream dạy học và hội nghị video cũng tăng đáng kể. Tôi tin là cơ sở hạ tầng internet có thể giải quyết được vấn đề này, nhưng, nếu mọi người đều có chút ý thức vả trách nhiệm đối với sân chơi chung thì giao thông mạng và cơ sở hạ tầng sẽ không xảy ra vấn đề nghiêm trọng nào”.

Lê Tây Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cuoc-cach-mang-moi-cua-lam-viec-giai-tri-tai-nha-24956.html