Cuộc cách mạng một cọng rơm
Đất là kẻ cung cấp hào phóng nhưng nó mỏng manh và dễ bị tổn thương. Chữa lành cho đất đai chính là chữa lành linh hồn con người. Vì một cơ duyên nào đó mà tôi đã được đọc cuốn sách kỳ diệu này: 'Cuộc cách mạng một cọng rơm'. Chắc chắn đó là một duyên lành!
Có một điều luôn đúng là thế này: nếu muốn bảo vệ môi trường, chúng ta cũng cần học cách hiểu, yêu thiên nhiên quanh ta. Bởi có một thực tế đáng báo động: cần phải tới 4,6 tỷ năm để làm nên trái đất - hành tinh xanh tươi và xinh đẹp duy nhất trong vũ trụ này thì nền văn minh hiện đại dù mới được phát triển trong vòng 100 năm nhưng dưới tác động của công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu đang tạo nên những mối nguy hại đến môi trường sống.
Giải pháp nào, cách duy nhất là con người phải quay trở lại đúng vị trí của mình bên trong tự nhiên như một thành viên giữa tất cả các thực thể sống. Khi đó, chúng ta mới có thể chữa lành được tâm hồn mình và tái tạo màu xanh. Tác giả Masanobu Fukuoka cho rằng trong thời kỳ hiện nay, cái chúng ta cần đó là phải thể hiện ra bằng hành động khôi phục thiên nhiên.
Một câu hỏi luôn đau đáu trong tâm hồn tác giả đó là: liệu nông nghiệp tự nhiên có thể đứng lên sánh ngang với khoa học hiện đại hay không? Một luận điểm đáng chú ý đó là: làm nông tự nhiên không phải là bỏ mặc.
Thực tế hiện nay số lượng người hứng thú với việc làm nông tự nhiên đã gia tăng đáng kể.
Tự nhiên không thay đổi, mặc dù cách nhìn tự nhiên không ngừng biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác. Nhưng theo tác giả, ở thời đại nào đi chăng nữa làm nông tự nhiên vẫn mãi tồn tại như là ngọn nguồn của nông nghiệp.
Tác giả cũng chỉ ra những nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên, đó là: không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, nguyên tắc căn bản đó là cỏ cần được kiểm soát chứ không phải là loại bỏ. Và nguyên tắc thứ 4 đó là không phụ thuộc vào hóa chất.
Nếu bạn muốn có một ý niệm về sự màu mỡ tự nhiên của đất, thi thoảng hãy đến các vùng núi hoang dã và chiêm ngưỡng những thân cây khổng lồ lớn lên mà không cần tới ai bón phân hay cày xới đất. Sự màu mỡ của tự nhiên tự thân nó là ngoài sức tưởng tượng.
Tác giả còn phát hiện ra nguyên tắc thực hành và lý thuyết làm nông với rơm là một trong những yếu tố cốt lõi. Tất cả các nông dân Nhật Bản đều thống nhất với nhau rằng: khi trả tất cả rơm về ruộng thì kết quả sẽ là một lượng phân vi sinh khổng lồ được quay về với đất. Ông cũng là người có khả năng kiên nhẫn chờ đợi lúa phát triển và chín theo nhịp độ riêng của nó. Ông cũng cho rằng: nếu có khủng hoảng lương thực xảy ra thật thì sẽ không phải là do tự nhiên không đủ năng lực chu cấp mà là bởi ham muốn vô độ của con người.
Làm thế nào để biến quê hương thành dải đất của niềm vui của hạnh phúc đó chính là khuyến khích mọi nông dân thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên.
Masanobu Fukuoka (1913-2008), tác giả của cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” đã cho rằng làm nông hơn cả một nghề, hơn cả một đời, còn là lẽ sống. Làm nông thuận tự nhiên chính là cách mỗi nông dân bày tỏ sự biết ơn và đồng hành với vẻ đẹp bao la của vũ trụ này một cách thuần khiết nhất.
Cuộc chiến nông nghiệp thuận tự nhiên và những điều khác với nó vẫn còn tiếp diễn. Khó mà có thể kết luận được điều gì xa xôi hơn, song có một điều mà Fukuoka luôn đúng đó là: những gì của tự nhiên phải được trả về với tự nhiên, không một ai được quyền lạm dụng hoặc khai thác nó quá mức.
Xin được khép lại bài viết bằng câu được trích đăng trong bài “Liệu mùa thu tới có mang theo gió hay mưa, tôi không thể nào biết được, nhưng hôm nay tôi sẽ làm lụng trên đồng”. Đó chính là tinh thần sống động, chân thực của phương thức làm nông như một lối sống. Đúng là không gì thơ hơn khung cảnh: gieo hạt và dịu dàng chăm sóc cây cối dưới sự dẫn dắt của thiên nhiên quanh ta.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cuoc-cach-mang-mot-cong-rom-35102.htm