Cuộc cải cách trong ngành sách giáo khoa Bỉ

Ngành sách giáo khoa Bỉ đang trải qua một cuộc cách mạng lớn khi đối mặt với những thách thức và cơ hội mới.

Thị trường sách giáo khoa ở Bỉ đa dạng để đáp ứng yêu cầu của từng chương trình học cụ thể của mỗi cộng đồng ngôn ngữ khác nhau.

Thị trường sách giáo khoa ở Bỉ đa dạng để đáp ứng yêu cầu của từng chương trình học cụ thể của mỗi cộng đồng ngôn ngữ khác nhau.

Với hệ thống giáo dục phức tạp, sự phân tán giữa các cộng đồng ngôn ngữ và mạng lưới giáo dục, thị trường sách giáo khoa tại Bỉ không chỉ đơn thuần là một ngành xuất bản mà còn phản ánh những biến động sâu sắc trong hệ thống giáo dục quốc gia. Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn với hàng trăm nghìn sinh viên, thị trường này lại phải đối mặt với những khó khăn đặc thù, từ việc thiếu sự hỗ trợ chính trị đến các vấn đề về bản quyền và chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất bản sách giáo khoa Bỉ không ngừng đổi mới và tìm cách thích nghi để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại mới.

Sự khác biệt của thị trường sách giáo khoa Bỉ

Thị trường sách giáo khoa Bỉ có tính đặc thù bởi nó phục vụ một hệ thống giáo dục rất phân tán, được chia thành các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau, gồm cả tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, cũng như các mạng lưới giáo dục riêng biệt. Điều này buộc các nhà xuất bản phải tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho cùng một cuốn sách để đáp ứng yêu cầu của từng chương trình học cụ thể. Vicky Adriaensen, Giám đốc điều hành nhà xuất bản Van In, cho biết sự phân tán này không chỉ làm tăng độ phức tạp mà còn đẩy chi phí sản xuất lên cao hơn.

Tại Bỉ, ở khu vực nói tiếng Pháp, chương trình giảng dạy được xây dựng dựa trên các mục tiêu giáo dục cụ thể và được đánh giá thông qua các kỳ thi quan trọng. Các kỳ thi này bao gồm CEB (Chứng chỉ Học tập cơ bản, dành cho học sinh lớp 6 tiểu học), CE1D (Chứng chỉ Năng lực bậc Trung học đầu tiên, dành cho học sinh lớp 2 trung học- tương đương lớp 11 ở Việt Nam), và CESS (Chứng chỉ Giáo dục bậc Trung học, dành cho học sinh lớp 12). Các nhà xuất bản sách giáo khoa dựa vào chương trình học được thiết lập bởi các mạng lưới giáo dục để biên soạn nội dung phù hợp. Mặc dù việc sử dụng sách giáo khoa không bắt buộc, nhưng mỗi khi năm học mới bắt đầu, hàng chục nghìn cuốn sách vẫn được mua, thuê, hoặc mượn để phục vụ cho giáo viên và học sinh.

Các nhà xuất bản sách giáo khoa dựa vào chương trình học được thiết lập bởi các mạng lưới giáo dục để biên soạn nội dung phù hợp.

Các nhà xuất bản sách giáo khoa dựa vào chương trình học được thiết lập bởi các mạng lưới giáo dục để biên soạn nội dung phù hợp.

Mặc dù thị trường sách giáo khoa ở Bỉ có tiềm năng phát triển lớn, nhưng lại đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Một trong những vấn đề chính là thiếu sự hỗ trợ chính trị và sư phạm đối với sách giáo khoa trong cộng đồng nói tiếng Pháp. Benoît Dubois, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất bản tiếng Pháp Bỉ (Adeb), cho biết sách giáo khoa thường bị coi là không cần thiết, và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Bên cạnh đó, việc lạm dụng máy photocopy trong các trường học để sao chép trái phép từ các sách giáo khoa hiện có không chỉ vi phạm bản quyền mà còn gây thiệt hại tài chính cho các nhà xuất bản.

Một vấn đề khác là sách giáo khoa chưa được giới thiệu đầy đủ trong quá trình đào tạo giáo viên, dẫn đến việc nhiều giáo viên tự soạn giáo án mà không tận dụng những lợi ích của sách giáo khoa do các chuyên gia biên soạn. Sự thiếu nhận thức về giá trị và hiệu quả của sách giáo khoa chuyên nghiệp đã làm giảm sự hỗ trợ từ các bên liên quan, khiến thị trường sách giáo khoa trở nên khó khăn và kém phát triển hơn.

Sự tập trung của thị trường và ảnh hưởng đến cạnh tranh

Thị trường sách giáo khoa Bỉ hiện nay chủ yếu do hai nhà xuất bản lớn chi phối: Van In và Plantyn. Sự tập trung này là hệ quả của những đặc thù thị trường và nhu cầu đầu tư lớn để phát triển nội dung. Với quy mô thị trường nhỏ như ở Bỉ, việc tạo ra các sản phẩm giáo dục đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực, dẫn đến việc mua lại và sáp nhập giữa các nhà xuất bản để hình thành những tập đoàn mạnh hơn.

Mặc dù sự tập trung này đã làm giảm đi sự đa dạng trong ngành xuất bản, nhưng theo ông Benoît Dubois, chỉ cần vẫn còn các nhà xuất bản với những quan điểm sư phạm khác nhau thì giáo viên vẫn có thể lựa chọn giữa các phương pháp giảng dạy khác nhau. Tuy nhiên, một số người trong ngành lo ngại điều này có thể dẫn đến sự thương mại hóa quá mức và làm mất đi tính đa dạng và dân chủ trong giáo dục.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số đang mở ra một chương mới cho ngành sách giáo khoa tại Bỉ. Các nền tảng và nội dung giáo dục số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy, mang lại nhiều lợi ích như tăng cường sự tương tác, nâng cao động lực học tập và hỗ trợ phân hóa trong giảng dạy. Tuy nhiên, số hóa cũng đi kèm với những thách thức lớn về tài chính và công nghệ. Việc đầu tư vào số hóa đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, trong khi mô hình kinh doanh hiện tại vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc bán sách giáo khoa in.

Cả Van In và Plantyn đều đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nội dung số, nhưng điều này cũng tiềm ẩn rủi ro. Nếu doanh thu từ sách giáo khoa giấy giảm, việc tài trợ cho các sáng kiến số hóa sẽ trở nên khó khăn hơn. Sabrina Amengual, Trưởng phòng thị trường nói tiếng Pháp của Van In, nhấn mạnh việc duy trì sự cân bằng giữa sách in và nội dung số là rất quan trọng, bởi sách in vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ ghi nhớ kiến thức.

Quá trình chuyển đổi số đang mở ra một chương mới cho ngành sách giáo khoa tại Bỉ.

Quá trình chuyển đổi số đang mở ra một chương mới cho ngành sách giáo khoa tại Bỉ.

Hiệp ước Xuất sắc: cơ hội cho ngành sách giáo khoa

Các cuộc cải cách giáo dục, đặc biệt là Hiệp ước Xuất sắc, đang mở ra những cơ hội mới cho các nhà xuất bản sách giáo khoa tại Bỉ. Những thay đổi lớn trong chương trình học đã tạo ra động lực mới cho thị trường, buộc các nhà xuất bản phải liên tục đổi mới để đáp ứng các mục tiêu giáo dục mới. Điều này không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh mà còn giúp các nhà xuất bản cung cấp sự hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên trong việc giảng dạy.

Hiệp ước Xuất sắc, hay còn gọi là "Pacte d'Excellence" trong tiếng Pháp, là một sáng kiến cải cách giáo dục quan trọng tại Bỉ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu sự phân hóa giữa các hệ thống giáo dục trong nước. Ra mắt vào năm 2013, Hiệp ước Xuất sắc tập trung vào việc cải thiện chương trình học, phương pháp giảng dạy, và các công cụ hỗ trợ giáo viên để đáp ứng nhu cầu học sinh một cách hiệu quả hơn.

Mục tiêu chính của Hiệp ước Xuất sắc là xây dựng một hệ thống giáo dục đồng bộ và hiệu quả hơn. Điều này bao gồm việc thiết lập một khung chương trình học thống nhất, phát triển các công cụ và tài liệu giảng dạy phù hợp, và cung cấp sự đào tạo chuyên sâu cho giáo viên. Các nhà xuất bản sách giáo khoa phải thích nghi với những thay đổi này để cung cấp nội dung phù hợp với chương trình học mới.

Sự cải cách này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các nhà xuất bản mà còn giúp họ hỗ trợ giáo viên tốt hơn trong việc giảng dạy. Ngành sách giáo khoa Bỉ hiện đang đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi lớn, với nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Sự chuyển đổi số và các cải cách giáo dục như Hiệp ước Xuất sắc có thể là chìa khóa để ngành vượt qua những khó khăn hiện tại và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Bài, ảnh: Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-cai-cach-trong-nganh-sach-giao-khoa-bi-20240912143531860.htm