Cuộc cạnh tranh khốc liệt Trung - Ấn ở Trung Đông

Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang biến thành một cuộc cạnh tranh lớn hơn và khốc liệt hơn giữa hai cường quốc châu Á ở Trung Đông.

Trong khi ca ngợi mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, Iran đã loại bỏ vai trò triển vọng của Ấn Độ trong một dự án đường sắt nối cảng Chabahar của nước Cộng hòa Hồi giáo với Afghanistan, theo tạp chí Mỹ The Diplomat trong bài viết ngày 21/7.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tháng 2/2018. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tháng 2/2018. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ

Báo này cũng chỉ ra rằng, trong khi tình bạn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, một chủ thể then chốt ở Trung Đông, với Trung Quốc được cải thiện trong thời gian gần đây thì quan hệ của nước này với Ấn Độ xấu đi do Ankara đứng về phía Pakistan trong vấn đề Kashmir.

Cán cân địa chính trị đang chuyển đổi này càng khiến New Delhi thắt chặt quan hệ hơn với Mỹ, không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn cả ở Trung Đông. Tuy nhiên, New Delhi đang phải chật vật tìm kiếm các đối tác.

The Diplomat chỉ ra rằng, khó khăn của Ấn Độ ở Trung Đông ít nhất dường như bắt nguồn từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Từ năm 2005 đến 2019, Bắc Kinh đầu tư hơn 55 tỷ USD vào Trung Đông và Bắc Phi, theo tổ chức Theo dấu Đầu tư toàn cầu Trung Quốc (China Global Investments Tracker) thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI). Hơn nữa, trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2014, Trung Quốc đã mở rộng trợ giúp tài chính khoảng 42,8 tỷ USD tới khu vực, the dữ liệu mà phòng nghiên cứu AidData có được.

Với nhiều quốc gia trong vùng, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn chủ lực về công nghệ cũng như máy bay không người lái vũ trang.

Iran dường như là một trong những điển hình cho thấy sức ảnh hưởng của Ấn Độ đang suy giảm trước Trung Quốc. Chỉ ít ngày sau khi dự thảo Thỏa thuận Quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện của Iran với Trung Quốc bị rò rỉ ra ngoài, Tehran đã thúc đẩy xây dựng một tuyến đường sắt nối cảng Chabahar với tỉnh Zeranj của Afghanistan, làm tiêu tan hy vọng Ấn Độ sẽ được mời tham gia dự án.

Với cam kết đầu tư tới 150 triệu USD trong thời gian 10 năm, New Delhi từng ca ngợi cảng này như một trong những tài sản giúp thách thức chiến lược "Chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cạnh tranh với cảng ở Gwadar (Pakistan) gần đó mà Trung Quốc xây.

Tính về thời gian Tehran hành động, nhiều người ở New Delhi đã nhận ra ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Iran. "Trung Quốc âm thầm hành động và trao cho họ một thỏa thuận tốt hơn. Tổn thất lớn cho Ấn Độ", The Diplomat dẫn bình luận của ông Abishek Singhvi, thành viên cấp cao của Quốc hội Ấn Độ, trên mạng xã hội Twitter.

Theo bản dự thảo rò rỉ, Trung Quốc sẽ cam kết 400 tỷ USD vào các khoản đầu tư ở Iran trong vòng 25 năm.

Trog khi đó, quan hệ giữa Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, một nước lớn khác ở Trung Đông có dấu ấn kinh tế lớn của Bắc Kinh, cũng đang suy giảm. Do thâm thủng ngân sách lớn vì đại dịch Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ đang quay sang Trung Quốc để có được các khoản đầu tư và dự trữ ngoại tệ.

Trong tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng khoản 400 triệu USD mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới thêm trong thỏa thuận hoán đổi tiền tệ 1 tỷ USD đã ký năm 2019. Nước này dường như cũng là thành phần trung tâm trong tham vọng kết nối xuyên châu Âu của sáng kiến Vành đai và Con đường, thu hút nhiều khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào giao thông, hậu cần, năng lượng và viễn thông.

Kể từ tháng 9/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia cùng Pakistan - một đồng minh then chốt của Trung Quốc - lên án New Delhi bãi bỏ vị thế đặc biệt của Jammu và Kashmir theo điều khoản 370 Hiến pháp Ấn Độ.

Ấn Độ đáp trả bằng các cam kết với các đối thủ khu vực của Ankara bên lề hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, hủy hợp đồng 2,32 tỷ USD mua các tài sản hải quân từ Thổ Nhĩ Kỳ, và đảm bảo khoản 40 triệu USD cung cấp cho Armenia các radar quân sự.

Không đọ được về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ dường như đang tăng cường các mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Các vụ đụng độ biên giới với Trung Quốc càng khuyến khích nhiều người ở New Delhi muốn thân thiết hơn với Washington. Một logic tương tự cũng ứng với Trung Đông, nơi các túi tiền to của Trung Quốc dường như đang khiến ảnh hưởng của Ấn Độ suy giảm.

Và để tái cân bằng, New Delhi có thể nỗ lực gia nhập cùng Mỹ kìm chân Trung Quốc.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/cuoc-canh-tranh-khoc-liet-trung-an-o-trung-dong-659794.html