Cuộc cạnh tranh việc làm giữa con người và AI
Nhiều chuyên gia trên thế giới có chung nhận định rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi căn bản và toàn diện nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đe dọa thay thế con người trong một số ngành nghề và xuất hiện thêm những ngành nghề mới khác.
Cơn sóng thần tấn công vào việc làm
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết AI đang tấn công thị trường lao động toàn cầu “như một cơn sóng thần”. Cách mạng công nghiệp đã đưa con người vào các nhà máy. Sau đó, tự động hóa đã đưa họ ra khỏi các nhà máy, dẫn đến sự phát triển của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, bất chấp những làn sóng “hủy diệt” này, tổng số người có việc làm vẫn tiếp tục tăng.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đang làm thay đổi hoàn toàn tình hình trên thị trường lao động. Theo báo cáo của IMF, gần 40% việc làm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi AI. Các nền kinh tế phát triển nhất phải đối mặt với rủi ro lớn hơn nhưng họ cũng có sự chuẩn bị tốt hơn để thu được lợi ích so với các nước đang phát triển.
Điều này có thể mở rộng khoảng cách kỹ thuật số và khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Ở các nền kinh tế phát triển, khoảng 60% việc làm bị ảnh hưởng bởi AI do tỷ lệ công việc tập trung vào phát triển kinh tế trí thức cao, trong khi đó ở các nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức 40%, còn ở các nước thu nhập thấp chỉ là 26%.
Bà Kristalina Georgieva nhận định: “Chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho người dân và doanh nghiệp cho việc này. Điều đó có thể dẫn đến năng suất tăng lên rất nhiều nếu chúng ta quản lý tốt, nhưng nó cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch hơn và tất nhiên là gây ra nhiều bất bình đẳng hơn trong xã hội”.
Sáu triệu lao động ở Anh sẽ làm gì?
Báo cáo “Tác động của trí tuệ nhân tạo đến thị trường lao động” tháng 11/2024 của Viện biến đổi toàn cầu Tony Blair đã chỉ ra ba cách mà AI có thể tác động đến thị trường lao động, đó là cầu, cung và thay đổi điều kiện làm việc.
Việc các công ty Anh áp dụng đầy đủ và hiệu quả AI có thể giảm gần 1/4 khối lượng công việc của khu vực kinh tế tư nhân, tương đương với khối lượng công việc hàng năm dành cho sáu triệu công nhân. Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm thời gian và cải thiện năng suất của AI rất khác nhau ở cấp độ từng người lao động.
Những ngành nghề liên quan đến lao động chân tay phức tạp như xây dựng sẽ ít chịu ảnh hưởng của AI. Ngược lại, những người lao động “bàn giấy”, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tri thức, đặc biệt ở các vị trí hành chính hoặc làm việc trong các ngành xử lý dữ liệu (như ngân hàng và tài chính) sẽ dễ bị tổn thương hơn.
Tình trạng mất việc làm được dự đoán trước, nhưng có thể có các nhu cầu về lao động mới do tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và sự xuất hiện của các sản phẩm và dịch vụ mới. Trí tuệ nhân tạo có khả năng biến đổi đáng kể trải nghiệm làm việc hàng ngày bằng cách giảm bớt thói quen, cải thiện khả năng tiếp cận công việc và tăng cường an toàn. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc tăng cường giám sát có thể gây căng thẳng ở một người.
Nguy cơ AI đối với việc làm ở Mỹ
Tại Mỹ, 10% ngành nghề trong tổng số việc làm trong nền kinh tế có nguy cơ cao nhất và đã có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với những ngành nghề này giảm sút. Điều này được nêu trong báo cáo “Tác động tiềm tàng của AI đối với thị trường lao động” (tháng 7/2024) của Bộ Lao động Mỹ.
Theo báo cáo này, 10 ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi AI tại Mỹ bao gồm: Chuyên gia phỏng vấn (Eligibility Interviewers); Chuyên gia kiểm tra tiêu đề, chuyên gia tóm lược và tìm kiếm (Title Examiners, Abstractors, and Searchers); Nhân viên y tế chịu trách nhiệm ghi chép (Medical Transcriptionists); Nhân viên vẽ bản đồ và chụp ảnh (Cartographers and Photogrammetrists); Thư ký luật tư pháp (Judicial Law Clerks); Nhân viên tư vấn thuế (Judicial Law Clerks); Kỹ thuật viên sinh học (Biological Technicians); Kỹ sư điện (Electrical Engineers); Nhân viên giám sát việc thực thi pháp luật (Compliance Officers); Nhân viên soát lỗi và đánh dấu bản sao (Proofreaders and Copy Markers).
Cuộc đua việc làm ở Kazakhstan
Theo ước tính của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực” Kazakhstan, có tới 45% công việc có thể được tự động hóa bằng AI trong các công việc của các nhân viên hành chính, so với 2% ở các ngành nghề cổ xanh, trong đó nghề thư ký và các ngành nghề hành chính khác có nguy cơ cao nhất.
Bộ Lao động Kazakhstan cho biết nhìn chung, khoảng 13% công việc ở Kazakhstan có khả năng hoàn thành từ mức trung bình đến cao thông qua việc sử dụng AI. Điều này phù hợp với ước tính của Tổ chức Lao động thế giới. Do đó, “nhân viên hỗ trợ văn phòng” rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của AI: 24% nhiệm vụ “văn thư” được coi là rất dễ bị tổn thương, 58% được coi là dễ bị tổn thương ở mức độ vừa phải.
Theo “Khái niệm phát triển AI giai đoạn 2024-2029”, trong thương mại bán buôn và bán lẻ, AI có thể thay thế các chức năng của trung tâm liên lạc (Call center) và chatbot. Điều này sẽ giúp giảm 90% số nhân viên của các trung tâm liên lạc.
Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị có phần mềm dựa trên AI để tự động hóa các hoạt động cơ học trong việc lấy hàng và đóng gói đơn hàng sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả và độ chính xác của các quy trình này, đồng thời giảm chi phí lao động tới 30%.
Cố vấn nhân sự Raushan Raiskhanova tin rằng những ngành nghề như thư ký ngân hàng, tài chính sẽ giảm đi đáng kể hoặc biến mất. Những công việc trong lĩnh vực tiếp thị, nhân sự, quan hệ công chúng (PR) và pháp lý có thể được chuyển sang dùng AI. Các ngành nghề mang tính sáng tạo sẽ vẫn tồn tại, nhưng phần thường ngày của chúng sẽ biến mất.
Chuẩn bị để thích nghi
Theo IMF, các ưu tiên trong vấn đề này phụ thuộc vào mức độ phát triển của đất nước. Các nền kinh tế mới nổi phát triển và tiên tiến hơn nên đầu tư vào đổi mới và tích hợp AI, đồng thời điều tiết ngành một cách hợp lý. Đối với các nước đang phát triển có ít sự chuẩn bị hơn, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng kỹ năng số cho người lao động là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, điều quan trọng là tất cả các nền kinh tế phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ xã hội và chương trình đào tạo lại cho người lao động ở các khu vực có nguy cơ cao.
Viện Tony Blair của Anh nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu chỉ tập trung mọi nỗ lực chính sách vào các hạn chế. Bất kỳ biện pháp nào nhằm mục đích ngăn chặn đều có khả năng không hiệu quả và sẽ gây thiệt hại về lâu dài. Thay vào đó, các chính phủ được khuyến khích thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi AI; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thị trường lao động để thích ứng với tỷ lệ luân chuyển nhân viên cao; sử dụng tiềm năng của AI để cải thiện chất lượng công việc; tiến hành phân tích chi tiết và lập kế hoạch dự phòng thực tế.
Bộ Lao động Kazakhstan báo cáo rằng mặc dù tác động của AI lên thị trường lao động sẽ rất đáng kể nhưng hầu hết các công việc và ngành công nghiệp chỉ dễ bị tự động hóa một phần và do đó có khả năng một số việc làm sẽ được bổ sung bù đắp những công việc do AI đảm nhận. Để chuẩn bị cho những thay đổi, “Khái niệm phát triển AI quốc gia” đưa ra các biện pháp trong sáu lĩnh vực, bao gồm dữ liệu, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, quy định về quan hệ pháp lý và các chương trình tăng tốc.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-canh-tranh-viec-lam-giua-con-nguoi-va-ai-298932.html