Cuộc chạm trán khó quên với toán fulro cuối cùng
Là người thích 'săn' những đề tài mới lạ, tôi được các cán bộ công an cho tháp tùng một số chuyến đi thu phục, 'đón lỏng' các toán fulro rời rừng sâu ra đầu thú. Ấn tượng hơn cả là chuyến thu phục toán fulro cuối cùng do K'Sờn cầm đầu.
Toán fulro 6 người ra hàng
“Xuống huyện Bảo Lâm ngay nhé! Toán fulro cuối cùng sống lẩn khuất trong rừng sâu hơn 22 năm… đã ra hàng rồi!”, một người quen làm việc ở Công an tỉnh Lâm Đồng điện thoại cho tôi vào sáng sớm ngày 5/4/1998, giọng nói đứt quãng.
Tôi cùng đồng nghiệp chộp lấy máy ảnh, phóng xe máy một mạch hơn 120km đến Công an huyện, sau đó di chuyển đến khu vực cửa rừng thuộc xã Lộc Tân. Trưa hôm đó, chúng tôi chứng kiến cảnh thiếu tá Nguyễn Minh Thiệt (Trưởng Công an huyện) cùng một số cán bộ chiến sĩ đón toán fulro gồm 6 người do K’Sờn (46 tuổi) dẫn đầu ra hàng. Đây quả là câu chuyện hiếm hoi bởi đất nước đã thanh bình hơn hai mươi năm và vấn đề fulro tưởng chừng đã trở thành ký ức…
Nhìn những khuôn mặt hốc hác, vàng bủng, quần áo vá chằng vá đụp của toán fulro, nhất là 2 cháu nhỏ với ánh mắt ngơ ngác, sợ sệt, dường như chẳng ai nghĩ họ là kẻ thù, chỉ thấy họ đáng thương vì đã lầm đường lạc lối quá lâu, suýt trở thành người rừng. Toán fulro được đưa lên xe u-oát chở về nhà khách Công an huyện, ở trong những căn phòng sạch sẽ, tinh tươm. Các chiến sĩ công an phải rất vất vả hướng dẫn họ cách sử dụng toilet, ti vi…
Cô bé Ka Brin 9 tuổi ngắm mãi đôi dép nhựa vừa được các chú công an cho, như ngắm vật lạ từ hành tinh khác. Cháu giật mình bỏ chạy khi thấy hình người và tiếng nói phát ra từ chiếc tivi. Còn cậu bé K’Ni Son hễ thấy người lạ là khóc thét. “Cháu không sợ con voi, con rắn, nhưng rất sợ người lạ!”, K’Sờn phân trần.
Cũng dễ hiểu thôi bởi 2 cháu bé chưa có một khái niệm nhỏ nào về cuộc sống cộng đồng; còn 4 người lớn đã mất hết nguồn thông tin về đồng loại. Họ chạy trốn, lén lút, tồn tại như những con thú hoang lạc bầy, nơm nớp lo sợ bị trả thù.
Hành trang của họ là cây nỏ và những mũi tên tẩm thuốc độc; xoong nồi, chén bát bằng nhôm, sứ, đất sét; rìu, rựa, xà gạc…, đa phần lấy từ nhà mồ của người dân tộc thiểu số vì đồng bào có phong tục chia của cho người chết.
Quần áo rách tả tơi, chủ yếu lấy trộm từ những hình nộm đuổi chim trên nương rẫy. K’Sờn cho chúng tôi xem dụng cụ cạo râu, hớt tóc là một mảnh thép móc từ đế giày nhà binh ra mài cho bén; thị phạm việc lấy lửa từ viên đá thạch anh đập vào một mảnh sắt dày kẹp bùi nhùi.
6 con người ấy sống chui rúc trong các hang đá giữa rừng sâu, làm cung tên để chống chọi với thú dữ, săn bắt thú rừng làm thức ăn. K’Laih (54 tuổi) cho biết khi săn được con thú, họ sử dụng bộ lòng của con vật trước; còn các chỗ thịt ngon được phơi, sấy làm lương khô dự trữ. Họ uống máu các con thú săn bắn được để thay cho vị mặn của muối. Thức ăn chủ yếu là củ mài, củ chụp, lá bép, đọt mây... Họ trị bệnh sốt rét bằng lá cây păng-set nấu đặc; xà phòng được tự chế bằng cách đập dập thân cây b-lách, đánh răng bằng than củi…
Lần theo dấu vết
Trưa 24/3/1995, Công an huyện Đạ Huoai bắt sống toán fulro 5 người do K’Long Nhão (thiếu tá, Tỉnh trưởng Runka, Long Khánh...) cầm đầu. Qua lời khai của toán fulro, Công an Lâm Đồng nhận định hiện còn toán fulro cuối cùng do KSờn chỉ huy đang hoạt động tại địa bàn huyện Bảo Lâm, giáp ranh các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương và Đắk Lắk.
K’Sờn kể vào năm 1991, đã hộ tống một sĩ quan cấp tá sang gặp các fulro đầu sỏ ở Campuchia. Tại đây, các fulro cộm cán bảo rằng ai ra hàng sẽ bị công an chặt làm 3 khúc. Nghe vậy, K’Sờn rất hoảng sợ nên đã cùng với các thành viên trong nhóm tiếp tục lẩn khuất trong rừng, cam chịu cuộc sống vất vưởng, đói khát.
Ngày 27/3/1998, một số người đi hái trái ươi báo tin phát hiện dấu vết đào củ mài trong rừng già, cách trung tâm huyện Bảo Lâm khoảng 25km. Trưởng Công an huyện liền cử nhóm trinh sát vào hiện trường. Qua dấu vết và dụng cụ đào củ mài để lại, nhóm công tác nhận định toán fulro đang lẩn trốn tại khu vực này. Ban lãnh đạo Công an huyện thống nhất chọn phương án gọi hàng, không gây đổ máu.
Tổ công tác đặc biệt do ông KBối - Trưởng Công an kiêm Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tân làm tổ trưởng lập tức lên rừng. Tổ còn có anh K’Brui - công an viên, ông K’Đèo - nguyên trung úy, quyền Quận trưởng quận B’Lao của fulro, đầu thú năm 1981; K’Krèo - nguyên thiếu úy fulro, ra hàng năm 1996. Sau 2 ngày hành quân trong rừng, tổ phát hiện chỗ ngủ còn mới của vài người, mặc dù dấu vết đã bị phi tang.
Đến 14h30’ ngày 4/4/1998, một thành viên trong tổ phát hiện 3 hố đào củ mài dang dở. Tổ chia nhau mai phục quanh khu vực này. Khoảng 1 tiếng sau, cô bé mặt mày lem luốc xuất hiện, di chuyển thoăn thoắt giữa các cụm cây bằng cả tứ chi, sau lưng có chiếc gùi nhỏ, hai bên hông giắt 2 con dao găm. Cô bé cẩn thận quan sát xung quanh rồi cất tiếng hú. Một phụ nữ rời lùm cây gần đó, tay lăm lăm con dao sắc nhọn cùng cô bé đào củ mài. Ở 2 hố củ mài còn lại cũng xuất hiện 2 người đàn ông thấp đậm, mang gùi và cung nỏ sau lưng.
Nhận được tín hiệu của tổ trưởng, ông K’Krèo rời chỗ mai phục, chạy đến kêu lên: “Ơi K’Ớt, K’Laih! Nhận ra mình không. Mình là K’Krèo đây”. Hai người đàn ông thoáng giật mình, quay lại nhìn K’Krèo. K’Ớt (46 tuổi) mừng rỡ hỏi tới tấp: “Ồ, K’Krèo. Lâu rồi mới gặp lại, bạn từ Campuchia về à? Được lên cấp gì rồi? Thiếu tá hả?”. “Không phải đâu! Mình ra đầu thú cách mạng 3 năm rồi, Chính phủ tốt lắm, không đánh đập, không bắt đi tù, lại còn cho nhà cho đất để trồng lúa, cà phê”, nói rồi, K’Krèo lấy lá thư của Trưởng Công an huyện Bảo Lâm đọc cho mọi người nghe.
Thư có đoạn: “Kính gửi anh K’Sờn cùng các anh chị em fulro còn ở trong rừng. Tổ chức fulro hiện đã tan rã, ngay cả toán K’Long Nhão, K’Krèo cũng đã trở về với chính quyền cách mạng, được khoan hồng, có công ăn việc làm, có đất làm nhà, trồng cà phê... Chúng tôi đưa anh K’Krèo vào kêu gọi các anh trở về với chính quyền cách mạng, với gia đình, xã hội. Tôi bảo đảm các anh sẽ được hưởng khoan hồng và đối xử tử tế như K’Long Nhão, K’Krèo và nhiều anh em khác”.
Sau hồi lâu thuyết phục, thấy toán fulro có ý ra hàng, K’Krèo nói tiếp: “Mình vào đây đông người, có cả súng tốt nữa, nếu muốn giết các bạn thì... xong cả rồi. Mình chỉ muốn các bạn về buôn làng sống vui vẻ thôi!”. Dứt lời, K’Krèo vỗ tay ra hiệu. Ba người còn lại trong tổ công tác bước ra với súng AK lủng lẳng trên vai, nhưng khuôn mặt tươi vui, thân thiện. Khi K’Sờn gật đầu đồng ý ra hàng, tổ công tác cùng toán fulro nấu bữa cơm liên hoan tại rừng, cùng nhau ăn uống, ca hát suốt đêm. Sau đó, toán fulro được trao nhà tình thương, trợ cấp lương thực, cấp đất để trồng cà phê…
15 năm sau cuộc gặp gỡ khó quên đó, chúng tôi quay lại huyện Bảo Lâm để hội ngộ với các thành viên của nhóm fulro này. Ai nấy đều ổn định cuộc sống, phấn khởi, lạc quan. Cô bé “người rừng” Ka Brin ngày nào đã trở thành sơn nữ xinh đẹp, bắt K’Lý làm chồng và sinh hạ bé gái xinh xắn, đặt tên là Ka Beka.