Cuộc chạy đua của các 'ngân hàng ảo' ở châu Á
Cùng với tăng trưởng của ngành thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của các ngân hàng ảo đang ngày càng trở thành xu thế.
Công ty Ant Financial đã giành được giấy phép bảo đảm việc thành lập các ngân hàng ảo tại Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Singapore mới đây thông báo về việc nghiên cứu khả năng cấp phép hoạt động cho ngân hàng ảo, trong khi chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) – nơi đặt bản doanh của “người khổng lồ” ngành ngân hàng HSBC Holdings Plc, cũng bắt đầu cấp giấy phép cho một số ngân hàng dựa trên mô hình kinh doanh kỹ thuật số.
Châu Á nổi lên là một khu vực rất năng động, bắt kịp nhanh với tiến bộ công nghệ trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với tăng trưởng của ngành thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của các ngân hàng ảo đang ngày càng trở thành xu thế.
*Cải cách trong ngành ngân hàng
Ngân hàng ảo, hay ngân hàng kỹ thuật số là loại hình ngân hàng chỉ hoạt động trên Intenet, không có trụ sở và chi nhánh với tất cả các dịch vụ được cung cấp trực tuyến. Đằng sau các ngân hàng này thường là các công ty công nghệ lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính - fintech, thuật ngữ kết hợp giữa tài chính (finance) và công nghệ (technology).
Các ngân hàng này không chỉ cung cấp các giao dịch ngân hàng thông thường mà còn cho vay tiền, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản cá nhân. Lợi ích của mô hình này là khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch qua thiết bị kết nối Internet, còn ngân hàng trực tuyến sẽ tiết kiệm chi phí thuê văn phòng và nhân viên nên có thể cho vay với lãi suất thấp hơn và thu phí ít hơn.
Sự ra đời của loại hình ngân hàng này là một thách thức không nhỏ đối với những ngân hàng hoạt động theo phương thức truyền thống, buộc các ngân hàng truyền thống phải giảm phí, cung cấp thêm cho khách hàng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và dịch vụ ngân hàng dựa trên thiết bị di động.
Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia tiên phong trong việc mở đường cho mô hình này nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực ngân hàng và áp dụng công nghệ tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế chuyển mình để đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc chạy đua tranh giành miếng bánh thị phần ngân hàng ảo ngày càng nóng ở châu Á giữa hai “người khổng lồ” Ant Financial của tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd. và WeChat Pay của Tencent Holdings Ltd., sau khi cả hai công ty đều giành được giấy phép bảo đảm việc thành lập các ngân hàng ảo tại Hong Kong (Trung Quốc) vào đầu tháng 5/2019.
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) đang xem xét môi trường pháp lý để “bật đèn xanh” cho các công ty công nghệ tài chính mở ngân hàng kỹ thuật số. Đây được coi là cánh cửa mở vào thị trường đầy tiềm năng và béo bở của khu vực Đông Nam Á.
Theo ước tính của các nhà quan sát, khu vực này có hơn 650 triệu người sở hữu điện thoại thông minh và đã quen thuộc với các ứng dụng phổ biến như Go-Jek và Grab. Nhiều người còn quan ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân nên chưa tin tưởng mô hình ngân hàng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, trước tình trạng các chi nhánh ngân hàng làm việc kém hiệu quả, lãi suất tiền gửi thấp và tư vấn đầu tư thiếu chuyên nghiệp, ngày càng nhiều khách hàng cởi mở hơn với mô hình ngân hàng kỹ thuật số.
Kết quả một khảo sát năm 2017 của McKinsey & Co cho thấy, 62% người dân ở các quốc gia đang phát triển ở châu Á không ngại chia sẻ dữ liệu cá nhân để có được sản phẩm theo ý mình, so với tỷ lệ chỉ 23% ở các quốc gia châu Á giàu có hơn.
Các thành tựu công nghệ nổi bật của Cách mạng công nghiệp 4.0 là Internet kết nối vạn vật (IoT); Dữ liệu lớn (Big Data); Trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… Chúng thường được sử dụng để phân tích các thói quen, xu hướng tiêu dùng hay mức độ quan tâm của mỗi cá nhân, từ đó cung cấp các dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng khách hàng.
*Ngân hàng truyền thống – Đối thủ đáng gờm
Còn quá sớm để đánh giá liệu ngân hàng kỹ thuật số có thực sự là mối đe dọa đối với các ngân hàng truyền thống. Tại Hong Kong, trong số 8 ngân hàng ảo được cấp phép thành lập, 3 công ty trong số đó đều hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như Standard Chartered Plc, BOC Hong Kong (Holdings) Ltd. và Ngân hàng Công nghiệp & Thương mại Trung Quốc (ICBC).
HSBC, tập đoàn có thị phần hàng đầu về bán lẻ, cho vay doanh nghiệp, thế chấp và tín dụng chưa hề có động thái nào. Các nhà phân tích cho rằng HSBC có thể có lý do chính đáng để làm như vậy. Tổng giá trị tài sản của các ngân hàng ảo tại Hong Kong mới chỉ vào khoảng 150 tỷ đôla Hong Kong (19 tỷ USD), tương đương với một ngân hàng nhỏ thứ ba của Hong Kong là Dah Sing Banking Group Ltd., theo số liệu của Citigroup Inc.
Mặt khác, việc thu hút khách hàng bán lẻ là một chuyện, còn thuyết phục khách hàng gửi một số tiền lớn vào tài khoản tại ngân hàng ảo lại là chuyện khác. Nếu không có ngân hàng tên tuổi bảo trợ đằng sau, những ngân hàng ảo mới gặp nhiều khó khăn để lấy được lòng tin của khách hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng ảo cũng không tránh được những thách thức mà các ngân hàng truyền thống gặp phải, chẳng hạn như quy trình xét duyệt cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Mặc dù một cá nhân có thể mở tài khoản ảo thành công với thời gian xét duyệt chỉ trong vài giờ, nhưng DNVVN phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý hơn.
Hiện nay, việc xét duyệt này ở một ngân hàng truyền thống ở Hong Kong mất trung bình 38 ngày. Các quy định dù còn mất thời gian, song đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng ảo ngăn chặn một số nguy cơ, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp thường thiếu chuyên môn sâu trong quản lý rủi ro hoạt động.
Các trung tâm tài chính của châu Á đã bắt đầu nới lỏng quy chế giám sát và cho phép các công ty khởi nghiệp thử nghiệm các sản phẩm tài chính trong môi trường có kiểm soát. Hoạt động ngân hàng ảo, dù tự vận hành hay thông qua hợp tác với ngân hàng truyền thống đều cần được đảm bảo một môi trường pháp lý rõ ràng, hoạt động cạnh tranh công bằng, lành mạnh và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cuoc-chay-dua-cua-cac-ngan-hang-ao-o-chau-a/125399.html