Cuộc chạy đua tìm đường đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine
Ukraine có lượng xuất khẩu ngũ cốc lớn hơn cả Liên minh châu Âu, 20 triệu tấn ngũ cốc tồn đọng từ nước này rất quan trọng khi lo ngại về an ninh lương thực tăng cao.
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ảnh hưởng tới nguồn cung ngũ cốc và đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu. Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt lương thực, các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng tìm cách đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine.
Trong bối cảnh xung đột tiếp diễn, các chính trị gia phải xem xét mọi biện pháp, mọi con đường mà ngũ cốc có thể đi qua: Từ huy động hải quân hộ tống các chuyến hàng cho đến tận dụng tối đa tuyến đường bộ đến Baltic. Quan chức địa phương tại các cảng cùng những công ty về hậu cần và nông nghiệp ở mọi khu vực liên quan đều đang tìm kiếm giải pháp cho bài toán khó này.
Một trong số đó là sử dụng tuyến đường sắt dọc sông Danube chạy từ Reni (Tây Nam Ukraine) đến cảng Galati (Romania). Tuy nhiên, nhiệm vụ đảm bảo các chuyến hàng thực phẩm quan trọng đang gặp khó khăn do thiếu tài xế điều khiển phương tiện. Không chỉ vậy, tuyến đường sắt thuộc Liên Xô cũ có khổ đường ray rộng hơn so với tiêu chuẩn châu Âu. Những yếu tố này đã khiến việc vận chuyển chậm trễ tới 30 ngày do hàng hóa cần được chuyển lên toa xe tương thích và cơ sở hạ tầng bị quá tải.
Trong khi đó, các cảng ở Romania và Ba Lan cũng hoạt động hết công suất trong khi thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Hiện lượng xuất khẩu của Ukraine đã giảm chỉ còn một phần nhỏ so với trước đây, nhưng các quan chức thương mại cảnh báo rằng tình trạng tắc nghẽn hàng hóa sẽ còn tồi tệ hơn khi phần còn lại của châu Âu bắt đầu thu hoạch lúa mì vào tháng tới.
"Quy mô của vấn đề này rất lớn", Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ukraine Taras Kachka lưu ý rằng rất khó để tìm được một điểm đến thay thế trong quy trình vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.
Tình thế cấp bách
Thông thường, Ukraine xuất khẩu khoảng 3/4 sản lượng lương thực và đóng vai trò là nhà cung cấp chủ chốt của cả châu Phi, châu Á, Trung Đông cũng như châu Âu. Vì vậy, bất kỳ sự gia tăng nguồn cung nào từ quốc gia này cũng rất quan trọng đối với thế giới.
Ukraine dự kiến sẽ cần xuất khẩu thêm 30-40 triệu tấn ngũ cốc sau vụ thu hoạch vào mùa hè và mùa thu này ra thị trường toàn cầu. Dù ngũ cốc có thể tích trữ lâu dài được, nhưng người nông dân vẫn cần phải bán chúng sớm để lấy tiền trồng lương thực cho năm 2023, đặc biệt là khi các loại cây vụ đông như lúa mì cần gieo sạ trong vài tháng.
Ông Kees Huizinga, một nông dân Hà Lan sống ở Ukraine, từng có thể đưa được 25 tấn ngũ cốc đến các bến cảng Odessa trên Biển Đen và quay trở lại trong vòng một ngày với 400 nhân công. Nhưng giờ đây, các tài xế phải mất một tuần đi lại, xếp hàng và kiểm tra với chi phí gấp 3 lần để giao hàng trên một tuyến đường mới qua biên giới Romania.
Dù Liên minh châu Âu (EU) đã miễn trừ một số quy trình nhập khẩu ngũ cốc như giấy chứng nhận hoặc kiểm dịch thực vật để tạo điều kiện cho việc vận chuyển. Nhưng trong 3 tuần đến giữa tháng 5, ông Huizinga chỉ xuất xưởng được 150 tấn. Ông lo ngại rằng tình hình có thể xấu hơn nữa một khi Romania bắt đầu vụ thu hoạch của chính họ.
“Đó sẽ là một thảm họa. Romania sẽ bắt đầu thu hoạch trong một tháng rưỡi tới và tất cả dân địa phương sẽ cần sử dụng cơ sở hạ tầng của họ”.
Ngũ cốc Ukraine sẽ đi bằng đường sắt
Ukraine là nhà cung cấp lúa mì, ngô và lúa mạch lớn và đứng đầu doanh số bán dầu hướng dương toàn cầu. Sản lượng của các loại cây trồng này chắc chắn sẽ bị thu hẹp do xung đột, nhưng ở thời điểm hiện tại, vẫn còn 20 triệu tấn ngũ cốc tồn đọng từ năm ngoái.
Để đưa số ngũ cốc đó ra thế giới, Kiev đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ở biên giới phía Tây và điều chỉnh các thỏa thuận thương mại với EU. Vào ngày 24/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang nỗ lực đưa lượng hàng còn lại ở Ukraine đến thị trường toàn cầu bằng cách mở những “tuyến đường đoàn kết” đến các cảng ở châu Âu, đồng thời tài trợ cho các phương thức vận tải khác nhau. Trong đó, Đại sứ Ukraine tại Warsaw (Ba Lan) kỳ vọng Ba Lan có thể đóng vai trò là đầu mối trung gian cung cấp 80% ngũ cốc của Ukraine.
Nhưng trên thực tế, mục tiêu này còn nhiều chướng ngại, đặc biệt là về mạng lưới đường sắt. Trong một trường hợp điển hình hồi tháng trước, Slovakia đã phải huy động tới 12 chuyến tàu và sự hỗ trợ của các công ty vận tải tư nhân để vận chuyển 18.000 tấn ngô từ Ukraine. Vấn đề khó khăn là hàng hóa từ Ukraine được chuyển tới bằng các toa xe khổ rộng, chúng cần phải được chất lại lên các toa xe có kích cỡ tiêu chuẩn Châu Âu hoặc chuyển cả container hàng lên loại bánh xe khác.
Một con đường khác nằm ở Ba Lan: Tuyến đường sắt khổ rộng dài 400 km nối từ vùng công nghiệp phía Tây Nam Silesia với Ukraine - được sử dụng chủ yếu để chuyển các sản phẩm thép. Trong những tuần gần đây, nó còn là con đường chở người tị nạn. Nhà điều hành mạng lưới đường sắt PLK SA của Ba Lan đang nỗ lực nâng cao khả năng vận chuyển của tuyến đường này thay vì tập trung vào các tuyến khác như Trung Quốc-Belarus.
Vào tháng 4, Ba Lan và Ukraine đã hợp tác thành lập một công ty vận chuyển chung và đơn giản hóa các quy tắc ở biên giới để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông. Nhưng dù các tuyến đường đến các cảng Baltic của Ba Lan đã hoạt động ở tần suất cao trong tình trạng thiếu tàu, vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu Ba Lan có thể sớm tăng khối lượng ngũ cốc chuyển từ Ukraine lên trên 2 triệu tấn/tháng hay không. Ngay cả khi đạt được mục tiêu, con số này cũng chưa thể so với mức 5-6 triệu tấn thường được vận chuyển hàng tháng qua các cảng ở Biển Đen của Ukraine.
Tuyến đường sắt từ Reni đến Galati chỉ là một mảnh ghép trong cả chiến dịch tìm đường đưa ngũ cốc khỏi Ukraine, nhưng nó thể hiện rõ tính thách thức của nhiệm vụ.
Để tận dụng tuyến đường này tối đa, công ty TTS của Romania đang tiến hành phát quang bụi rậm và cây cối.
“Chúng tôi là một công ty hậu cần và chúng tôi đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ bất chấp các yếu tố địa lý”, ông Ion Stanciu, phó giám đốc điều hành của TTS, nói.
Romania rất muốn nâng cấp tuyến đường Galati để giảm bớt tắc nghẽn tại cảng Constanta trên Biển Đen - Galati được kết nối bằng đường sắt khổ rộng tương thích với hệ thống của Ukraine và có thể giúp vận chuyển ngũ cốc nhanh chóng hơn. Tháng trước, Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca cho biết chính phủ muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại đoạn đường sắt bị dài 4,6 km bị mất của Galati. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ bên nào sẽ thực hiện điều này do tuyến đường có liên quan đến 3 quốc gia và 3 nhà khai thác đường sắt khác nhau. Bộ trưởng Giao thông Romania hy vọng sẽ tìm được một công ty đảm nhiệm việc xây dựng đoạn đường ray còn thiếu trong tuần này.
Không con đường nào thay thế được cảng Odessa
“Ukraine đã xuất khẩu 20 triệu tấn kim loại mỗi năm và thậm chí còn nhiều ngũ cốc hơn chỉ bằng đường thủy, vì vậy việc thay thế hoàn toàn con đường này là một giấc mơ”, ông Petru Stefanut, giám đốc điều hành của TTS, nhận định.
“Tất cả những gì chúng tôi có thể cố gắng làm là giúp đỡ họ nhiều nhất có thể. Nhưng chúng tôi không thể so sánh với những gì họ đã có và những gì họ đã mất”.
Trong 2 tháng qua, TTS đã hỗ trợ vận chuyển khoảng 200.000 tấn ngũ cốc và kim loại từ Ukraine. Ông Stefanut tự tin rằng công ty có thể làm được nhiều hơn nữa nếu tuyến Reni-Galati được khai thác hiệu quả hơn.
Litva đang dẫn đầu nỗ lực giải phóng cảng Odessa để mở đường cho hàng hóa, nhưng việc này cũng bị cản trở do vấn đề an ninh ở biển Đen.
Trước đây, nước này có thể xử lý khoảng 8 triệu tấn ngũ cốc/năm thông qua cảng Klaipeda trên biển Baltic, nhưng họ chỉ có thể vận chuyển được 1 triệu tấn/năm qua đường sắt Ba Lan, theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Litva - chỉ một chuyến hàng từ Ukraine bằng đường sắt thử nghiệm đã mất tới 3 tuần.
“Không tồn tại giải pháp thay thế cho cảng Odessa để chuyển lượng ngũ cốc mà Ukraine đã tích lũy và sẽ thu được trong mùa hè”, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết.
“Chúng ta cần phải chấp nhận rằng ngũ cốc sẽ bị thối rữa và một phần của thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, giá cả sẽ tăng cao, hoặc chúng ta cần phải tìm cách giải quyết vấn đề Odessa”.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-chay-dua-tim-duong-dua-ngu-coc-ra-khoi-ukraine-ar679681.html