Cuộc chạy nước rút của EU
Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, dự luật 'Khí hậu và khả năng phục hồi' đã được Hạ viện Pháp thông qua sau 3 tuần tranh luận. Tuần tới, Chính phủ Đức cũng thảo luận khả năng siết chặt đạo luật bảo vệ khí hậu của nước này để đưa ra Quốc hội phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ lập pháp hiện nay.
Công bằng với thế hệ tương lai
Dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi” sẽ được trình lên Thượng viện Pháp vào tháng 6 tới và được dự báo cũng sẽ nhận được một sự đồng thuận rộng rãi.
Dự luật nhằm vào những mục tiêu chính là thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi phương thức sản xuất và làm việc, thay đổi phương thức di chuyển, thay đổi hành xử trong ăn uống và tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường. Dự luật đề ra những biện pháp mới để bảo vệ môi trường như tăng cường quyền tự quyết về môi trường cho các thị trưởng; tạo các khu phát thải thấp ở các thành phố lớn của Pháp; phát bữa ăn chay miễn phí hàng ngày cho các cộng đồng tình nguyện; thêm nhãn hiệu “điểm CO2” trên hàng hóa tiêu dùng. Ngoài ra, văn kiện này cũng đề ra nhiều lệnh cấm như cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ các đường bay nội địa có khoảng cách dưới 2 giờ 30 và có thể thay thế bằng tàu cao tốc, cấm bán các loại xe gây ô nhiễm cao vào năm 2030, cấm cho thuê bộ lọc khí.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4-5 cho biết, chính phủ liên bang sẽ nhanh chóng siết chặt luật bảo vệ khí hậu của nước này sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang cuối tuần trước yêu cầu cần đặt mục tiêu cụ thể về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2030.
Năm 2019, Chính phủ Đức đã thông qua Luật Bảo vệ khí hậu, trong đó có cam kết giảm lượng khí phát thải CO2 ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức của năm 1990, đồng thời đặt mục tiêu về lượng khí phát thải gần như bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên cho tới nay, Luật Bảo vệ khí hậu mới chỉ quy định lượng khí thải hàng năm cho các lĩnh vực như ngành năng lượng, công nghiệp, giao thông và nông nghiệp cho đến năm 2030 và chưa đưa ra quy định cụ thể cho tới năm 2050.
Thị trường carbon EU sôi động
Sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang Đức yêu cầu điều chỉnh cụ thể hơn mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho giai đoạn sau năm 2030, các nghị sĩ Đức muốn bỏ qua kế hoạch tăng giá CO2 trong năm 2022 và 2023 tương ứng lên 30 và 35 EUR/tấn, thay vào đó sẽ tăng luôn giá CO2 trong năm tới lên mức 45 EUR/tấn vốn dự định áp giá vào năm 2024.
Trong khi đó, giá giấy phép carbon của EU đã lần đầu tiên vượt mức 50 EUR (60,06 USD)/tấn CO2 thải ra, do nhu cầu từ các nhà đầu tư tăng mạnh và EU siết chặt các chính sách về khí hậu.
Thị trường carbon EU là công cụ chính của khối này nhằm hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu. Theo đó, các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và các hãng hàng không có các chuyến bay trong phạm vi châu Âu phải mua giấy phép carbon khi gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh EU đang nỗ lực nhằm đạt các mục tiêu khí hậu lớn hơn, trong đó có mục tiêu mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 - thị trường carbon của EU càng trở nên sôi động. Trong phiên giao dịch ngày 4-5, các tín chỉ phát thải của EU (EUAs) đã lên mức 50,05 EUR/1 tấn - mức cao nhất kể từ khi thị trường carbon ra mắt vào năm 2005. Kể từ đầu năm, hợp đồng chuẩn tháng 12-2021 đã tăng khoảng 50%. Giới phân tích cho rằng, trong những năm tới, giấy phép carbon EU có thể còn tăng cao hơn. Cũng đã có những ý kiến cảnh báo về tình trạng mất cân bằng xã hội lớn hơn khi tăng giá CO2.
Nghị viện châu Âu (EP) trước đó đã chính thức thông qua thỏa thuận về Chương trình môi trường và khí hậu châu Âu (LIFE) giai đoạn 2021-2027. Đây là chương trình cấp EU duy nhất dành riêng cho khí hậu và môi trường châu Âu đầy tham vọng nhất. Tổng ngân sách được phân bổ cho LIFE là 5,4 tỷ EUR, trong đó 3,5 tỷ EUR dành cho các hoạt động liên quan đến môi trường và 1,9 tỷ EUR cho hành động chống biến đổi khí hậu.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cuoc-chay-nuoc-rut-cua-eu-729796.html