Cuộc chia ly màu đỏ
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ. Tươi như ánh nhạn lai hồng”, khi viết bài này, trong đầu tôi luôn nghĩ đến bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ, kể về một cuộc chia ly vội vã của đôi vợ chồng mới cưới để người chồng ra tiền tuyến làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đôi vợ chồng trong bài thơ có lẽ vẫn còn may mắn hơn trường hợp của bà Trần Thị Thìn, khi tác giả không đề cập đến sự hy sinh, mất mát sau đó. Còn với bà Thìn, lần tiễn ông vào mặt trận cũng là lần cuối cùng 2 ông bà được gặp mặt nhau. Để rồi, 53 năm nay bà góa bụa, chịu cảnh không chồng, không con…
Một chiều hè đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm bà Trần Thị Thìn, vợ liệt sĩ Phạm Phi Phùng ở số nhà 1/27 ngõ Gốc Mít 1, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định). Căn nhà nhỏ yên tĩnh, xanh mướt bóng cây của bà nằm lặng lẽ, khiêm tốn ở cuối ngõ. Đã bước sang tuổi 82 nhưng bà Thìn nhìn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Chậm rãi, bà kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời của 2 ông bà. Giọng kể đều đều, bình thản nhưng không giấu hết được nỗi buồn, cảm giác tủi thân trước tuổi già cô quạnh. Trung đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, liệt sĩ Phạm Phi Phùng, sinh năm 1927, quê quán ở Quảng Bình. Ông mồ côi cha mẹ, có một người em gái cũng mất từ thuở nhỏ. Theo lời bà Thìn, khi vào tuổi thành niên, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, đóng quân tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Ông cùng với một số đồng chí khác trong đơn vị có xin ở nhờ nhà dân, tại gia đình chị gái của bà Thìn. Thương đồng chí bộ đội tuổi đã tương đối cao, không gia đình, nhà cửa, mẹ, anh trai và cả chị gái bà Thìn có ý định “kén rể” mai mối ông cho bà Thìn. “Cả gia đình tôi lúc ấy đã xuống “xem mắt” ông. Họ rất ưng và muốn tôi “cưới” ông. Tuy nhiên, lúc bấy giờ tôi còn rất trẻ nên chưa nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình. Ban đầu, tôi một mực không đồng ý nhưng được mọi người phân tích, động viên, tôi cũng dần lưu tâm. Tuy nhiên, tôi nhất định không đi xem mặt”, bà Thìn kể. Ngày 4 tháng Giêng năm 1955, ông bà cưới nhau. Quà cưới ông dành tặng bà là 2m vải phíp, 2m vải nâu dùng để may áo và khăn đội đầu cho cô dâu. “Do tư tưởng tôi chưa hẳn đã “thông suốt” nên tôi không dùng vải để may khăn và áo như mục đích, ý tưởng của ông”, bà Thìn cười cười kể thêm. Đêm tân hôn, 2 vợ chồng mới cưới nằm trên ổ rơm mới quây, trong căn nhà nhỏ cùng với gần chục người nhà của bà Thìn. Cưới hôm trước thì hôm sau đơn vị ông nhận lệnh hành quân. Từ đó ông liên tục tham gia các chiến dịch lớn cho đến khi hy sinh vào năm 1969. Trong suốt 14 năm lấy nhau, số ngày ông được nghỉ phép về thăm vợ, bà Thìn tính “đếm được không tới một bàn tay”. Lần dài nhất có lẽ được khoảng 3 ngày, còn có khi chỉ kịp tạt về vài tiếng. Có lần về ông bà gặp nhau nhưng cũng có lần không gặp do bà bận… đi công tác. Tình cảm của đôi vợ chồng trẻ chủ yếu được đắp bồi, vun vén qua những cánh thư. Tuy nhiên do điều kiện chiến tranh, thư từ không phải lúc nào cũng đến và đi thuận lợi. Trong tổng cộng 14 năm vợ chồng, bà Thìn bảo, “tôi cũng chỉ vài lần nhận được thư”. Vì thế, mỗi lần có thư của chồng, bà Thìn đều đọc rất nhanh, nhớ rất kỹ lời ông viết. Đến giờ, bà vẫn còn giữ nguyên vẹn một phong thư màu hồng ông gửi ghi những dòng chữ nắn nót, bay bổng, trao gửi tâm tình của ông hướng về bà. Trong thư, ngoài những lời động viên nhau cùng cố gắng, ông bà còn dành phần lớn nội dung nói về những dự định, ấp ủ tương lai sau này khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được trở về nhà cùng với bà. Ông Phùng mất ngày 7 tháng 5 năm 1969 thì mãi tới năm 1976, bà Thìn mới nhận được giấy báo tử. Trước đó khoảng một vài năm, bà biết tin qua những người đồng đội của ông ghé thăm nhà. Họ kể với bà, ông chiến đấu dũng cảm trong một trận chiến giáp lá cà với địch và bị vùi xác ngay tại chiến trường. Đau đớn, bà Thìn rơi vào trạng thái mất định hướng. Điều làm bà tiếc nuối, day dứt hơn cả là ông bà không có con. Để bình tâm hơn, bà lao vào tìm niềm vui trong công việc, nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Từ năm 1954 đến năm 1963, bà đảm đương các nhiệm vụ: Phân đội trưởng thiếu niên tiền phong (tương đương với chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên ngày nay); Đảng ủy viên BCH Đảng bộ xã Nam Phong, Chính trị viên xã đội, thường vụ Huyện Đoàn Nam Trực, Hội thẩm nhân dân tỉnh Nam Hà. Từ năm 1963 đến năm 1972, bà được Đảng, Nhà nước giao các trọng trách: Trưởng Ban Nông nghiệp (nay là Ban Thanh niên, công nhân đô thị) Tỉnh Đoàn Nam Định, Ủy viên BCH Tỉnh Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn. Tháng 8-1972, bà chuyển công tác sang làm Trưởng phòng nghiệp vụ của Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh rồi được tín nhiệm bầu là Bí thư Đảng bộ cơ quan Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối quản lý Nhà nước. 10 năm trước khi nghỉ hưu bà chuyển công tác sang Sở GD và ĐT, giữ chức Phó Giám đốc Công ty Thiết bị trường học. Sau khi nghỉ hưu, bà còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Bà từng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội CTĐ phường Vị Xuyên trong 2 năm, Ủy viên BCH Hội Khuyến học tỉnh trong nhiều năm… Ghi nhận những đóng góp, hy sinh của vợ chồng liệt sĩ Phạm Phi Phùng, Trần Thị Thìn, Đảng, Nhà nước cũng đã tặng ông bà nhiều phần thưởng cao quý. Bản thân bà Thìn được kết nạp vào Đảng từ năm 1960, khi mới 19 tuổi.
Chồng mất khi đang ở thời kỳ xuân sắc nhất, bản thân bà Thìn không chỉ xinh đẹp còn rất giỏi giang, tháo vát, do đó nhiều người có ý định “tìm hiểu” bà. Trước tất cả những người có ý định mong muốn xây dựng cuộc sống gia đình với mình, bà Thìn đều khéo léo, kiên quyết từ chối. Chia sẻ về lý do không đi bước nữa bà cho biết: “Bởi vì tôi được kết nạp Đảng khá sớm nên tôi cũng giác ngộ được nhiều điều. Tôi không muốn những chuyện riêng tư ảnh hưởng đến hình ảnh người đảng viên. Điều quan trọng hơn, tôi thương ông, không gia đình, không anh em, không người thân thích. Nếu tôi lấy chồng, ai sẽ hương khói, thờ phụng ông. Nghĩ như vậy, nên tôi quyết định ở vậy thờ chồng”.
62 năm tuổi Đảng, 53 năm góa bụa, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn hiện hữu rất rõ ràng trên những người vợ liệt sĩ như bà Thìn. Trong căn nhà nhỏ của bà, nằm trang trọng một góc tủ, bà Thìn sắp xếp cẩn thận những túi giấy bóng bên trong có chứa giấy tờ, vài ba bức thư ít ỏi, chút kỷ vật của 2 vợ chồng. Chúng tôi lại hỏi bà, nếu như có thể quay ngược thời gian cách đây mấy chục năm, bà có chọn lấy ông, có chọn ở vậy thờ chồng? Bà Thìn quả quyết gật đầu, tôi vẫn sẽ chọn như vậy. Cái gật đầu của bà đồng thời giúp tôi nhận ra rằng, cuộc chia ly của ông bà vẫn “chói ngời sắc đỏ” trong niềm tin của những con người có lý tưởng cách mạng cao đẹp, dám hy sinh hạnh phúc riêng tư cho Tổ quốc. Và từ thẳm sâu, tôi tin rằng, bà Thìn bước qua được những năm tháng dài dặc vì bà tin và luôn dành tình yêu to lớn cho chồng. Bà tin, một ngày vợ chồng bà lại sẽ gặp nhau, đoàn tụ… ở một nơi xa./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/202207/cuoc-chia-ly-mau-do-2551957/