Cuộc chiến Afghanistan: 'Mọi con đường đều dẫn tới Kabul'
Hết thành phố này đến thành phố khác đã rơi vào tay Taliban, và trận chiến cuối cùng ở thủ đô Kabul được dự báo sẽ xảy ra sớm nhất vào tháng 9 tới.
Các cuộc đàm phán “mờ mịt” về tiến trình hòa bình ở Afghanistan nối lại ngày 11/8 tại Doha (Qatar) thông qua “bộ ba mở rộng” - Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pakistan. Sự tương phản của tiến trình đó với các sự kiện đang dồn dập trên thực địa không thể rõ ràng hơn.
Trong một chiến dịch tấn công chớp nhoáng phối hợp, Taliban đã chiếm được 8 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan chỉ trong vòng 5 ngày. Chính quyền trung ương ở Kabul dự kiến sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ vị thế của mình ở Doha.
Tình hình đang xấu đi bất chấp việc Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani đã đặt cược vào cuộc nội chiến từ việc vũ khí hóa dân thường ở các thành phố chính, đến việc bắt tay với các lãnh chúa nhằm mục đích xây dựng "liên minh những người sẵn sàng" chống Taliban.
Việc chiếm được Zaranj, thủ phủ tỉnh Nimruz, giống như một cuộc “đảo chính” lớn của Taliban. Zaranj là cửa ngõ để Ấn Độ tiếp cận Afghanistan và xa hơn đến Trung Á thông qua Hành lang Giao thông vận tải Bắc - Nam Quốc tế (INSTC). New Delhi đã trả tiền cho việc xây dựng đường cao tốc nối cảng Chabahar ở Iran - trung tâm quan trọng của phiên bản “Con đường Tơ lụa Mới” của Ấn Độ - với Zaranj.
Đang bị đe dọa ở khu vực này là tuyến đường biên giới quan trọng giữa Iran-Afghanistan và hành lang giao thông Tây Nam / Trung Á. Hiện tại Taliban đã kiểm soát thương mại bên phía Afghanistan, và Iran vừa đóng cửa bên phía nước này. Không ai biết điều gì xảy ra tiếp theo.
Taliban đang thực hiện một cách tỉ mỉ một kế hoạch giành quyền kiểm soát chiến lược. Trước tiên, Taliban chiếm vùng nông thôn trong một chiến dịch gần như đã thực hiện ở ít nhất 85% lãnh thổ Afghanistan. Sau đó, lực lượng này kiểm soát các trạm kiểm soát biên giới quan trọng, như với Tajikistan, Turkmenistan, Iran và Spin Boldak với Balochistan ở Pakistan. Cuối cùng, tất cả việc phải làm chỉ còn là bao vây và chiếm các thủ phủ tỉnh một cách có tính toán.
Hành động cuối cùng sẽ là Trận chiến Kabul. Trận chiến này được dự báo có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 9, đúng vào dịp tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9 và cuộc ném bom của Mỹ vào Afghanistan dưới thời Taliban cầm quyền 1996-2001.
Chiến tranh chớp nhoáng
Những gì đang diễn ra ở phía Bắc thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn ở phía Tây Nam Afghanistan.
Taliban đã chinh phục Sheberghan, một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của người Uzbekistan, và không mất mấy thời gian để lan truyền hình ảnh các chiến binh tạo dáng trước Cung điện Dostum đã bị chiếm đóng. Lãnh chúa vùng Sheberghan, Abdul Rashid Dostum hiện là Phó tổng thống Afghanistan.
Cú hích lớn của Taliban là tiến vào Kunduz, dù nơi này vẫn chưa hoàn toàn chịu khuất phục. Kunduz rất quan trọng về mặt chiến lược. Với 370.000 dân và khá gần biên giới Tajikistan, đây là trung tâm chính của vùng Đông Bắc Afghanistan.
Lực lượng chính phủ đã rút lui. Tất cả các tù nhân được thả khỏi các nhà tù địa phương. Đường bị phong tỏa. Bước tiến của Taliban rất quan trọng vì Kunduz nằm ở ngã tư của hai hành lang quan trọng - tới Kabul và Mazar-i-Sharif. Và quan trọng hơn, nó cũng là ngã tư của các hành lang được sử dụng để xuất khẩu thuốc phiện và bạch phiến.
Taliban hiện đang muốn bao vây thành cổ Mazar-i-Sharif huyền thoại, thành phố lớn ở phía bắc, thậm chí còn quan trọng hơn Kunduz. Mazar-i-Sharif là thủ phủ của tỉnh Balkh và lãnh chúa Atta Mohammad Noor đã thề sẽ bảo vệ thành phố của mình cho đến “giọt máu cuối cùng”.
Mục tiêu cuối cùng của Taliban ở đây là thiết lập một trục Tây-Đông từ Sheberghan đến Kunduz và Taloqan, thủ phủ của tỉnh Takhar, qua Mazar-i-Sharif ở tỉnh Balkh, và song song với biên giới phía bắc với Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan .
Nếu điều đó xảy ra, Taliban sẽ là kẻ thay đổi cuộc chơi hậu cần, không thể đảo ngược, với hầu như toàn bộ miền Bắc không còn do Kabul kiểm soát. Không có bất cứ khả năng nào Taliban sẽ "đàm phán" chiến thắng này, ở Doha hay bất kỳ nơi nào khác.
Sự kiểm soát của Taliban đối với hầu hết các cửa khẩu quốc tế đang dẫn đến những câu hỏi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo với hoạt động kinh doanh ma túy. Rốt cuộc, lợi nhuận xuất khẩu ma túy có thể mang lại lợi ích cho việc vũ khí hóa của Taliban - chống lại sự “can thiệp” của Mỹ và NATO trong tương lai.
Làm thế nào để ngăn chặn nội chiến tương tàn
“Bộ ba mở rộng” Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pakistan đang làm những gì có thể để cứu Afghanistan khỏi cuộc nội chiến tương tàn. Có những tin đồn về "cuộc tham vấn" với các thành viên của văn phòng chính trị Taliban có trụ sở tại Qatar và với các nhà đàm phán Kabul.
Pakistan là một phần của "bộ ba mở rộng". Truyền thông nước này đang dốc toàn lực để nhấn mạnh rằng đòn bẩy của Islamabad đối với Taliban “hiện đã bị hạn chế như thế nào”. Một ví dụ được đưa ra là cách Taliban đóng cửa cửa khẩu quan trọng ở Spin Boldak, yêu cầu Pakistan nới lỏng các hạn chế về thị thực cho người Afghanistan.
Một khó khăn với "bộ ba mở rộng" là sự vắng mặt của Iran và Ấn Độ trên bàn đàm phán. Cả hai đều có lợi ích chính ở Afghanistan, đặc biệt là khi nói đến vai trò của Iran như một trung tâm trung chuyển cho kết nối Trung-Nam Á.
Moskva ngay từ đầu đã muốn Tehran và New Delhi là một phần của "bộ ba mở rộng". Nhưng điều đó không xảy ra bởi Iran không bao giờ ngồi cùng bàn với Mỹ và ngược lại. Về phần mình, New Delhi từ chối ngồi cùng bàn với Taliban, lực lượng mà họ coi là tay sai khủng bố của Pakistan.
Có khả năng Iran và Ấn Độ có thể cùng nhau hành động, thậm chí đi đến một vị thế có mối liên hệ chặt chẽ với những kịch tính ở Afghanistan. Khi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ebrahim Raisi vào tuần trước tại Tehran, họ đã nhấn mạnh về “sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ” đối với Afghanistan.
Về phần mình, Bắc Kinh tập trung vào việc tăng cường kết nối với Iran thông qua những gì có thể được mô tả là "hành lang Ba Tư" kết hợp Tajikistan và Afghanistan. Điều đó một lần nữa sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát của Taliban.
Điều rõ ràng là "bộ ba mở rộng" sẽ không định hình những chi tiết phức tạp nhất của tương lai hội nhập Á-Âu. Thay vào đó, quá trình này sẽ phụ thuộc vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm Nga, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, các quốc gia Trung Á, Iran và Afghanistan với tư cách là các quan sát viên hiện tại và các thành viên đầy đủ trong tương lai.
Vì vậy, đã đến lúc SCO thực hiện bài kiểm tra quan trọng nhất: làm thế nào để thực hiện một thỏa thuận chia sẻ quyền lực gần như không thể xảy ra ở Kabul và ngăn chặn một cuộc nội chiến tàn khốc.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Ryan Crocker nhận định, nguy cơ xung đột tại Afghanistan sẽ trở thành nội chiến kéo dài đang hiện hữu rõ nét. Trong khi đó, đặc phái viên của Nga về Afghanistan Zamir Kabulov cũng nhận định Taliban khó kiểm soát hoàn toàn Afghanistan - lực lượng này có thể chiếm thêm vài thành phố khác, song “cân bằng sẽ sớm được thiết lập". Khi ấy, các bên có thể cân nhắc về đàm phán, chia sẻ quyền lực. Đây là điều từng xảy ra, song chưa mang lại kết quả.
Theo Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, chừng nào còn ưu thế trên chiến trường, Taliban sẽ không hướng tới hòa bình. Tương lai Afghanistan, giữa bộn bề tiếng súng tiếng bom, vì thế càng mông lung hơn bao giờ hết.