Cuộc chiến âm thầm vẫn diễn ra, lan đột biến sắp 'nóng' trở lại?

Tuy lan đột biến đã rớt giá thảm và không còn gây sốc như trước nhưng ít ai biết, những người chơi vẫn đang cạnh tranh nhau gay gắt, chờ dịp thị trường nóng trở lại.

Bởi thế, trên thị trường, không ít người quyết găm hàng chờ lan đột biến lấy lại được "vị thế" trước kia. Không ai bảo ai nhưng đã là "luật bất thành văn", tất cả đều âm thầm ganh đua với nhau về giá cả, để không bán phá giá thị trường, giữ cho lan đột biến luôn là "siêu cây". Những ai trót dại bán tháo với giá rẻ lập tức bị người khác “bóc phốt”, thậm chí là "tẩy chay".

Không hiểu những anh em mua hàng bao lãi 15% trong 3 tháng sẽ đi về đâu khi tối hôm trước bán 3 triệu/ mắt ngủ, hôm sau bán công khai 1 triệu/mắt ngủ. Một ngày xuyên thủng các loại đáy của nhiều mã. Xin phép chặn một con sâu mọt của ngành lan, anh đừng cho thông tin gì hiện trên trang cá nhân của tôi nữa...”.

Đây là bài “bóc phốt” của anh N.V.T - người chơi lan đột biến (lan var) - khi anh cho rằng một nhà vườn có tiếng trên địa bàn quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã có hành vi phá giá thị trường. Kể chuyện với VTC News, anh N.V.T cho biết hiện đã chặn liên lạc và theo dõi trên mạng xã hội đối với nhà vườn này. Đồng thời đưa hẳn thông tin "kẻ phá giá" lên mạng xã hội để cảnh báo cho những người khác cùng biết.

Người chơi lan đột biến "bóc phốt", cạch mặt nhau trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Người chơi lan đột biến "bóc phốt", cạch mặt nhau trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Theo anh T., anh chơi và đầu tư cả chục tỷ đồng vào lan đột biến khi thị trường bắt đầu sốt, được nhiều nhà đầu tư săn đón. Thời gian gần đây, khi thị trường “chạm đáy”, anh vẫn quyết định giữ hàng không bán phá giá với hy vọng thị trường sẽ sớm sôi động trở lại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện nhà vườn bán lan đột biến với giá rẻ khiến anh phải bức xúc lên tiếng.

Ngày 4/3, anh em hội lan Hải Phòng tới vườn chơi, nói mãi tôi mới bán giao lưu một đốt lan var với giá 7,5 triệu/cm. Vậy mà ngay tối hôm đó, anh ta livestream trên mạng xã hội bán với giá 5 triệu đồng. Anh ta lý giải rằng đó là bán rẻ cho người mới để kích cầu thị trường, nhưng lại đi ép giá các nhà vườn quen bán buôn với giá thấp hơn nữa. Việc này đã định hình một mức giá mới cho lan var, phá giá chung của thị trường. Điều này không được phép”, anh N.V.T nói.

Phân tích thêm về thị trường lan đột biến hiện tại, anh T. cũng cho biết, một số nhà vườn lợi dụng danh nghĩa chơi lan var để trục lợi và lừa người tiêu dùng. Cụ thể, trên thị trường có những kẻ bán hàng giả là loại cây cấy mô, thân lá có đặc điểm giống 70-80% cây thật nhưng hoa thì khác hoàn toàn. Nhiều nhà vườn mua phải giống cây giả này rồi bán lại cho người khác, đến khi lớn lên phát hiện không phải là lan đột biến, những nhà vườn trên phải đền bù cho khách hàng. Để giảm số tiền phải đền bù, nhiều nhà vườn đã đăng bán với giá rẻ, phá thị trường.

“Đền bù cây được tính theo độ dài của ngồng lan, vì thế số tiền đền bù có thể sẽ rất lớn. Thay vì phải đền 10 triệu cho 1cm thì các nhà vườn này sẽ đăng loạn giá về 4-5 triệu/ 1cm để chỉ phải đền bù với số tiền thấp hơn này”, anh N.V.T phân tích.

Người tiêu dùng cho rằng lan đột biến đang dần quay lại với giá trị thực của nó. (Ảnh minh họa)

Người tiêu dùng cho rằng lan đột biến đang dần quay lại với giá trị thực của nó. (Ảnh minh họa)

Khoảng 3 năm trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hình ảnh những vụ gia dịch lan đột biến với mức giá “trên trời” từ vài trăm triệu cho đến vài chục tỷ. Những thương vụ chưa được xác minh chính xác này đã nhanh chóng đẩy thị trường lan đột biến lên cơn sốt khi thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo thông tin các cuộc giao dịch này thường rất mập mờ; hoa lan được định giá tự do, không có cơ sở pháp lý. Đó là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng “thổi giá”, gây hấp dẫn giả tạo để dụ người khác tham gia.

Khi có người mới tìm mua, họ sẽ dẫn dụ để người mua đầu tư và giới thiệu người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Qua nhiều lần mua bán thấy lời, người chơi mới sẽ sẵn sàng “trút hầu bao”, thậm chí vay mượn để đầu tư nhưng sau đó không bán ra được. Trường hợp khác, việc mua bán, trao đổi chỉ là hình thức giữa các đối tượng trong một nhóm, khi bán được cho người ngoài sẽ ăn chia, hưởng lợi.

Chưa hết, việc mua bán hoa lan giá trị lớn nhưng không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư” dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội.

Thời gian gần đây, tuy cơn sốt lan đột biến đã hạ nhiệt, không còn thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng như trước nữa nhưng nhiều người cho rằng, mặt hàng này đang dần nóng trở lại khi được rao bán tràn trên các diễn đàn. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hết cảnh nợ nần vì trót dốc quá nhiều tiền vào lan đột biến và đang tìm mọi cách thúc đẩy thị trường sôi động như xưa.

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-chien-am-tham-van-dien-ra-lan-dot-bien-sap-nong-tro-lai-ar672031.html