Cuộc chiến bí mật của CIA chống WikiLeaks
Báo cáo điều tra được Yahoo News đăng tải mới đây tiết lộ, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) dưới thời Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch tấn công vào trang mạng WikiLeaks đồng thời lên kế hoạch bắt cóc hoặc ám sát nhà đồng sáng lập trang mạng này, ông Julian Assange. Kế hoạch này được vạch ra nhằm mục đích trả thù việc WikiLeaks làm rò rỉ hàng nghìn trang tài liệu nhạy cảm liên quan tới quân đội Mỹ.
Âm mưu ám sát như trong phim
Assange là mục tiêu của một cuộc truy lùng gắt gao trong gần một thập niên của Mỹ sau khi trang web WikiLeaks do ông đồng sáng lập tiết lộ hàng trăm nghìn trang tài liệu tối mật của quân đội Mỹ.
Theo Yahoo News, WikiLeaks lần đầu tiên gây sự phẫn nộ trong chính phủ Mỹ vào năm 2010. Khi tổ chức phi chính phủ này công bố hàng trăm nghìn trang báo cáo và tài liệu, trong đó có khoảng 750.000 tài liệu được CIA xếp vào loại “bí mật quốc phòng”. Các phân tích đã tiết lộ rằng, trong số đó có hàng nghìn tài liệu liên quan đến các hoạt động quân sự và ngoại giao của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Bị Mỹ truy đuổi, ông chủ của WikiLeaks phải tìm nơi ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở London.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Joe Biden được cho là đã thảo luận với những người đồng cấp Anh về việc dẫn độ Assange sang Mỹ. Nhưng sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định không tìm kiếm dẫn độ Assange về nước với lý do các hoạt động của ông này và WikiLeaks quá gần với các hoạt động báo chí được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Nhà sáng lập WikiLeaks xuất hiện bên trong cửa sổ Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 5-2-2016 Ảnh: AP.
WikiLeaks tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận sau khi công bố các email của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton liên quan tới chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Theo bà Clinton và một số người ủng hộ, đây là một yếu tố dẫn đến thất bại trong cuộc bầu cử của bà trước ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Sau đó, vào năm 2017, trang web này tiếp tục công bố hàng loạt tài liệu cung cấp chi tiết các hoạt động cụ thể của CIA thực hiện giám sát điện tử, được gọi chung là “Vault 7”. Đây được coi là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử CIA. Chính vì thế, chỉ vài tuần sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017, chính quyền ông Trump đã công bố một loạt cáo buộc đối với Assange trong việc hỗ trợ cựu nhà phân tích quân đội Mỹ Chelsea Manning xâm nhập mạng lưới máy tính bí mật, âm mưu lấy và xuất bản những tài liệu mật theo cách vi phạm đạo luật gián điệp.
Theo báo cáo điều tra của Yahoo News, thời điểm đó, ông Assange vẫn đang ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) từ tháng 6-2012. Thông qua các cuộc phỏng vấn với hơn 30 cựu quan chức tình báo Mỹ, Yahoo News tiết lộ, CIA được cho là đã lập kế hoạch bí mật vào năm 2017 để bắt cóc hoặc ám sát ông Assange.
Yahoo News cho biết, các cuộc thảo luận về việc bắt cóc hoặc sát hại ông Assange xuất hiện “tại những cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Trump”. Những cuộc thảo luận trên nằm trong một chiến dịch chưa có tiền lệ của CIA nhằm chống WikiLeaks và ông Assange. Các quan chức cấp cao của CIA được cho là phải cung cấp “bản phác thảo” và “tùy chọn” về cách bắt cóc hoặc ám sát ông Assange để đáp trả vụ rò rỉ tài liệu “Vault 7”. Cựu giám đốc CIA Mike Pompeo (giai đoạn 2017 - 2018, sau này là Ngoại trưởng Mỹ) và một số quan chức cơ quan cấp cao được cho là đã chỉ đạo cuộc chiến chống lại ông Assange vào năm 2017. Kế hoạch của ông Pompeo được chú ý trong năm đó khi chính phủ Mỹ nghe tin ông Assange đang cố gắng trốn sang Nga.
Khả năng Assange bay đến Nga khiến CIA dự đoán một số tình huống để tóm ông này. Vì vậy, CIA đề xuất một số kế hoạch táo bạo, trong đó có kế hoạch bắn vào lốp máy bay chở Assange nếu ông này cố gắng chạy trốn từ London đến Nga. Theo tiết lộ của các quan chức tình báo Mỹ, một số kịch bản ám sát giống như trong phim James Bond: Có thể xảy ra vụ xả súng trên đường phố London hay một vụ tai nạn xe hơi….
Ngoài ra, các quan chức CIA còn đưa ra ý tưởng đột nhập vào đại sứ quán, bắt cóc Assange ra ngoài sau đó đến nơi mà họ muốn. Tuy nhiên, theo nhận định của một cựu quan chức tình báo Mỹ giấu tên, ý tưởng trên có vẻ “lố bịch”. “Đó không phải là Pakistan hay Ai Cập, chúng ta đang nói về London”, người này nói. Trong khi đó, một cựu quan chức phản gián cấp cao khác cho biết, Mỹ đã có một cuộc thảo luận với người Anh, theo đó đề nghị London làm ngơ để Mỹ thực hiện cuộc tập kích này. Tuy nhiên, London đã từ chối không cho phép Washington tiến hành vụ bắt giữ Assange trên lãnh thổ nước này.
Sau khi nghe tiết lộ các kịch bản trên, luật sư người Mỹ Barry Pollack của ông Assange nói với Yahoo News: “Là công dân Mỹ, tôi cảm thấy bị sốc và không thể chấp nhận rằng chính phủ của chúng ta mưu tính bắt cóc hoặc ám sát một người mà không qua quá trình tư pháp chỉ vì người đó công bố thông tin đúng sự thật”. Ông Pollack nói thêm: “Tôi hy vọng và mong đợi tòa án Vương quốc Anh sẽ xem xét thông tin này, điều này sẽ củng cố quyết định không dẫn độ thân chủ của tôi sang Mỹ”.
Cựu giám đốc CIA, ông Mike Pompeo được cho là người lên kế hoạch bắt cóc ông Assange năm 2017 Ảnh: AP.
Kế hoạch “gây nhiễu” trong WikiLeaks
Không chỉ lên kế hoạch bắt cóc và ám sát Assange, chiến dịch của CIA còn bao gồm việc do thám các thành viên của WikiLeaks, gây chia rẽ trong họ và lấy cắp thiết bị điện tử của họ.
Cần phải nhắc lại rằng, WikiLeaks được thành lập vào năm 2006 với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. WikiLeaks là trang web cho phép những người tố cáo tiết lộ các tài liệu liên quan đến tham nhũng, gián điệp và vi phạm nhân quyền của các tiểu bang của Mỹ. WikiLeaks luôn giữ bí mật các nguồn tin. Đáng chú ý, WikiLeaks không hoạt động như một wiki (một loại hình trang web mà ai cũng có thể tham gia).
WikiLeaks cung cấp thông tin miễn phí nhưng người đọc không có quyền chỉnh sửa nội dung trên trang web này. Nhưng đó không phải là tất cả. WikiLeaks sử dụng các công nghệ mật mã tiên tiến để bảo đảm an ninh cho trang web; nó sử dụng các quy trình toán học và mã hóa cực kỳ phức tạp để đảm bảo quyền riêng tư, ẩn danh và không thể nhận dạng. Nó kết hợp các phiên bản cải tiến của Freenet, Tor hoặc PGP với phần mềm thiết kế nội bộ. WikiLeaks tin rằng, theo cách này là “có thể chống lại các cuộc tấn công chính trị và pháp lý” và theo nghĩa này, “không thể kiểm duyệt”.
Để biện minh cho hành động của mình, CIA đã gọi WikiLeaks là “cơ quan tình báo thù địch phi nhà nước”. Theo Yahoo News, khoảng 5 tuần sau khi hồ sơ “Vault 7” bị rò rỉ, trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) hồi tháng 4-2017, ông Pompeo đã cáo buộc WikiLeaks là một cơ quan tình báo thù địch đã thâm nhập vào CIA để đánh cắp thông tin mật. Đây là những phát biểu công khai đầu tiên của ông Pompeo với tư cách là Giám đốc CIA trong chính quyền Trump.
“WikiLeaks hoạt động giống như một cơ quan tình báo thù địch, đã khuyến khích một số người tìm việc làm tại CIA để thu thập thông tin tình báo cho trang mạng này”, ông Pompeo nói. Giám đốc CIA cũng cho rằng, đã đến lúc cần gọi WikiLeaks cho đúng: “Là một cơ quan tình báo phi nhà nước thù địch thường được hỗ trợ bởi các tổ chức nhà nước như Nga”.
Nếu CIA coi WikiLeaks như một cơ quan tình báo phi nhà nước thù địch, điều đó có nghĩa là họ có thể đối xử với WikiLeaks như một kẻ thù nước ngoài. Trong các cuộc phỏng vấn của Yahoo News, các quan chức Mỹ cho biết, CIA đã phải vật lộn để chứng minh rằng WikiLeaks bắt tay với điện Kremlin và điều này đã cản trở nỗ lực của CIA thực hiện kế hoạch bắt giữ hoặc sát hại Assange. Một cựu quan chức phản gián cấp cao của Mỹ cho biết: “Đã có rất nhiều cuộc tranh luận pháp lý: Liệu WikiLeaks có hoạt động như một cơ quan tình báo của Nga? Nếu không có bằng chứng thì có được coi WikiLeaks là một thực thể thù địch hay không?”.
Người biểu tình yêu cầu trả tự do cho ông Assange và không dẫn độ ông này về Mỹ Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, một cựu quan chức Mỹ khác cho biết, ngay sau bài phát biểu ở CSIS, Giám đốc CIA Pompeo đã yêu cầu một nhóm sĩ quan cấp cao tìm kiếm, xác định những kỹ thuật mà WikiLeaks sử dụng. “Không có gì là vượt quá giới hạn, đừng tự kiểm duyệt. Tôi cần một số ý tưởng hoạt động từ bạn. Tôi sẽ lo cho các luật sư ở Washington”, ông Pompeo nói.
Không chỉ nhằm vào Assange, CIA còn nhắm tới các nhân viên khác của WikiLeaks bằng các chiến lược “phản công”. Những hành động này sẽ bao gồm việc làm tê liệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, làm gián đoạn liên lạc của WikiLeaks, đưa thông tin gây nhiễu để kích hoạt các cuộc đấu tranh nội bộ và thậm chí đánh cắp thiết bị điện tử từ các thành viên WikiLeaks. Theo các nguồn tin của cuộc điều tra, một số đề xuất này có thể đã thành hiện thực, bởi Andy Müller-Maguhn, một hacker người Đức có liên quan đến dự án Vault 7, từng tuyên bố, “ai đó đã cố gắng đột nhập vào căn hộ của anh ta”. Andy Müller-Maguhn cũng cho biết anh ta đã bị theo dõi bởi “các nhân vật bí ẩn” và điện thoại mã hóa của anh ta bị nghe trộm.
Những người tham gia cuộc phỏng vấn của Yahoo News còn cho biết, Giám đốc CIA Pompeo luôn bị ám ảnh bởi Assange và WikiLeaks. “WikiLeaks là một nỗi ám ảnh thực sự đối với Pompeo. Sau dự án “Vault 7”, ông Pompeo và cấp phó Gina Haspel muốn trả thù Assange”, một cựu quan chức an ninh quốc gia trong chính quyền Trump cho biết. Chính ông Pompeo và một số quan chức tình báo khác được cho là tác giả kế hoạch bắt cóc ông Assange tại đại sứ quán Ecuador ở London.
Trong những bình luận công khai đầu tiên kể từ khi cuộc điều tra của Yahoo News tiết lộ, ngày 29-9, ông Mike Pompeo khẳng định sẽ “không xin lỗi” vì những hành động của chính quyền Trump nhằm bảo vệ “sự thật bí mật an ninh quốc gia”. “Tôi không xin lỗi vì thực tế là CIA và chính quyền của Tổng thống Trump đã làm việc siêng năng để bảo đảm rằng chúng tôi có thể bảo vệ thông tin nhạy cảm quan trọng trước sự tấn công của các tin tặc nước ngoài”, ông Pompeo nói. Cựu Giám đóc CIA cũng phủ nhận các cáo buộc riêng lẻ trong báo cáo điều tra của Yahoo News, đồng thời nhấn mạnh rằng “các nguồn tin của Yahoo News thực tế đều không biết CIA đang làm gì”.
Trong khi kế hoạch bắt cóc và ám sát ông Assange của CIA còn gây tranh cãi bởi sự chính xác của nguồn tin thì người sáng lập WikiLeaks vẫn đang bị giam tại nhà tù Belmarsh ở London. Hiện các tòa án ở Anh vẫn tranh luận về yêu cầu dẫn độ của Mỹ có vi phạm Đạo luật Gián điệp hay không. Các phiên điều trần tiếp theo liên quan đến yêu cầu dẫn độ Assange sang Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27-10 tới. Nếu bị dẫn độ và kết án tại tòa án Mỹ, ông Assange có khả năng sẽ phải đối mặt với án tù kéo dài 175 năm, theo USA Today.