Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trước phép thử từ dịch COVID-19
Các nhà khoa học trên toàn thế giới cho rằng còn quá sớm để ước tính dịch COVID-19 sẽ tác động như thế nào đến lượng khí thải.
Các cam kết về chống biến đổi khí hậu của giới doanh nghiệp và chính phủ các nước đang đối mặt với “phép thử” lớn đầu tiên, trong bối cảnh các thị trường đang cùng lúc chịu hai cú sốc từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và sự sụt giảm của giá dầu.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đẩy thế giới vào suy thoái, lượng khí thải carbon đã giảm xuống.
Cụ thể, theo tổ chức Dự án Carbon Toàn cầu, lượng khí thải carbon trên toàn cầu năm 2009 đã giảm từ 32 giga tấn (Gt) xuống 31,5 Gt.
Nhưng khi kinh tế thế giới phục hồi, lượng khí thải lại tăng lên 33,2 Gt vào năm 2010 và ước lên đến 36,8 Gt vào năm 2019, mức cao kỷ lục.
Tác động của suy thoái đặc biệt rõ nét ở Mỹ, với lượng khí thải CO2 giảm 10% trong giai đoạn từ năm 2007-2009, do nhiều yếu tố, trong đó có sự sụt giảm trong hoạt động tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.
Giờ đây, dịch COVID-19 và sự sụt giảm của giá dầu diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với các cuộc đàm phán quốc tế về vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Nhiều nhà quan sát lo ngại chính phủ nhiều nước sẽ trì hoãn việc thực hiện các cam kết tham vọng của mình tại một hội nghị thượng đỉnh mang tính quyết định của Liên hợp quốc diễn ra ở Glasgow vào tháng 11 tới.
Ruben Lubowski, chuyên gia cấp cao của Quỹ bảo vệ môi trường ở Washington, D.C., cho rằng một cuộc suy thoái có thể sẽ làm phức tạp các chính sách môi trường, vì lúc này vấn đề môi trường sẽ không còn được ưu tiên nhiều khi đặt cạnh vấn đề kinh tế.
Thời gian đầu bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã có tác động lớn đến quốc gia phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới này, khi Bắc Kinh thực hiện cách ly nhiều khu vực, đóng cửa các nhà máy và hạn chế hoạt động đi lại.
Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Phần Lan cho biết, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm 25%, ước tính tương đương 200 triệu tấn trong 4 tuần tính đến ngày 1/3 vừa qua.
Dữ liệu từ vệ tinh cho thấy lượng khí thải NO2, một loại khí thải độc hại từ các nhà máy điện, ôtô và nhà máy của Trung Quốc đã giảm mạnh, bắt đầu ở Vũ Hán và sau đó là các thành phố khác, trong hai tuần giữa tháng Hai.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu nối lại hoạt động sản xuất và kinh doanh như bình thường.
Các nhà khoa học trên toàn thế giới cho rằng còn quá sớm để ước tính dịch COVID-19 sẽ tác động như thế nào đến lượng khí thải.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh của giá dầu do cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chuyển dịch khỏi các loại nhiên liệu phát thải nhiều carbon.
Giá dầu và xăng thấp có thể làm giảm động lực để các khu vực phát thải nhiều khí carbon như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ quay lưng lại với các loại nhiên liệu hóa thạch.
Michel Salden, giám đốc cấp cao của công ty quản lý tài sản Vontobel Asset Management, nhận định giá dầu giảm sẽ kìm hãm cuộc cách mạng xanh của thế giới./.