'Cuộc chiến' chống 'cát tặc' ở các tỉnh phía Nam
Dù các tỉnh, thành phía Nam đã kiểm soát chặt chẽ, đóng cửa các mỏ không đủ điều kiện hoạt động, rút giấy phép các cơ sở khai thác cát vi phạm, thậm chí khởi tố hành vi vi phạm; nhưng do tình trạng cát khan hiếm, lợi nhuận từ việc kinh doanh cát lậu lớn, nên mặt trận đấu tranh chống 'cát tặc' vẫn gian nan.
“Vòi rồng” tàn phá ngã ba sông
Do trữ lượng cát lớn, khoảng 3 triệu m3, chất lượng cát của sông Đồng Nai được đánh giá có hạt to, đều, vàng, ít tạp chất, bảo đảm tiêu chuẩn xây dựng. Vì vậy, sông Đồng Nai là nơi có nhiều nhóm “cát tặc”, ngày đêm oanh tạc “rút ruột” lòng sông.
Trước đó, từ 2010, tình trạng cát sông Đồng Nai ngày càng suy giảm, việc khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã khoanh vùng, cấm khai thác các loại khoáng sản (trong đó có cát) tại các khu vực như di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bãi bồi non đang có rừng ngập mặn, rừng tái sinh tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn đất ngập nước, khu bảo tồn địa chất, đất đô thị, khu công nghiệp, công trình cầu cảng đê điều…
Đặc biệt, tuyệt đối cấm khai thác cát trên đoạn sông từ điểm cách cầu Hóa An 1km về phía hạ lưu, cấm khai thác trong lòng hệ thống sông Đồng Nai, Nhà Bè, Đồng Tranh, Lòng Tàu, khu vực từ đập Trị An đến hạ nguồn…
Vùng cấm đã thiết lập, nhưng đêm đêm, sông Đồng Nai vẫn bị các đối tượng trang bị các loại tàu, ghe, có gắn hệ thống “vòi rồng” sục sâu xuống lòng sông hoặc các khu bãi bồi, có cát nổi lên để hút cát. Đặc biệt, các đối tượng chọn ngã ba sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp giữa Đồng Nai và TP HCM để hút trộm cát, nếu bị phát hiện truy đuổi sẽ dễ dàng lẩn trốn.
Rạng sáng 13/8, Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã tổ chức trục vớt 4 ghe hút cát, bị “cát tặc” nhấn chìm trên sông; đồng thời triệu tập ông Phạm Văn Bình (52 tuổi, quê Long An) và ông Trần Thanh Sơn (32 tuổi, quê Tiền Giang) để làm việc.
Trước đó, khi tuần tra kiểm soát, công an phát hiện khu vực rạch Nò trên sông Đồng Nai có 3 người đang vận hành ghe do ông Bình làm chủ. Trên ghe có hệ thống “vòi rồng” đang bơm hút cát từ lòng sông lên ghe. Khi công an vây bắt, cả nhóm lợi dụng địa hình phức tạp, nhấn chìm ghe rồi nhảy xuống sông lẩn trốn.
Tiếp đó, Công an Nhơn Trạch tuần tra tới khu Đầu Voi, thuộc nhánh sông Đồng Nai thì phát hiện nhóm 7 người đang hút cát lên ghe ông Sơn. Thấy công an, các đối tượng chống trả, nhấn chìm phương tiện và nhảy xuống sông. Trắng đêm, Công an Nhơn Trạch đã phong tỏa đoạn sông, đồng thời đưa phương tiện chuyên dụng trục vớt, cẩu các ghe tang vật lên bờ.
Cần sự phối hợp giữa các địa phương
Tại Bình Thuận, tình trạng khai thác cát trái phép cũng phức tạp không kém. Ông Dương Quý Bắc, Trưởng phòng TN&MT huyện Tánh Linh cho biết đã đề nghị UBND huyện xử phạt hành chính 2 tàu hút cát trái phép trong hồ Biển Lạc, đồng thời đề nghị Công an huyện củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố 1 vụ dùng tàu sắt khai thác cát lậu.
Trước đó, lực lượng chức năng mật phục bắt quả tang 2 tàu sắt đang khai thác cát trên hồ Biển Lạc, tạm giữ 2 phương tiện và dùng xe cẩu đưa về trụ sở UBND xã Gia An.
Sau khi hàng chục tàu thuyền hút cát trộm bị bắt, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND huyện Tánh Linh và Đức Linh có kế hoạch, cùng phối hợp xử lý tình trạng các tàu hút cát trái phép trên sông La Ngà (Đồng Nai) và lòng hồ Biển Lạc. Nhiều tàu hút cát đã được lực lượng chức năng yêu cầu chủ phương tiện đưa lên bờ. Ngày 26/8, cơ quan chức năng 2 huyện đã dùng phương tiện lai dắt, cẩu kéo toàn bộ 34 tàu là tang vật trong các vụ khai thác khoáng sản. Một số phương tiện bị buộc phải tháo gỡ hệ thống “vòi rồng” hút cát, máy bơm, hoặc phải cưa đôi thân tàu và động cơ.
Tại TP HCM, khu vực vùng biển huyện Cần Giờ và một số luồng sông lớn của TP HCM như sông Sài Gòn, sông Soài Rạp… tình trạng bơm hút cát lậu, cũng vẫn diễn ra, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt.
Tại Hội nghị tổng kết đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh TP HCM tổ chức vào cuối tháng 7/2023, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, hoạt động phòng, chống khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ và giữa TP HCM với các tỉnh sẽ không thành công nếu chỉ hoạt động riêng lẻ trong nội bộ địa phương; mà cần có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa TP và các tỉnh giáp ranh. Ông Châu cho rằng, để nâng cao hiệu quả đề án giai đoạn 2023 - 2026, cần tiếp tục kiểm soát nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp tại các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý hóa đơn thuế với việc mua bán cát, sỏi; ngăn chặn hành vi mua hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ…
Còn theo đại diện Bộ đội Biên phòng TP HCM, qua công tác tuần tra, nắm tình hình, có những khi bắt đầu từ 22h trở đi, các đối tượng trộm cát mới bắt đầu hoạt động. Khi hút tới 4h sáng hôm sau, các sà lan sẽ ra những vùng biển xa bờ, giáp giữa với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang, Bến Tre…, đồng thời cử lực lượng cảnh giới; nếu bị phát hiện thì sẽ báo động cho nhau rồi xả cát xuống biển và chạy trốn qua địa bàn các tỉnh giáp ranh... Do đó, cơ quan chức năng các tỉnh Đông Nam Bộ cần liên kết chặt chẽ, nắm bắt rõ các đối tượng, quản lý chặt phương tiện, bến bãi để ngăn chặn đường đi của cát lậu.