Cuộc chiến chống COVID-19 đầy áp lực của những 'thám tử bệnh dịch' Hàn Quốc
Cùng với các nhân viên y tế, những nhà điều tra dịch tễ học Hàn Quốc đang phải nỗ lực hết mình vượt qua thách thức, áp lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Những nhà điều tra dịch tễ học được mệnh danh là “thám tử bệnh dịch” như Park Young-joon nhận thấy nhiều điểm tương đồng trong công việc của họ với các thám tử hình sự. Cả hai công việc này đều phải được tiến hành ngay khi có sự việc mới xảy ra, thẩm vấn những người có liên quan và khám xét hiện trường.
Tuy nhiên, một trong những khác biệt lớn nhất giữa 2 nhiệm vụ này chính là áp lực thời gian mà những “thám tử bệnh dịch” phải vượt qua.
Theo hãng thông tấn Yonhap, khi một trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo, một nhóm gồm 5 đến 10 nhân viên dịch vụ điều tra dịch tễ học (EISO) thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngay lập tức phải đến hiện trường để tiến hành điều tra. Để xác định mức độ tiếp xúc của người nhiễm bệnh, các nhà điều tra dịch tễ học phải bắt đầu tiến hành tìm kiếm thông tin từ lời khai của bệnh nhân. Bắt đầu bằng việc thẩm vấn bệnh nhân để xác định thời gian, những nơi họ đã đến và những người họ đã tiếp xúc. Những lời khai của bệnh nhân sẽ được đối chiếu với các đoạn phim giám sát từ các vị trí được trích dẫn. Thẻ tín dụng và điện thoại di động của bệnh nhân cũng là công cụ để xác minh lời khai của họ.
“Bạn sẽ chán nản khi phải ngồi hàng giờ xem camera giám sát để tìm ra những cảnh quay đáng giá. Có những trường hợp chúng tôi phải mất gần 2 ngày xem camera để sàng lọc những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Đây là công việc rất mất thời gian, nhưng chúng tôi không thể thực hiện một cách vội vàng, bởi chúng tôi không thể bỏ lỡ bất kỳ manh mối nào”, anh Park Young-joon, Trưởng nhóm điều tra dịch tễ học thuộc KCDC, cho biết.
Xác định những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc được coi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc thiết lập căn cứ xác định phạm vi cách ly. Đó là cuộc lần theo dấu vết vô cùng khó khăn, khi đó, các “thám tử dịch bệnh” phải tìm kiếm tất cả những người mà bệnh nhân đã tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách dưới 2 mét.
Không những vậy, họ còn phải kiên trì tìm kiếm thông tin, đưa ra phán đoán khoa học dựa trên những bằng chứng khách quan.
“Chúng tôi phải điều tra hiện trường một cách chính xác nhất có thể, trong thời gian 24 giờ đầu tiên khi nhận được công văn hoặc trong ngày hôm sau. Áp lực thời gian đè nặng lên vai chúng tôi. Dù chưa biết chính xác về tính chất của loại virus mới này, nhưng chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định nhanh chóng, như tư vấn về mức độ, quy mô biện pháp cách ly và xác định những người nên được cách ly”, anh Park cho biết.
Tuy nhiên, áp lực lớn nhất vẫn là việc thuyết phục bệnh nhân nói sự thật. Việc thuyết phục người bệnh chia sẻ thông tin cá nhân như họ đã đi đâu làm gì cũng cần phải có nỗ lực bền bỉ. Nhiều người bệnh đã không hài lòng khi bị đối xử như một nghi phạm hình sự và từ chối tiết lộ chi tiết, họ cho rằng đó là quyền riêng tư.
“Một điều tôi luôn nhắc nhở bản thân và các đồng nghiệp cấp dưới đó là chúng tôi không giám sát để phạt tội họ, không khiến họ bị cô lập mà chính là để bảo vệ họ và những người thân của họ”, anh Park chia sẻ.
Sự chậm trễ trong quá trình điều tra là không thể tránh khỏi, tuy nhiên việc thuyết phục người bệnh cung cấp thông tin không thành công lại là thất bại của các nhà điều tra. Chính vì vậy, những “thám tử bệnh dịch” luôn phải cân bằng giữa việc bám sát nguyên tắc và thời gian hoàn thành nhiệm vụ.
“Chúng tôi đang cố gắng thể hiện năng lực một cách chuyên nghiệp giống như hình ảnh của một thám tử cầm một chiếc kính lúp để lần theo dấu chân của kẻ phạm tội. Chỉ khác là chúng tôi phải lần theo dấu vết của mầm bệnh này”, anh Park nói.
Hàn Quốc đang lao đao trước sự bùng phát nguy hiểm của dịch COVID-19 do chủng virus SARS-CoV2 gây ra có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Dịch bệnh lây lan rất nhanh và chưa có vắc-xin điều trị khiến nhiều người dân cảm thấy sợ hãi và lo lắng, nhiều sự kiện bị hủy bỏ, các trường học và nhiều nhà bán lẻ phải đóng cửa.
Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn khi cuối tuần trước, Cơ quan Y tế Hàn Quốc ghi nhận thêm hàng trăm ca lây nhiễm mới khiến quốc gia Đông Bắc Á này quyết định nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất. Tính đến sáng 24/2, Hàn Quốc xác nhận có thêm 161 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 763 người. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước có tổng số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Nhà chức trách Hàn Quốc cũng thông báo ca tử vong thứ 7 do COVID-19. Trường hợp tử vong này là một bệnh nhân nam 62 tuổi, có liên quan đến một bệnh viện ở thành phố Cheongdo, Đông Nam Hàn Quốc.
Sau khi số lượng ca nhiễm được xác nhận tăng vọt trong vài ngày gần đây, với một nhóm bệnh nhân liên quan tới giáo phái có tên gọi là Shincheonji (Tân Thiên Địa) ở thành phố Daegu và bệnh viện ở thành phố Cheongdo, nhà chức trách Hàn Quốc đã rà soát lịch sử đi lại tới các khu vực này hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân đối với tất cả các quân nhân và thực hiện cách ly binh sĩ tại các căn cứ.