Cuộc chiến chống dịch: Không có chỗ cho thói vị kỷ

Đến thời điểm này, nước ta đã ghi nhận ca mắc Covid-19 thứ 68. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn vàng phòng, chống, hạn chế lây nhiễm nhưng rõ ràng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường.

Kinh nghiệm thành công ở giai đoạn một phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy, kết quả đạt được bắt nguồn từ sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, kịp thời của các cấp, các ngành, địa phương và sự tham gia của cả cộng đồng. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tại buổi lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 17-3: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đồng tâm, đồng sức tham gia chiến dịch phòng, chống dịch bệnh ở quy mô chưa từng có tiền lệ.

Ý thức cộng đồng, ý thức vì sự an nguy sức khỏe, sinh mạng bản thân và người khác của tuyệt đại đa số người dân là yếu tố quan trọng để Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, trở thành một ví dụ sinh động, thuyết phục, được nhiều quốc gia, tổ chức đánh giá cao.

Dù vậy, đây đó vẫn còn hiện tượng đáng tiếc, đi ngược những nỗ lực chung của cả cộng đồng. Câu chuyện "đôi co", "lý sự" với nhân viên cơ quan chức năng về thời gian, điều kiện cách ly... của một nhóm người Việt Nam nhập cảnh tại sân bay là một ví dụ. Hay trước đây ít ngày, "có trường hợp" lên mạng xã hội phàn nàn về nơi ăn, chốn ở trong khu vực cách ly. Nguy hiểm nhất là một số trường hợp trốn cách ly, không tuân thủ yêu cầu dịch tễ của cơ quan chức năng, khai báo gian dối...

Những hiện tượng đáng tiếc đó, dù chỉ mang tính cá biệt nhưng có thể dẫn tới những hệ lụy không nhỏ, như đã xảy ra trên thực tế.

Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định - đây không chỉ là định nghĩa mang tính pháp quy mà chính là đặc thù dịch tễ học. Phòng, chống dịch không chỉ cần đến những nguồn lực, giải pháp đồng bộ, kịp thời, khoa học với các quy trình, biện pháp chặt chẽ... Trong phòng, chống dịch, sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng.

Trở lại với một số hiện tượng đáng tiếc nêu trên, việc "đôi co", "lý sự" tại sân bay có thể xuất phát từ tâm lý lo lắng, sốt ruột của người nhập cảnh. Lo lắng trước dịch bệnh là bản năng của con người. Thế nhưng tâm lý lo lắng ấy không thể đặt lên trên nỗi lo của cộng đồng trước dịch bệnh, trong bối cảnh giao thông, đặc biệt hàng không là một "kênh truyền dẫn" dịch bệnh nhanh chóng, rộng khắp trên toàn thế giới những ngày qua. Sự sốt ruột của người chờ nhập cảnh có thể thông cảm phần nào, nhưng sự sốt ruột đó không thể "rút ngắn" mà phải tuân thủ quy trình y tế, dịch tễ...

Hay như việc phàn nàn về điều kiện ăn ở tại khu vực cách ly, trước hết những ý kiến đó cần nhận thức rõ một điều rằng: Cơ quan chức năng đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để người thuộc diện cách ly yên tâm thực hiện thời gian cách ly theo đúng hướng dẫn. Dù vậy, những bất tiện so với điều kiện sinh hoạt bình thường là khó tránh khỏi. Và như không ít người đã nói: Cách ly chống dịch không phải đi nghỉ dưỡng, du lịch.

Những hiện tượng cá biệt đó, suy cho cùng, chính là sự vị kỷ, thói ích kỷ.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vài việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn mà mỗi một công dân có thể đóng góp là: Thứ nhất, người trở về từ vùng dịch hay đi qua vùng dịch tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành thủ tục khai báo y tế, thực hiện cách ly... Thứ hai, thực hành thường xuyên việc đeo khẩu trang khi phải đến chỗ đông người, khu vực công cộng như bệnh viện, nhà ga, bến xe, trên phương tiện giao thông công cộng... Thứ ba, hạn chế đến khu vực đông người để phòng, tránh lây nhiễm.

Việt Nam sáng lên như một điểm đến, chốn trở về an toàn với du khách, với kiều bào. Ngay trong ngày hôm nay, 18-3, đất nước đón hàng nghìn bà con từ nhiều quốc gia, bao gồm nước đang xảy ra dịch như Anh, Pháp, Đức, các nước khu vực ASEAN... trở về.

Người Việt Nam ở nước ngoài, trường hợp thực sự cần thiết phải về nước thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào - đây là thông điệp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) sáng 18-3. Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay, nhưng cuộc chiến phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19 không có chỗ cho lòng vị kỷ, thói ích kỷ, lối nghĩ mặc nhiên đề cao nhu cầu cá nhân của mình.

Không ai được phép đặt "cái tôi", mong muốn, nguyện vọng bản thân cao hơn quyền lợi cộng đồng, sức khỏe, sự an nguy tới sinh mạng người khác. Và cũng mong rằng, "ai đó" đã trót đặt "cái tôi", đặt bản thân cao hơn quyền lợi cộng đồng, hãy nhớ đến hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ công an, quân đội... đang căng mình chống dịch từng phút, từng giờ.

Sự hợp tác, chia sẻ của từng cá nhân, của những người trở về từ vùng dịch hay đi qua vùng dịch, người thuộc diện cách ly và của cả cộng đồng chính là nguồn lực mềm để chúng ta phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, để từng nỗ lực của chúng ta, dù nhỏ, ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch Covid-19 đi đến cái đích cuối cùng: Thành công.

Thế Nguyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/961499/cuoc-chien-chong-dich-khong-co-cho-cho-thoi-vi-ky