Cuộc chiến chống khói thuốc: Cần phân loại dựa trên khoa học

Các sản phẩm thuốc lá không khói thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã xuất hiện hơn một thập kỷ và đã được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên toàn thế giới. Cũng là những sản phẩm chứa nicotine, chắc chắn chúng không vô hại.

Cho đến nay mặc dù các cơ quan y tế, các tổ chức khoa học vẫn khẳng định các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không phải là độc hại nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ít độc hại hơn thuốc lá điếu truyền thống (nhờ loại bỏ được quá trình đốt cháy vốn cấu thành các chất độc hại gốc carbon), đồng thời sử dụng các sản phẩm này có thể hỗ trợ việc bỏ hẳn thuốc lá điếu truyền thống.

Khi khoa học vấp phải hoài nghi

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Cao đẳng London (UCL, Anh), thuốc lá điện tử có thể giúp 70.000 người hút thuốc tại Anh bỏ thuốc mỗi năm. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở Mỹ và một số quốc gia khác vì những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý và sự chấp nhận đối với các phát minh mới của khoa học như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Việc đánh giá toàn diện những tác động lâu dài lên tim mạch cũng như các hệ cơ quan khác trong quá trình sử dụng hoặc khi chuyển đổi từ thuốc lá truyền thống sang các loại thuốc lá thế hệ mới còn ở phía trước và chưa có kết luận đồng thuận chung trong giới khoa học. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi điểm của việc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá điện tử đối với sức khỏe người dùng. Cụ thể, nghiên cứu từ Đại học California San Francisco (UCSF) "Các tác động trên tim mạch của việc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá điện tử" đăng trên tạp chí của Hội tim mạch học Hoa Kỳ tháng 11-2019 cho thấy chức năng mạch máu của người sử dụng có cải thiện tốt hơn sau 1 tháng chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá điện tử; hoặc nghiên cứu "Giảm thiểu tác hại thuốc lá: Bằng chứng cập nhật" của Viện nghiên cứu R Street (Mỹ) tháng 8-2019 vừa qua cũng cho thấy việc chuyển đổi từ sản phẩm thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều mang hiệu quả giảm thiểu tác hại đối với các chỉ số liên quan tới phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Thí nghiệm ghi nhận khói từ việc đốt cháy thuốc lá điếu thông thường so với việc làm nóng thuốc của hệ thống thuốc lá làm nóng. Bên trái: khói của miếng lọc thí nghiệm lấy từ khói do đốt thuốc lá điếu; Bên phải: hơi (aerosol) của miếng lọc thí nghiệm lấy từ hệ thống làm nóng thuốc lá

Thí nghiệm ghi nhận khói từ việc đốt cháy thuốc lá điếu thông thường so với việc làm nóng thuốc của hệ thống thuốc lá làm nóng. Bên trái: khói của miếng lọc thí nghiệm lấy từ khói do đốt thuốc lá điếu; Bên phải: hơi (aerosol) của miếng lọc thí nghiệm lấy từ hệ thống làm nóng thuốc lá

Theo Tạp chí Khoa học (Science Magazine) thuộc Hiệp hội vì sự Phát triển khoa học Hoa Kỳ (AAAS) ghi nhận trong nghiên cứu "Bằng chứng, cảnh báo và phản biện về thuốc lá điện tử" công bố vào ngày 13/12/2019 vừa qua, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Tổ chức Y tế công cộng Anh (PHE) đã theo dõi cẩn thận các chứng cứ, chỉ rõ sự mở rộng đối với khái niệm giảm thiểu tác hại, trong đó mô tả tầm quan trọng của việc nhận diện được tính liên tục của tác hại. Với thuốc lá điếu truyền thống, tính liên tục của tác hại kéo dài bất tận. Ngay cả những người ban đầu nghi ngờ về việc sử dụng TLĐT có chứa nicotine hiện nay cũng đã thay đổi suy nghĩ và bắt đầu tham gia đánh giá các sở cứ khoa học, trong đó cũng chỉ ra những điều chưa chắc chắn đối với các phát kiến về lĩnh vực giảm thiểu tác hại. Ngoài ra, cũng có một chuỗi các vấn đề liên quan khác. Ví dụ về thuế, có những đề xuất sản phẩm TLĐT có chứa nicotine cần có tỷ lệ đánh thuế tương tự như thuốc lá điếu truyền thống. Nhưng cũng có những ý kiến đề xuất khác là không đánh thuế TLĐT mà lại đánh thuế gấp đôi đối với thuốc lá điếu truyền thống và dùng chi phí này để khen thưởng cho những người hút thuốc lá điếu chuyển đổi thành công sang các sản phẩm giảm thiểu tác hại hơn.

Hướng đi nào cho chiến lược quản lý?

Không chỉ đưa ra thông tin về các tranh luận khoa học của thuốc lá thế hệ mới, bên cạnh đó Tạp chí Khoa học cũng đưa ra những đề xuất cần làm gì tiếp theo đối với chính sách. Theo đó, các tác giả cũng khẳng định, chính sách khi được đưa ra nếu thiếu các sở cứ thì chắc chắn phải có sự đánh đổi. Việc thực thi chính sách sẽ có những hệ lụy đối với những ai chưa bao giờ hút, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời cũng sẽ tác động lên những nhóm người hút thuốc hiện tại và trong tương lai. Ước tính, sẽ có một tỷ người hút thuốc lá điếu truyền thống trên toàn cầu chết sớm trong thế kỷ 21. Nhóm tác giả chia sẻ cần tính toán đa phương diện về các ưu nhược điểm của các chính sách quản lý nhằm bảo đảm tối ưu hóa tính cân bằng. Từ đó đưa ra quy định toàn diện đối với các sản phẩm TLĐT có chứa nicotine có mặt trên thị trường trong khi vẫn phải áp dụng mạnh mẽ các biện pháp hạn chế rủi ro và khả năng sử dụng của thanh thiếu niên càng nhiều càng tốt.

Tại Anh, tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm đáng kể do những nỗ lực của chính phủ trong việc tuyên truyền, quy định chặt chẽ để khuyến khích sự chuyển đổi từ thuốc lá điếu truyền thống sang thuốc lá điện tử

Tại Anh, tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm đáng kể do những nỗ lực của chính phủ trong việc tuyên truyền, quy định chặt chẽ để khuyến khích sự chuyển đổi từ thuốc lá điếu truyền thống sang thuốc lá điện tử

Đơn cử mô hình quản lý tại Anh. Tại đây, chính phủ chấp nhận những sản phẩm TLĐT có chứa nicotine là biện pháp thay thế an toàn hơn so với việc hút thuốc lá điếu truyền thống, và đã triển khai thành công đối với cả hai nhóm đối tượng: một mặt giúp những người đang hút thuốc lá điếu chuyển đổi, mặt khác ngăn chặn nhóm thanh thiếu niên tiếp cận đến các sản phẩm mới này khi chưa đủ tuổi trưởng thành.

TS. Carrie Wade - Giám đốc Phân khoa Giảm thiểu Tác hại, Khoa Chính sách, Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ) cũng nhấn mạnh: "Quản lý hương liệu TLĐT là một vấn đề phức tạp, bởi vì cấm một loại hương liệu nào đó cũng không giúp giới trẻ ngừng sử dụng TLĐT. Tôi cho rằng là nếu cấm một loại hương liệu thì giới trẻ cũng sẽ chyển sang sử dụng một loại hương liệu khác thay thế. Ví dụ nếu cấm mùi dâu thì họ sẽ chuyển sang bạc hà, cam, v.v. Tôi nghĩ để ngăn ngừa giới trẻ và giảm thiểu tác hại cho sức khỏe cộng đồng, thì chiến lược quản lý nói chung đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá nên gồm 3 trụ cột chính: Giảm bớt nguồn cung (thu hẹp vị trí điểm bán có thể tiếp cận đến giới trẻ), giảm bớt nhu cầu người sử dụng (công tác của nhà quản lý tuyên truyền bỏ thuốc lá), và cuối cùng là các giải pháp giảm thiểu tác hại đối với những người trưởng thành vẫn muốn tiếp tục hút thuốc. Đây chính là chính sách quản trị toàn diện mà các nhà lập pháp nên nghĩ tới. Nhưng cuối cùng công tác tuyên truyền giáo dục vẫn là phương pháp tốt nhất cho tất cả các quốc gia."

Được biết tại Anh, thông qua Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA), một hệ thống thông báo được thiết lập nhằm yêu cầu các nhà sản xuất đảm bảo về mức độ an toàn và chất lượng của bất kỳ sản phẩm nào có mặt trên thị trường. Anh cũng cấm bán các sản phẩm có chất THC (chất có trong cần sa – là nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng chục ca tử vong và hàng loạt ca tổn thương phổi do hút thuốc lá điện tử có chứa chất này tại Mỹ trong thời gian qua). Thêm vào đó, một hệ thống báo cáo những sự kiện bất lợi cũng được thực thi, MHRA duy trì trang mạng để người dùng có thể kiểm tra tính hợp pháp của sản phẩm đang được lưu hành. Những biện pháp quản lý này của Anh cũng phản ánh các quy định về mặt chính sách chung trong khối Liên minh châu Âu.

P. Nhung

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/me-thong-thai/cuoc-chien-chong-khoi-thuoc-can-phan-loai-dua-tren-khoa-hoc-20191217212054087.htm