Cuộc chiến chống vàng lậu ở vùng biên – Kỳ 3: Mối đe dọa ngầm với thị trường và an ninh tài chính

Dù lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu vàng, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí số lượng bị bắt giữ sau thường lớn hơn trước, cho thấy thị trường vàng lậu đang 'nóng' lên từng ngày.

Mối họa nhiều mặt

Về kinh tế, vàng lậu trốn thuế gây thất thu ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp chân chính và góp phần "vàng hóa" nền kinh tế. Với thị trường tài chính, việc buôn lậu vàng làm tăng cầu USD trên thị trường tự do.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn đã thúc đẩy người dân bán vàng lậu lấy VNĐ, rồi mua USD để tái nhập vàng – một vòng luẩn quẩn khiến tỷ giá USD tăng cao bất thường.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang (cũ) bắt người đàn ông vận chuyển lậu hơn 12kg vàng ở biên giới An Giang vào ngày 17/12/2024.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang (cũ) bắt người đàn ông vận chuyển lậu hơn 12kg vàng ở biên giới An Giang vào ngày 17/12/2024.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết, các doanh nghiệp hiện không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua vàng SJC, vốn đắt đỏ để chế tác trang sức.

Điều này vô tình tạo cơ hội cho vàng lậu len lỏi vào ngành chế tác thông qua đường không chính ngạch. Những vụ buôn lậu bị phát hiện chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Trong khi mỗi năm chỉ vài trăm kg vàng bị thu giữ, ước tính có đến 20 tấn vàng lậu âm thầm chảy vào thị trường nội địa.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Kim Hương cảnh báo: Nếu không kiểm soát chặt, thị trường vàng sẽ bị "đánh chiếm" bởi vàng lậu, làm méo mó cạnh tranh, đe dọa doanh nghiệp chân chính và gây bất ổn toàn hệ thống.

Lợi nhuận từ buôn lậu vàng cực lớn – chênh lệch giá chỉ 1% đã đủ kích thích hoạt động buôn lậu, do giá trị của vàng rất cao.

Một vài lượng vàng dễ dàng giấu kín, nếu qua mắt được lực lượng chức năng, người vận chuyển có thể thu lãi hàng chục triệu đồng. Một số thống kê cho thấy, lãi từ 1kg vàng lậu có thể cao gấp gần 10 lần so với buôn ma túy nhưng mức án, nếu bị bắt, lại thấp hơn rất nhiều.

Tang vật vụ án buôn lậu vàng được lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: CACC).

Tang vật vụ án buôn lậu vàng được lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: CACC).

Khác với ngoại tệ có seri, vàng buôn lậu khi lọt vào nội địa có thể "tàng hình" hoàn toàn. Chỉ cần nấu chảy, biến thành vàng nguyên liệu, rồi đưa vào các xưởng chế tác vàng lậu sẽ khoác lên mình lớp vỏ mới: sản phẩm hợp pháp, mang dấu hiệu của cơ sở sản xuất trong nước.

Cần đưa vàng vào nhóm "tài sản giám sát đặc biệt"

Theo các chuyên gia pháp lý, buôn lậu vàng không chỉ gây thất thu thuế, ảnh hưởng an ninh kinh tế mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự với mức án lên đến 20 năm tù nếu số lượng lớn hoặc có tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên, hiện nay vàng chưa thực sự được kiểm soát chặt như các loại tài sản có rủi ro cao khác.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền, Công ty Luật TNHH HPL và Cộng sự cho rằng: Vàng là tài sản có tính thanh khoản cao, dễ cất giữ, thuận tiện chuyển đổi và được các tổ chức tội phạm sử dụng để rửa tiền.

Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện phải tuân thủ quy định về xác minh khách hàng (KYC), đánh giá rủi ro và giám sát giao dịch theo thời gian thực.

Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Thị Thúy Huyền, điểm yếu lớn là quy trình giám sát còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự đánh giá rủi ro và gần như không có cơ chế hậu kiểm hiệu quả.

Quyết định 11/2023/QĐ-TTg yêu cầu báo cáo các giao dịch vàng từ 400 triệu đồng trở lên, nhưng trên thực tế nhiều giao dịch lớn bị "xé nhỏ" hoặc thực hiện ở các cơ sở nhỏ lẻ, nơi gần như không có quy trình KYC, không lưu trữ dữ liệu và không bị kiểm tra định kỳ. Đây là lỗ hổng lớn để dòng tiền bất hợp pháp được rửa sạch thông qua vàng – một hình thức ngày càng phổ biến.

Trong hệ thống tài chính quốc tế, vàng luôn được xem là tài sản rủi ro cao và bắt buộc giám sát chặt chẽ. Nếu Việt Nam không sớm hoàn thiện khung pháp lý và kiểm soát cụ thể, nguy cơ thao túng thị trường, thất thoát dòng vốn và giảm tính minh bạch tài chính là rất lớn.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác chống buôn lậu vàng vẫn còn nhiều thách thức: Pháp luật thiếu chế tài rõ ràng với hành vi vận chuyển trái phép; nhiều vụ bắt quả tang chỉ dừng ở xử phạt hành chính vì chưa đủ định lượng để truy tố hình sự.

Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng, biên giới dài và địa hình phức tạp khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư thêm thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực điều tra và hỗ trợ pháp lý cho tuyến đầu là điều cấp thiết.

Trong khi đó, luật sư Đinh Đắc Lộc, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, nhận định buôn lậu vàng là hành vi mua bán, vận chuyển vàng qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa Việt Nam hoặc ngược lại trái pháp luật, tức là không khai báo hải quan hoặc không tuân thủ các quy định pháp luật về nhập khẩu, xuất khẩu.

Hành vi buôn lậu vàng sẽ bị xử phạt về tội Buôn lậu do vàng là kim khí quý theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 17/2014/TT-NHNN.

Với thực tế buôn lậu vàng ngày càng tinh vi, luật sư Đinh Đắc Lộc đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt quản lý và giám sát giao dịch vàng như một loại tài sản đặc biệt. Đồng thời, tăng cường trang bị công nghệ, nâng cao năng lực điều tra và kiểm soát tại biên giới để ngăn chặn vàng lậu tuồn vào nội địa, gây bất ổn kinh tế - tài chính quốc gia.

Đại tá Phạm Văn Đảng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh kiêm Chính ủy Bộ đội Biên phòng Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua tuyến đường bộ có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Nai đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, thời gian qua lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ các vụ buôn lậu vàng qua biên giới thì công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu càng được siết chặt hơn. Biên phòng Đồng Nai đã thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ nghiệp vụ, trong đó xác định vàng, ngoại tệ là các mặt hàng trọng điểm.

Qua đó, Biên phòng Đồng Nai tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới; trao đổi với nước bạn cùng phối hợp kiểm soát biên giới thực hiện tập trung chống buôn lậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức chấp hành pháp luật vùng biên giới, không tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng ở biên giới kiểm tra, kiểm soát đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả.

Một vấn đề quan trọng là đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư kinh phí, phương tiện hiện đại hơn giúp lực lượng chức năng nâng cao năng lực và có thêm điều kiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu; tiếp tục khai thác, thu thập thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu ngày càng hiệu quả hơn

Buôn lậu vàng là một dạng tội phạm kinh tế nguy hiểm, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, đồng bộ và kiên trì trong đấu tranh. Lực lượng bộ đội biên phòng với vai trò nòng cốt nơi tuyến đầu đang ngày đêm bám trụ, không ngừng củng cố thế trận lòng dân, kết hợp nghiệp vụ sắc bén để ngăn chặn những “dòng chảy ngầm” của thứ kim loại quý giá. Đằng sau mỗi chuyên án thành công là sự hy sinh thầm lặng, là những bước chân không mỏi giữa núi rừng, sông nước để giữ gìn an ninh kinh tế và chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-chien-chong-vang-lau-noi-vung-bien-ky-3-moi-de-doa-ngam-voi-thi-truong-va-an-ninh-tai-chinh-204250629124231593.htm