Cuộc chiến dài hơi với tệ nạn ma túy

Thời gian qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành địa phương nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn phức tạp. Số đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa thi hành do diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 và số đối tượng sau cai tiếp tục tái nghiện, khó tái hòa nhập cộng đồng, phần nào tác động đến tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương.

Cuộc chiến với tệ nạn ma túy vẫn còn rất phức tạp.

Mô hình điểm ở thị trấn phức tạp về ma túy

Thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong, là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của tỉnh nhiều năm nay. Chỉ vỏn vẹn gần 15km2 nhưng dân số hơn 50.000 nhân khẩu chủ yếu làm nghề biển, tệ nạn ma túy tại Phan Rí Cửa có dấu hiệu gia tăng và ngày càng công khai. Với 21/21 khu phố đều có người nghiện (hơn 200 người nghiện có hồ sơ quản lý), khiến tình hình an ninh trật tự, trộm cắp nơi đây khá phức tạp. Do đó, ngày 30/3/2021, Công an Bình Thuận đã chọn Phan Rí Cửa để xây dựng mô hình điểm “Thị trấn an toàn, văn minh” nhằm phát động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, đặc biệt là tệ nạn ma túy.

Sau 1 năm, mô hình đã mang lại kết quả bước đầu, đáng ghi nhận, tình hình an ninh trật tự cơ bản được giữ vững, ổn định hơn so với trước đây. Các thành viên mô hình thuộc 21 nhóm ở 21 khu phố đã tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tiêu chí “Tự quản, tự phòng”, phát hàng trăm tờ rơi có nội dung tuyên truyền về phòng, chống tội phạm cho nhân dân trên địa bàn thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, tham gia quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng, nắm bắt tình hình an ninh trật tự để kịp thời cung cấp cho lực lượng chức năng.

Đặc biệt, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp cho lực lượng chức năng kịp thời phá án và bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội về ma túy. Với những nguồn tin do Tổ nòng cốt mô hình và quần chúng nhân dân cung cấp đã giúp lực lượng công an triệt phá các tụ điểm về ma túy; đã phát hiện, xử lý 1 vụ tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; phối hợp xử lý các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê chợ và hoạt động sử dụng loa kẹo kéo gây bức xúc trong nhân dân. Đã tiến hành đấu tranh, triệt phá 24 vụ, bắt 40 đối tượng; bắt 2 đối tượng truy nã. Bên cạnh đó, Công an thị trấn đã vận động, tuyên truyền, gặp gỡ, động viên, giáo dục đối với nhóm đối tượng nghiện. Qua đó, đã lập hồ sơ đưa vào diện quản lý giáo dục tại địa phương theo Nghị định 111 của Chính phủ 160 đối tượng, đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ 79 đối tượng.

Các đối tượng nghiện ma túy đi xin ở các chợ. (ảnh tư liệu)

Cuộc chiến dài hơi

Năm 2021, do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các lực lượng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như: Quán bar, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ không hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, trong năm qua, cơ sở điều trị nghiện ma túy đã tiếp nhận 150 người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở, tư vấn và giải quyết hòa nhập cộng đồng cho 212 học viên. Đối tượng hoàn thành thời gian cai nghiện về nơi cư trú từ 2018 đến nay là 388 người. Tất cả các đối tượng này đều được lập đầy đủ hồ sơ để quản lý tại nơi cư trú và UBND cấp xã phân công các ban, ngành, đoàn thể, tình nguyện viên của đội công tác xã hội tình nguyện theo dõi, động viên, giúp đỡ.

Theo số liệu từ ngành công an, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.290 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. So với cuối năm 2020, giảm 224 trường hợp (do chưa xác định tình trạng nghiện). Toàn tỉnh hiện có 109/124 xã, phường, thị trấn có người nghiện cũng như vi phạm pháp luật về ma túy (chiếm 87,9%). Tuy số liệu giảm, nhưng thực tế số người nghiện tại các địa phương chưa được quản lý khá nhiều. Do đó, ngành chức năng xác định cuộc chiến với tệ nạn ma túy vẫn còn rất phức tạp và cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành và toàn thể nhân dân.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy từ Trung ương đến địa phương, thời gian tới cần thu thập, quản lý hệ thống dữ liệu và phân tích, xử lý thông tin về tình hình ma túy. Nghiên cứu, đánh giá thực chất diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy theo địa bàn, từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện tốt công tác xét duyệt hồ sơ đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh theo Kế hoạch số 272/KH-UBND ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh. Tiếp tục triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và quản lý người nghiện ma túy sau cai. Tăng cường công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghiện…

Cuộc chiến với ma túy là cuộc chiến dài hơi, vì vậy, mọi người dân phải luôn đề cao ý thức, cảnh giác và kịp thời cung cấp thông tin, tố giác tội phạm cho cơ quan công an xử lý, nhằm ngăn chặn không ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cuoc-chien-dai-hoi-voi-te-nan-ma-tuy-96481.html