Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là một trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự kiên cường, đoàn kết và lòng yêu nước của nhân dân các tỉnh miền núi, trong đó có Tuyên Quang. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Tuyên Quang đã đóng góp không nhỏ trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trở thành hậu phương vững chắc và điểm tựa tinh thần cho quân dân cả nước.

Cuộc chiến vì chính nghĩa

Ngày 17-2-1979, thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu đáp trả lại hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới phía Bắc Tổ quốc. Trước sự tấn công bất ngờ của địch, quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu)... và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường, đã dũng cảm kiên cường chiến đấu đánh bại quân xâm lược, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và cán bộ, nhân viên các cơ quan thắp hương phần mộ các liệt sĩ đang an nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và cán bộ, nhân viên các cơ quan thắp hương phần mộ các liệt sĩ đang an nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Ngày 18-3-1979, quân địch bị thiệt hại nặng nề đã buộc phải rút quân về nước. Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc một số tỉnh ở khu vực biên giới, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt ở mặt trận Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, những trận đánh đẫm máu để giành giật từng điểm cao với những hy sinh vô cùng lớn vẫn chưa chấm dứt, mà phải đến tháng 9-1989 chiến tranh mới thật sự kết thúc.

Cho đến nay đã 45 năm trôi qua, kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nhưng ký ức về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bởi tính chất ác liệt của nó. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước mà cả trên thế giới.

Bản lĩnh người lính cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức vẫn còn mãi. Đến giờ, thương binh Tô Trọng Bôn, thôn 11, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) vẫn không quên những đau thương của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Tham gia cuộc chiến, ông cũng bị 2 mảnh pháo ghim vào đầu và chân, tưởng chừng không qua khỏi. Đến nay, mảnh pháo trong đầu vẫn còn. Mỗi khi trái gió trở trời, những cơn đau nhắc ông nhớ về chiến trường khốc liệt, về đồng đội đã hy sinh và những ký ức không thể nào quên.

Cựu chiến binh Tô Trọng Bôn, thôn 11, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) nói chuyện truyền thống với những người lính trẻ.

Cựu chiến binh Tô Trọng Bôn, thôn 11, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) nói chuyện truyền thống với những người lính trẻ.

Sau khi xuất ngũ, ông Bôn khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi vịt và làm đồ mộc. Nhờ tinh thần tự học, ông phát triển mô hình nuôi vịt siêu trứng và sản xuất giống vịt nổi tiếng ở Tuyên Quang, tạo thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Đến năm 2006, khi thị trường vịt giống bão hòa, ông chuyển sang sản xuất đồ mộc, đầu tư lớn vào nhà xưởng, máy móc và đội ngũ thợ. Sản phẩm của ông được tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thành công trong kinh tế, ông Bôn còn tích cực hỗ trợ đồng đội, tham gia xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi gia đình chính sách, và đóng góp cho cộng đồng. Ông đã nhận nhiều bằng khen từ UBND tỉnh nhờ thành tích trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và “Đền ơn đáp nghĩa”. Với ông, còn sức khỏe là còn cống hiến cho quê hương.

Cho đến nay, những ký ức về những ngày tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong tâm trí thương bệnh binh Trần Mạnh Mật, thôn 3, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang). Từ năm 1977 đến năm 1988, ông tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược tại Lai Châu và Lào Cai. Đến năm 1989, ông được phong hàm Đại úy, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu 2, trực tiếp chỉ huy 5 đại đội chiến đấu ở Hà Giang. Trong 10 năm đánh giặc Tàu ở biên giới phía Bắc ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì.

Năm 1991, ông Mật phục viên về địa phương phát triển kinh tế. Khi thấy mảnh đất của quốc phòng ở cạnh nhà để hoang, cỏ mọc rậm rạp, ông đã xin mượn lại 4 ha để phát triển mô hình vườn, ao, chuồng… Với phương châm lấy ngắn, nuôi dài, hễ cứ có tiền từ hoa màu, ông lại mua cây giống gieo trồng vụ tiếp và chăm chút cho đàn trâu, bò sinh sôi, nảy nở. Tiền thu được từ trăn nuôi, trồng trọt sau nhiều năm tích cóp, năm 2014 ông dựng được ngôi nhà khang trang. Gia đình ông cũng là hộ khá giả trong thôn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức hào hùng về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người lính và cả nhân dân Tuyên Quang. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về trách nhiệm bảo vệ, xây dựng đất nước. Tuyên Quang đã, đang và sẽ luôn là mảnh đất anh hùng. Nơi hun đúc tinh thần yêu nước và sự đoàn kết dân tộc, đóng góp vào sự phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-203666.html