Cuộc chiến đầu tiên với ung thư

Khi biết mình mắc ung thư, nỗi sợ trước cái chết chiếm trọn tâm trí người bệnh, điều này rất dễ hiểu. Điều bệnh nhân cần làm là chế ngự sự sợ hãi và nuôi dưỡng tinh thần lạc quan.

 Sự đồng hành chia sẻ của người thân và bác sĩ điều trị giúp bệnh nhân ung thư lạc quan hơn. Ảnh: SKĐS.

Sự đồng hành chia sẻ của người thân và bác sĩ điều trị giúp bệnh nhân ung thư lạc quan hơn. Ảnh: SKĐS.

Khi nhớ lại chặng đường mà mình đã trải qua, tôi thấy mình như đang đi trên một sợi chỉ mỏng manh trong bóng tối. Sợi chỉ này là một quá trình như thế nào? Tôi thử nhìn lại nó theo góc nhìn riêng của mình.

Khi nhận được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn bốn, tôi đã không thể ngủ được. Nỗi sợ hãi chiếm giữ tâm trí tôi. Trong đầu tôi hiện lên khuôn mặt của bác sĩ, giọng nói của ông ấy vang vọng, tôi bị ám ảnh trong nỗi bất an về cái chết. Tâm trí tôi tràn ngập nỗi sợ về cái chết. Trạng thái này thật thống khổ. Tôi nghĩ có lẽ những người nhận tin báo ung thư đều trải qua chuyện này.

Nhưng may mắn thay, nhờ có kiến thức về tâm lý học mà tôi đã có thể giải tỏa nỗi sợ này ra khỏi tâm trí. Có một liệu pháp tâm lý gọi là “Tập trung” do nhà tâm lý học Gendlin phát triển. Đó là phương pháp nắm bắt những “cảm giác” không thể diễn tả bằng lời bên trong cơ thể, chuyển nó thành ngôn từ và giải phóng ra ngoài cơ thể.

Như đã kể trong phần Một, tôi úp mặt vào gối và hét lên thành lời những cảm xúc quẩn quanh trong cơ thể. Tôi ra sức gào hét lên thật lớn, hét và hét cho đến hết không còn một giọt. Sau khi la hét xong, một cảm giác thư thái pha lẫn chút kiệt sức nhưng dễ chịu sinh ra trong tâm trí tôi. “Nỗi sợ cái chết” chiếm đóng mọi ngóc ngách trong tâm trí tôi trước đó đã bị loại bỏ ra khỏi cơ thể. Cảm xúc thư thái được sinh ra nhờ tạo được khoảng trống trong tâm trí.

Bằng cách này, tôi đã thành công bình tĩnh đối mặt với bức tường khổng lồ mang tên ung thư phổi giai đoạn bốn.

Tôi cho rằng, thật khó để tiến lên phía trước khi cứ giữ khư khư nỗi sợ hãi trong lòng. Bị nỗi sợ hãi túm cổ thì không thể tiến lên được.

Theo tôi điều này đúng với tất cả mọi chuyện chứ không riêng gì ung thư. Khi bạn mang trong mình nỗi sợ hãi, bất an hay điều gì đó nặng lòng, hãy giải tỏa nó ra khỏi tâm trí.

 Cuốn sách Giác ngộ để hồi sinh kể lại hành trình chiến đấu chống bệnh ung thư của tác giả Takeshi Tone. Ảnh: H.H

Cuốn sách Giác ngộ để hồi sinh kể lại hành trình chiến đấu chống bệnh ung thư của tác giả Takeshi Tone. Ảnh: H.H

Bạn có thể vẽ nó ra trên giấy, viết nó ra, nói ra, hét lên, bạn có thể đánh hoặc đá vào cái gì đó, ném nó cũng được, tóm lại là giải phóng “năng lượng của cảm xúc tiêu cực” đang lởn vởn trong tâm trí.

Nếu không làm được điều đó, bạn sẽ bị chùn bước và không thể có một khởi đầu tốt.

Theo như tôi được biết, khi đối mặt với nguy hiểm ngay trước mắt, con người chỉ có thể thực hiện hai hành động. Một là “chạy trốn”, hai là “chiến đấu”. Đây được cho là một kiểu phản ứng được hình thành từ khi loài người vẫn còn là một cộng đồng săn bắn hái lượm.

Có một con thú ăn thịt to lớn xuất hiện trước mắt! Lúc này, bạn sẽ làm gì? Điều này đã được hình thành trong từng tế bào của chúng ta.

Khi đối mặt với một cơn khủng hoảng tâm lý như “phán quyết ung thư”, cũng tương tự như vậy, bản năng tự nhiên sẽ bắt đầu lựa chọn “chạy trốn” hoặc “chiến đấu”.

Lựa chọn “chạy trốn” có nghĩa là bạn phó mặc tất cả cho bác sĩ, cho bệnh viện, không đối mặt trực tiếp với việc điều trị.

Đó là sự lựa chọn không muốn biết về điều trị, không muốn biết đến những điều đáng sợ, vì vậy bạn phó mặc tất cả cho bác sĩ và bệnh viện, cố gắng không suy nghĩ về căn bệnh.

Hoặc là, bạn nghĩ phương pháp điều trị mà bệnh viện khuyến nghị là đúng hoàn toàn (vì thấy như vậy an tâm hơn), chỉ phụ thuộc vào sự điều trị của bệnh viện thay vì làm những điều vốn dĩ có thể làm. Bạn cả tin vào những lời bác sĩ nói.

Đúng là có rất nhiều bác sĩ giỏi, nhưng bác sĩ không phải thần thánh. Chỉ có bạn mới giữ được sinh mạng của mình.

Bạn có thể may mắn thoát khỏi con thú ăn thịt, nhưng bạn không thể chạy trốn khỏi ung thư vì nó ở trong cơ thể bạn. Càng khó hơn nữa nếu đó là giai đoạn bốn.

Tôi đã ở trong chế độ sinh tồn “chiến đấu”. Cái tôi (bản ngã) mạnh mẽ của tôi siết chặt nắm tay tuyên bố: “Tôi nhất định sẽ sống sót!” và bắt đầu chiến đấu. Nếu tôi “bỏ chạy trước kẻ thù”, tôi nghĩ sẽ không ai cứu mình.

Bây giờ khi nhìn lại, có thể nói rằng tôi đã chấp nhận đối mặt với thực tế và làm tất cả những gì mình có thể mà không phó mặc cho bác sĩ, tôi nghĩ có lẽ sự giác ngộ đó đã cứu rỗi tôi.

Điều quan trọng là phải có tinh thần “không bao giờ chấp nhận” những lời nói tiêu cực như thể lời tiên tri của bác sĩ. Nếu chấp nhận chúng, có lẽ bạn sẽ trở nên giống như vậy. Sinh mạng của mình là do mình quyết định. Bởi vì bạn chính là nhân vật chính trong cuộc đời mình.

Tôi, phải làm gì để có thể xóa bỏ ung thư? Tôi chưa bao giờ cố gắng chăm chỉ tìm hiểu và thực hành nhiều đến vậy trong đời. Tôi đã duy trì trạng thái đó trong suốt chín tháng.

Đối với tôi, đó là một cuộc chiến khốc liệt vì phải chiến đấu trong khi sức khỏe ngày càng xấu đi. Nhưng tôi nghĩ, bởi vì mình có một cái tôi (bản ngã) mạnh mẽ quyết tâm rằng “Mình nhất định sống sót qua trận chiến này”, “Không thể thua trong trận chiến này”, “Thất bại nghĩa là chết”, nên sự phó thác và đầu hàng sau đó càng trở nên kịch tính.

Bởi vì, phó thác có nghĩa là buông bỏ, nếu cái tôi (bản ngã) cần buông bỏ đang yếu đuối, thì sự phó thác cũng trở nên yếu ớt. Buông bỏ cái tôi (bản ngã) mạnh mẽ, kháng cự mạnh mẽ, chấp niệm mạnh mẽ. Nói cách khác, nếu khoảng cách đó càng lớn thì bạn càng được trải nghiệm sâu sắc thế nào là sự phó thác và đầu hàng.

Vì vậy tôi nghĩ: “Khi chiến đấu hãy chiến đấu hết mình!”. Khi nắm giữ điều gì đó thì “Hãy nắm giữ đến cùng!”

Nếu sức mạnh của cái tôi (bản ngã) có thể xoay chuyển được tình hình thì tốt rồi. Nếu điều đó không giúp ích được gì thì sự buông bỏ và đầu hàng sẽ xảy ra tiếp theo, tôi nghĩ như vậy.

Takeshi Tone/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-chien-dau-tien-voi-ung-thu-post1454558.html