Cuộc chiến đấu xây dựng niềm tin

Tại kỳ họp 39 (từ ngày 25 đến 27/9/2019), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận nhiều tập thể, cá nhân sai phạm. Trong đó có Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.

Kết luận của phiên họp cũng chỉ rõ một số cá nhân lãnh đạo của tỉnh này vướng vào sai phạm đến mức phải kỷ luật; kể cả đối với ông Lê Thanh Quang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Tuy nhiên, án kỷ luật đối với ông Quang “treo” lại dù có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, nhưng do đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Trước đó, ngày 23/9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ. Quy định đã cụ thể hóa quyết tâm của Đảng làm trong sạch bộ máy, xây dựng Đảng ta thật trong sạch vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Quy định nêu rất rõ: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Quy định cũng nhấn mạnh, “phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách. Với tư cách là thành viên, chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo”; “Xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ”.

Điều 5 của Quy định 205 đặc biệt nhấn mạnh đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị “không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình”. Và Điều 6 đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp: Chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo đối với những đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định nhân sự, hồ sơ nhân sự.

Quy định 205/QĐ-TW cũng “không bỏ sót” đối tượng vi phạm là cán bộ tham mưu khi đề xuất về cán bộ phải chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Đối tượng này trong nhiều trường hợp luôn thu được lợi riêng, kể cả cố tình tham mưu, đề xuất sai dẫn đến hậu quả.

Như vậy, một lần nữa có thể thấy công tác cán bộ được Đảng ta đặc biệt chú ý, cùng đó là quyết tâm rất cao ngăn chặn những hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhân danh tập thể để lái việc bổ nhiệm cán bộ theo ý đồ riêng, lợi ích nhóm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, có thể nói việc làm trong sạch đội ngũ chính là cuộc chiến đấu rất quyết liệt. Những tiêu cực dồn lại của công tác cán bộ đã khiến niềm tin của xã hội vơi hụt. Cuộc chiến đấu này vì thế không chỉ làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ mà còn là cuộc chiến đấu xây dựng niềm tin. Trong đó, trách nhiệm người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Ở thời nào cũng vậy, cấp nào cũng vậy, người đứng đầu tổ chức phải đảm lược, vững vàng để nhìn ra chân tướng những phần tử cơ hội, kém đạo đức lẫn năng lực nhưng lại giỏi nịnh bợ, chạy chọt. Phần tử cơ hội có thể đem lại lợi lộc riêng cho người có quyền, nhưng lại làm hại cả một tập thể.

Trở lại việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận, xử lý vi phạm tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, có thể thấy việc sai phạm ở các địa phương cũng không thể coi nhẹ. Khi người đứng đầu với mục đích riêng đã lèo lái cả một tập thể, dẫn đến sai phạm tập thể, cùng nhau sai phạm một cách hệ thống - thì sự việc sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Dư luận đã từng phẫn nộ trước việc địa phương này, địa phương kia có việc Bí thư, Chủ tịch… đưa người nhà vào nắm giữ những vị trí quan trọng, nhiều bổng lộc theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, cùng nhau kéo bè kết cánh; thì nay lại thêm lo lắng khi có những vụ vi phạm tập thể của những người không máu mủ ruột rà, ít ra là ở một địa phương. Sức chiến đấu của tập thể đó không còn, ngược lại họ đã “nắm tay nhau chiến đấu” loại trừ người tốt, những cán bộ trung kiên. Đây là điều cần phải được nhận thức một cách rõ ràng hơn, cần phải được cảnh báo một cách nghiêm khắc; dù rằng việc đấu tranh với sai phạm của cả một tập thể đầy quyền lực là điều vô cùng gian nan, nguy hiểm.

Vì thế, với việc Đảng tiến hành xem xét kỷ luật những tập thể, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo thời gian qua là vô cùng cần thiết. Cuộc chiến đấu loại trừ cái xấu, xây dựng những điều tốt đẹp dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhất định thành công. Vì rằng, nhân dân luôn đứng bên Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến cam go ấy.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/cuoc-chien-dau-xay-dung-niem-tin-tintuc448832