Cuộc chiến diệt trừ chim quelea phá hoại mùa màng tại Kenya
Nhiều tổ chức môi trường bày tỏ sự lo ngại trước việc nông dân Kenya sử dụng thuốc trừ sâu nhằm tiêu diệt gần 6 triệu con chim quelea mỏ đỏ phá hoại mùa màng, làm ảnh hưởng tới các loài hoang dã khác, đặc biệt là các loài chim ăn thịt.
Do hạn hán kéo dài, số lượng cỏ tại vùng Sừng châu Phi đã suy giảm mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thức ăn chính của chim quelea. Chính điều này đã khiến loài chim này chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn thức ăn ngũ cốc trên các trạng trại và đồng ruộng, phá hoại 121 ha lúa và khiến khoảng 800 ha khác bị đe dọa.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), một con chim quelea có thể ăn tới 10g ngũ cốc mỗi ngày. Điều này khiến nông dân ở miền tây Kenya có nguy cơ mất gần 60 tấn ngũ cốc vì bị chim ăn. Riêng trong năm 2021, FAO ước tính thiệt hại mùa màng do chim quelea gây ra lên tới 50 triệu USD.
Trên thực tế, Guardian cho biết Kenya không phải nơi duy nhất hứng chịu ảnh hưởng bởi chim quelea. Hồi giữa năm 2022, FAO đã cấp cho chính phủ Tanzania 500.000 USD nhằm phun thuốc, giám sát và xây dựng năng lực ứng phó với việc 21 triệu con chim quelea xâm chiếm các cánh đồng lúa, lúa miến, kê và lúa mì.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều nơi tại Kenya đã phun fenthion, một loại thuốc trừ sâu phổ biến. Tuy nhiên theo ông Paul Gacheru, một quản lý tại chi nhánh Nature Kenya của tổ chức BirdLife International, việc quản lý các địa điểm phun thuốc tại nơi này không được thực hiện nghiêm ngặt.
Theo ông Simon Thomsett, giám đốc của Kenya Bird of Prey Trust, nông dân ở những vùng trồng lúa mì tại Kenya thậm chí còn phun thuốc đối với bất kỳ loài chim nào được coi là mối đe dọa đối với các trang trại, kể cả những loài chim ăn côn trùng gây hại mùa màng.
Trong khi đó, loại thuốc trừ sâu này độc hại không chỉ với mục tiêu diệt trừ mà còn với cả các loài không phải mục tiêu ở liều lượng cao. Kết hợp với việc quản lý lỏng lẻo, nó làm tăng nguy cơ tử vong của động vật hoang dã, đặc biệt là các động vật ăn xác của những con vật đã chết vì loại thuốc này.
Mặt khác, số lượng chim quelea tại châu Phi lại quá đông khi con số ước tính lên tới 1,5 tỷ con, khiến việc tìm ra một giải pháp thân thiện với môi trường và bền vững không hề dễ dàng.
Trong bối cảnh đó, FAO và nhiều tổ chức môi trường khác đang hướng tới những cách thức bền vững hơn để kiểm soát thiệt hại mùa màng trong khi vẫn bảo vệ được môi trường tại Kenya.
Trước mắt, FAO cùng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đang xem xét việc thêm fenthion vào danh sách Phụ lục III của hiệp ước Rotterdam – hiệp ước nhằm giảm thiểu rủi ro từ các hóa chất độc hại trong nông nghiệp. Phụ lục III này bao gồm các loại thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp bị cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt vì lý do môi trường hoặc sức khỏe.
Thêm vào đó, chính phủ Kenya cũng có thể sử dụng các phương pháp lập dự báo và lên phương án kiểm soát thay vì phun thuốc trừ sâu. Cụ thể theo một báo cáo của tác giả Robert A Cheke từ Đại học Greenwich, các phương pháp tiềm năng bao gồm rà soát và phát hiện ra các khu vực sinh sản của chim quelea thông qua hình ảnh vệ tinh hoặc dự báo những nơi chim có khả năng sinh sản dựa trên mô hình lượng mưa, từ đó đưa ra các phương pháp ứng phó phù hợp.