'Cuộc chiến' giành ghế Chủ tịch Eximbank lại 'căng như dây đàn'
Mấy năm trở lại đây, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) luôn tiềm ẩn sóng gió, người ngồi vào chưa ấm chỗ, lại bị hạ bệ. 'Cuộc chiến' tranh giành ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank giờ đây lại căng như dây đàn.
Tại vị 3 ngày… ghế Chủ tịch HĐQT lung lay
Ngày 28/6, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ban hành quyết định bổ nhiệm bà Đỗ Hà Phương làm Chủ tịch HĐQT Eximbank, thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú, người ngồi chiếc ghế này hơn 1 năm qua. Cuộc chiến tranh giành ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank giờ đây lại "căng như dây đàn".
Bà Phương (SN1984) mới tham gia Eximbank từ năm 2022 với chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 7 (2020-2025). Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank, bà Phương bị nhóm cổ đông do ông Trần Hoàng Ninh làm đại diện đề nghị Eximbank chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút thành viên HĐQT khỏi HĐQT Eximbank. Đồng thời, yêu cầu Eximbank thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bãi nhiệm bà Phương theo quy định.
Khá bất ngờ, trước đó, cũng chính nhóm cổ đông này đề cử bà Phương tham gia vào HĐQT Eximbank. Nguyên do về hành động bất thường này, nhóm cổ đông cho hay: “Sau khi được đề cử, bà Phương đã không thực hiện nghiêm túc chức vụ đang đảm nhiệm, gây xáo trộn nghiêm trọng trong hoạt động của Eximbank. Không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như ý chí phát triển ngân hàng một cách minh bạch và ổn định của các cổ đông.
Chúng tôi xác định không yêu cầu và hoàn toàn bác bỏ việc bà Phương tự ý mời họp HĐQT, tự ý bỏ phiếu biểu quyết bầu Chủ tịch HĐQT, bỏ phiếu biểu quyết miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT và các biểu quyết khác tại ngày 28/6/2023. Hành vi của bà Phương có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm cổ đông về đề cử để trục lợi cho cá nhân do thực hiện công việc trái với ý chí dân sự và trái với quyền, lợi ích chính đáng của cổ đông”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, bà Phương được nhóm cổ đông tin tưởng đề cử để vào thành viên HĐQT, chứ không hề nhắm phương án thay thế chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank do bà Tú đang ngồi. Nhưng các "nước cờ" của nhóm cổ đông này đã bị thay đổi chóng vánh, sau mấy tháng tham gia HĐQT của bà Phương.
"Nước cờ" ngược?
Từ đầu năm đến nay, bộ phận thượng tầng của Eximbank đã có những thay đổi. Điển hình, gần đây nhất, ngày 14/4/2023, ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng không còn đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 7, lý do có đơn xin từ nhiệm. Tương tự, ông Trịnh Bảo Quốc cũng không còn đảm nhiệm thành viên Ban kiểm soát không chuyên trách nhiệm kỳ 7, cũng do có đơn xin từ nhiệm. Đồng thời, bầu thành viên Ban kiểm soát không chuyên trách đối với bà Doãn Hồ Lam.
Đặc biệt, vào ngày 28/6, khi bà Phương vừa được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT, Eximbank liền ban hành Nghị quyết về kế hoạch đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 7. Theo đó, 1/7/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến (2 người) để bầu bổ sung vào HĐQT. Nghị quyết này do bà Phương ký.
Như vậy, ngay sau khi ngồi vào “ghế nóng”, bà Phương đã ký Nghị quyết của HĐQT về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT. Cũng trong ngày 28/6 bà Phương còn ký văn bản công bố thông tin về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Eximbank, dự kiến thứ hai, ngày 18/9/2023. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ là ngày 19/7/2023. Nội dung cuộc họp là bầu bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 7. Chưa rõ 2 thành viên dự kiến bầu là ai nhưng chắc chắn không xa lạ gì với người giới thượng tầng Eximbank.
Đáng chú ý, trong văn bản công bố thông tin bất thường có “giao Chủ tịch HĐQT thành lập các ban, tổ khác để chuẩn bị/phục vụ cho công tác tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Đồng thời, giao Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thực hiện Nghị quyết này”.
Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới nhóm cổ đông do ông Trần Hoàng Ninh làm đại diện đề nghị phế truất bà Phương – nước cờ ngược khỏi “ghế nóng”.
Có lịch sử "thay ghế" chóng vánh
Bà Lương Thị Cẩm Tú (SN1980) được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 2/2022 và hơn 1 năm sau bị miễn nhiệm kể từ ngày 28/6. Hiện, bà Tú đang có các động thái để giữ lại ghế, điển hình là báo cáo Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về thay đổi nhân sự tại nhà băng này.
Bà Tú từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank tới 2 lần. Vào tháng 3/2019, Ngân hàng cũng miễn nhiệm một cựu Chủ tịch HĐQT khác là ông Lê Minh Quốc và bầu bà Tú vào chiếc ghế này. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, ông Quốc đã khởi kiện và Tòa án nhân dân Tp.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (số 92/2019/QĐ-BP KCTT). Theo đơn, ông Quốc cho rằng, việc bầu bà Tú giữ chức HĐQT là trái quy định của Eximbank.
Từ 2019 đến tháng 2/2022, chiếc ghế Chủ tịch Eximbank được chuyển qua lại, từ ông Quốc sang bà Tú, ông Cao Xuân Ninh tới ông Yasuhiro Saitoh (đại diện của cổ đông SMBC). Rồi từ ông Yasuhiro Saitoh quay lại bà Tú. Trong đó có những người chỉ ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank chóng vánh vài ngày, như bà Tú. Hay như ông Yasuhiro Saitoh trong cùng 1 ngày (13/4/2021) vừa nhận được Quyết định bãi nhiệm lại có Quyết định bổ nhiệm ngồi lại vào Chủ tịch HĐQT.
Trong 5 năm qua, Eximbank đã có tới 6 Chủ tịch HĐQT. Và nay là cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông liên quan tới bà Tú – Phương.
Liệu bà Tú có quay lại lần 3 hay bà Phương sẽ vẫn tại vị hay nhân vật mới sẽ xuất hiện?.
Rõ ràng, cuộc chiến, tranh ngôi vị lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này cũng đã dấy lên những làn sóng lo ngại và có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, mức độ tác động như thế nào cần phải chờ thời gian trả lời nhưng khách hàng, các đối tác liên quan rất mong muốn ngân hàng sớm ổn định ở tầng lớp thượng tầng.
Chưa rõ, hồi kết của chiếc “ghế nóng” tại ngân hàng Eximbank như thế nào, tuy nhiên, khi PV liên hệ đến Bộ phận Truyền thông của Eximbank cũng nhận được thông tin là họ đang rối và “chưa nhận được thông tin chỉ đạo của HĐQT trong phát ngôn về vụ việc này, nên cũng đang chờ”. PV sẽ cập nhật thông tin về diễn biến của cuộc chiến tranh giành ghế HĐQT tại Eximbank để cập nhật đến bạn đọc.
Trước đó 2 nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Công và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã rút vốn khỏi Eximbank vào thời điểm cuối năm 2022 và đầu 2023. Nguyên nhân quan trọng chính là vấn đề tranh giành quyền lực ở Eximbank và sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này. Việc 2 nhóm cổ đông lớn này rút khỏi Eximbank đã ảnh hưởng rất lớn đến cục diện nhân sự thượng tầng của nhà băng này.