'Cuộc chiến' giành lại màu xanh cho rừng bảo tồn Đakrông

Tình trạng khai thác gỗ trái phép ở Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông (Quảng Trị) diễn ra âm ỉ và dai dẳng nhiều năm, sau đó rộ lên trong các năm 2018 và 2019 khi một dự án thủy điện được triển khai xây dựng ngay vùng lõi khu bảo tồn này. Trước tình hình trên, cùng với thay đổi về quyền độc lập quản lý đơn vị, Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Đakrông đã thực hiện hàng loạt giải pháp mới để… cứu rừng.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, ngày 5/7/2002, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định thành lập BQL Khu BTTN Đakrông trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông sau đó được thành lập trực thuộc BQL khu bảo tồn này. Đến đầu năm 2017, hai đơn vị này được tách ra, Hạt trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, còn BQL trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh. Tuy nhiên, từ tháng 7/2019 trở về trước, Giám đốc BQL kiêm Hạt trưởng, điều hành chung hoạt động của hai đơn vị. Đáng chú ý, tại thời điểm năm 2017, khi được lấy ý kiến về xây dựng thủy điện tư nhân ở vùng lõi khu BTTN này, hai đơn vị kể trên đều chấp thuận.

Khu BTTN Đakrông nằm trên địa bàn thôn Tà Lao, xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Năm 2009, đã từng có công ty tư nhân xin xây dựng thủy điện tại đây, lấy tên là A Chò. Ban đầu, UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận nhưng sau đó nhờ báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sự phản ánh của báo chí, chủ trương này đã kịp thời được đình chỉ.

Cụ thể, một báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị lúc đó cho biết, toàn bộ diện tích khu vực dự kiến triển khai thủy điện A Chò đều nằm trong ranh giới Khu BTTN Đakrông. Trong đó, các hạng mục công trình gồm hồ chứa, đập dâng, kênh dẫn, đường ống áp lực, đường vận hành đều nằm trong ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; khu nhà máy và khu quản lý vận hành nằm trong phân khu phục hồi sinh thái. Tổng diện tích sử dụng cho các hạng mục công trình là 53,3ha.

Lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Song, đến năm 2017, không hiểu lý do gì, ở cùng địa điểm, chỉ khác là dự án được đổi tên thành thủy điện Ta Tó, cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Trị lại chấp thuận (!). Đơn vị được phép thực hiện dự án này là Công ty CP Thành An (địa chỉ thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị) chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng. Hậu quả nhìn thấy bằng mắt thường, ngay sau khi đơn vị trên tiến hành mở đường; san gạt, đổ lấp tạo mặt bằng và xây dựng một số hạng mục công trình, hàng loạt cây rừng ở đây, khu vực xung quanh bị đốn hạ, cưa xẻ trái phép và chặt phá không thương tiếc. Trong đó, điểm gần hạng mục đập dâng của công trình này có tới 2 khoảnh rừng lớn với diện tích hơn 3 hécta bị cưa trắng chỉ trong thời gian ngắn.

Trước việc để mất rừng, Ban Thường vụ Đảng ủy Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị ra quyết định kỷ luật đối với Chi bộ, Bí thư Chi bộ và một số cá nhân ở BQL và Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông. Cụ thể, kỷ luật mức khiển trách đối với Chi bộ BQL đơn vị này vì “thiếu trách nhiệm trong việc ban hành hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng dẫn đến vi phạm”; kỷ luật mức cảnh cáo đối với ông Ngô Kim Thái, Bí thư Chi bộ BQL đơn vị này vì “thiếu kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoặc phân công phụ trách”; kỷ luật mức khiển trách đối với ông Phan Thoàn, đảng viên Chi bộ, Trưởng trạm Kiểm lâm khu vực Hồng Thủy thuộc Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông vì hành vi tương tự.

Tiếp đó, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị ký quyết định thi hành kỷ luật giáng chức đối với ông Ngô Kim Thái, Giám đốc BQL kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông; đồng thời, để chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây, bổ nhiệm ông Trương Quang Trung, Phó Giám đốc BQL Khu BTTN Đakrông đảm nhiệm chức vụ giám đốc đơn vị này.

Từ năm 2020 đến nay, hàng loạt giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả đã được triển khai, đáng kể nhất là việc duy trì và lập mới các chốt bảo vệ rừng trên toàn địa bàn 7 xã thuộc huyện Đakrông, giáp ranh 7 huyện khác thuộc 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Trong 3 năm, đơn vị đã chủ trì, phối hợp triển khai trên 2.500 đợt tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng trên toàn diện tích hơn 43.000 hécta. Kết quả, phát hiện, xử phạt hành chính 183 vụ vi phạm lâm luật, bàn giao cơ quan chức năng xử lý 4 vụ hình sự về các hành vi hủy hoại rừng, khai thác gỗ rừng trái phép. Ngoài ra, lực lượng phát hiện, tháo gỡ gần 11.000 chiếc bẫy động vật rừng; tịch thu hơn 403m3 gỗ rừng các loại, 2 xe ôtô tự chế, 8 máy cưa xích, 2 xe máy độ chế; hủy tại rừng 28 máy tời gỗ, 97 lán trại trái phép và đẩy đuổi 746 đối tượng ra khỏi rừng; vô hiệu hóa 500m đường vận xuất gỗ trái phép.

Theo ông Trương Quang Trung, đối tượng “lâm tặc” hoạt động rất tinh vi nhưng cũng rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Đặc biệt, trong các loại dụng cụ mà loại đối tượng này sử dụng để khai thác gỗ trái phép, cần thiết và hiệu quả nhất là… máy tời. Với địa hình rừng núi hiểm trở, cây rừng sau khi bị cưa hạ trái phép, việc dùng loại máy này mới có thể di chuyển gỗ đến các tập kết theo ý muốn. Vì vậy, “lâm tặc” đầu tư, mua sắm chúng rất quy mô, với 28 chiếc máy tời kể trên có trị giá hơn 1 tỉ đồng. Sau khi lợi dụng các thời điểm đêm khuya, mưa lũ để đưa vào rừng, “lâm tặc” cất giấu chúng rất kỹ, thường trong các vách đá ở những cánh rừng già vùng lõi của khu bảo tồn. Vì thế, để tìm kiếm, phát hiện ra những chiếc máy tời này, lực lượng phải tổ chức đi nhiều chuyến trong năm, với mỗi chuyến liên tục từ 7 đến 10 ngày. Bên cạnh đường đi thường trực sự khó khăn, nguy hiểm, việc ăn, ngủ giữa rừng luôn phải đề phòng các loại côn trùng và rắn tấn công, lực lượng còn phải đối mặt với “lâm tặc” lúc ẩn, lúc hiện với nhiều thủ đoạn khó lường. Vượt qua những khó khăn, nguy hiểm, lực lượng quyết tâm tìm kiếm, phá hủy đến chiếc máy tời cuối cùng.

“Đó là vào mùa mưa lũ đầu tháng 10 năm ngoái, chúng tôi trong đợt tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng 10 ngày, đã quyết tâm kiên trì tìm kiếm, phát hiện ra được chiếc máy tời cuối cùng đó được “lâm tặc” cất giấu rất kỹ. Chúng tôi đã sử dụng các khúc cây làm đòn gánh, thay nhau gánh nó ra tới khu vực bìa rừng thuận tiện cho việc phá hủy”, ông Trung kể lại.

Hàng năm, các đơn vị BQL, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông đều phối hợp UBND các xã vùng đệm rà soát, tuyển chọn lao động tham gia vào lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng. Theo đó, ký hợp đồng với các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán khoảng 31.000 hécta/năm. Qua đó, không chỉ công tác bảo vệ rừng được tăng cường mà còn người dân ở 7 xã vùng đệm có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế và từng bước nhận thức được tầm quan trọng của rừng.

Nói thêm về công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, lãnh đạo BQL Khu BTTN Đakrông ví đây như một cuộc chiến không xác định được hồi kết, đặc biệt đối với vùng lõi khu bảo tồn nơi có công trình thủy điện La Tó. “Khu vực thủy điện này nằm ở trung tâm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, là vùng có giá trị đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và thế giới như sao la, gấu ngựa, voọc, gà lôi lam mào trắng, gụ lau, kim giao, lan kim tuyến... Bên cạnh đó, khu vực này còn là rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đakrông với nhiều loại cây to nên “lâm tặc” thường để ý, xâm hại”, lãnh đạo BQL Khu BTTN Đakrông chia sẻ.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/cuoc-chien-gianh-lai-mau-xanh-cho-rung-bao-ton-dakrong-i714962/