Cuộc chiến giàu-nghèo trên mạng xã hội trong dịch COVID-19
Việc người nổi tiếng đăng ảnh cách ly xa hoa lên mạng đang thổi bùng căng thẳng giữa người giàu và người nghèo trong đại dịch COVID-19.
Theo tờ Vox (Mỹ), trong những tuần gần đây, Anatasia Army 33 tuổi ở Brooklyn (Mỹ) thường xuyên theo dõi tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng khi nhàn rỗi ở nhà. Cô thấy tỷ phú David Geffen bày tỏ hy vọng mọi người an toàn khi đăng một bức ảnh trên Instagram từ du thuyền 590 triệu USD.
Khi mà nhân viên y tế khắp nước Mỹ buộc phải dùng kính trượt tuyết làm vật che mắt, còn người Mỹ phải tự làm khẩu trang từ áo phông cũ thì những người mẫu Bella Hadid và Naomi Campbell lại đăng lên mạng ảnh mặc bộ đồ bảo hộ mà người bình thường gần như không bao giờ có đủ tiền mua nổi.
Khi người giàu có phô trương tài sản, họ thường bị phản ứng dữ dội, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Mạng xã hội đã trở thành chất xúc tác cho cơn giận dữ khi sự đối lập giữa giàu và nghèo được phô bày lên đó.
Một số người như Kris Jenner, “nữ chúa” nhà Kardashian, đã xét nghiệm xem có mắc COVID-19 không dù không có triệu chứng gì. Trong khi đó, ở nhiều nơi tại Los Angeles, các quan chức từ chối xét nghiệm cho những người đã có người thân chết vì COVID-19.
Khi nữ diễn viên Gwyneth Paltrow đăng ảnh selfie chụp mình đeo một thiết bị còn phức tạp hơn khẩu trang N95 hay nữ diễn viên Kate Hudson chụp ảnh đeo khẩu trang y tế, nhiều người bình luận tỏ ra tức giận vào bảo họ tốt hơn hết là tặng khẩu trang thừa cho y tá.
Sự chia rẽ giàu-nghèo còn rõ hơn khi trong những tuần gần đây, người giàu có bắt đầu đổ tới những khu vực nông thôn và địa điểm nghỉ dưỡng – nơi chỉ có số giường bệnh chăm sóc đặc biệt ở mức tối thiểu.
Nhiều người lên mạng khoe những bộ đồ chơi điện tử mới nhất hay chỉ đơn giản là khoe xem phim trên Netflix hay ăn tiệc tối qua ứng dụng Zoom. Những phương tiện giải trí như vậy là ngoài tầm với của 42,8 triệu người Mỹ không có internet tốc độ cao.
Những bất bình đẳng kể trên đã tồn tại hàng chục năm nay, nhưng COVID-19 đã khắc sâu thêm tình trạng đó khi mà hàng triệu người Mỹ gặp khó khăn về kinh tế, xã hội trong đại dịch. Mọi người không còn hài lòng và đang yêu cầu có phản ứng tập thể với khủng hoảng hiện nay.
Theo bà Amber Wutich, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Bang Arizona, cuộc chiến tầng lớp trên mạng xã hội có thể là thứ báo hiệu về một thay đổi nghiêm túc hơn trong cách chúng ta nhìn người nổi tiếng.
Mặc dù bệnh tật thường được coi là không phân biệt giàu nghèo nhưng theo Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Nam Carolina, bệnh tật không phải là thứ công bằng. Với các đại dịch trước kia và cả COVID-19 bây giờ, tỷ lệ lây nhiễm và số ca tử vong khác nhau theo tầng lớp xã hội và chủng tộc.
Người giàu vẫn có thể mắc bệnh nhưng họ có thể có nhiều lựa chọn để tránh bị nhiễm bệnh mà người bình thường không thể. Ví dụ, người giàu có phương tiện và tiền bạc để chạy khỏi khu vực nhiễm bệnh và tránh dịch thành công.
Nhiều người nổi tiếng đã xây dựng sự nghiệp và có cộng đồng nhiều người hâm mộ. Chính người hâm mộ là người góp phần làm nên sự giàu có của họ thông qua nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, có những người nổi tiếng đã phá vỡ hình ảnh khi vi phạm lệnh phong tỏa hay quy định phòng chống dịch. Ariella Charnas, người có 1,3 triệu người theo dõi trên Instagram, đã tìm cách lấy một bộ xét nghiệm COVID-19 cho mình. Khi có kết quả dương tính, người này đã không ở nhà để cách ly mà cùng gia đình tới Hamptons, nơi nghỉ hè của người giàu New York, mang theo virus tới cho cộng đồng này. Dư luận đã rất giận dữ.
Theo Giáo sư Wutich, phản ứng với những nhân vật công chúng như Charnas có thể có tác dụng. Thế hệ trẻ biết rằng dù họ có quyền lực xã hội tương đối thấp nhưng họ có thể dùng hành động tập thể thông qua mạng xã hội để đẩy lùi những thứ mà họ cho là không thể chấp nhận được.
Khi bị chỉ trích, đặc biệt là vì mang theo cả người phục vụ tới Hamptons và có thể lây nhiễm cho người này, Charnas đã phải xin lỗi trong nước mắt và cầu xin tha thứ trong một video đăng trên mạng.
Tỷ phú David Geffen đã phải xóa tài khoản Instagram sau khi hứng quá nhiều chỉ trích vì khoe cách ly trên du thuyền.
Bà Lisa Nakamura, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật số tại Đại học Michigan, nói rằng tình trạng bấp bênh kinh tế không phải là thứ làm sôi sục chiến tranh tầng lớp trên mạng. Người nổi tiếng khoe giàu có trên mạng thường không khiến mọi người giận dữ vì họ coi đó là nội dung truyền cảm hứng, hy vọng mình có thể may mắn và giàu như vậy. Nhưng đại dịch COVID-19 cho thấy điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, đặc biệt là khi người giàu có thể chọn sống ở bất kỳ nơi nào họ muốn mà không buộc phải chôn chân một chỗ như đa số trong đại dịch.