'Cuộc chiến' giữa HAGL và VPF: Pháp lý và… dĩ hòa vi quý

Nếu có vụ kiện, Tòa án sẽ vận dụng tất cả cơ sở pháp lý của pháp luật hợp đồng, pháp luật cạnh tranh... để đưa ra phán quyết; nhưng HAGL đã lùi một bước, VPF cũng đã nhượng bộ đủ để các bên bắt tay nhau cùng làm bóng đá chuyên nghiệp.

“Cuộc chiến” giữa HAGL và VPF lẽ ra đã không xảy ra đến mức các bên suýt không nhìn mặt nhau nếu như có sự cẩn trọng, tìm hiểu và tôn trọng những lợi ích cơ bản của nhau ngay từ lúc đầu. Nhược điểm dễ nhận thấy nhất ở đây chính là sự đại khái, có phần qua loa của các bên trong việc tìm hiểu các thông tin về lợi ích cơ bản của nhau.

Ngày 2-2-2023, trước giờ khai mạc V-League 2023 đúng một ngày, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có văn bản trả lời CLB HAGL về việc khai thác ngành hàng tại giải đấu danh giá nhất của bóng đá Việt Nam. Cụ thể, sau khi làm việc cùng nhà tài trợ chính của giải đấu - nhãn hàng nước tăng lực Night Wolf, VPF đã có sự nhượng bộ đáng ghi nhận khi đồng ý để HAGL bỏ chữ nước tăng lực bằng tiếng Anh và tiếng Việt khỏi các vị trí trên trang phục thi đấu và tập luyện...

Trước đó, Công văn 31/CV-HAGL mà HAGL gửi đến VPF vào đêm 1-2 cũng đã thể hiện được sự nhượng bộ cần thiết, để cùng nhìn về một hướng trên cơ sở vì lợi ích của nhau và vì sự phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Thầy trò Kiatisak vẫn có quyền ra sân với trang phục của nhà tài trợ kèm theo một số hạn chế. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Thầy trò Kiatisak vẫn có quyền ra sân với trang phục của nhà tài trợ kèm theo một số hạn chế. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Tuy vậy, trả lời báo chí, bầu Đức vẫn nói HAGL sẽ khởi kiện VPF ra tòa để tòa phân xử đúng, sai. Tất nhiên, để giải quyết tranh chấp này, con đường tư pháp thông qua tòa án hoàn toàn có thể được kích hoạt. Lúc đó, các vi phạm liên quan đến hợp đồng tài trợ, điều lệ khai thác thương hiệu độc quyền sẽ được mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau.

Tòa án với vai trò cơ quan tư pháp sẽ vận dụng tất cả cơ sở pháp lý của pháp luật hợp đồng, pháp luật cạnh tranh, thậm chí là tập quán, án lệ, lẽ công bằng để đưa ra phán quyết. Với các nguồn pháp luật đa dạng này, chắc chắn sẽ có bên thắng và bên thua. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng bên thắng hay bên thua đều sẽ mất những điều lẽ ra mình không đáng bị mất.

Cái mất trước mắt dễ dàng nhìn thấy đó là V-League 2023 sẽ không có những trận cầu nảy lửa khi không có sự góp mặt của HAGL. Cho dù hiện tại HAGL không còn là ứng viên nặng ký cho chức vô địch thì họ vẫn cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu đầy chất lượng. Thậm chí, cách họ thi đấu để trụ hạng, để về đích cũng làm khán giả phải trầm trồ.

Bên cạnh đó, cái mất xa hơn đó chính là sự chuyên nghiệp của một nền bóng đá đang từng bước khẳng định ngôi vương tại khu vực Đông Nam Á. Giới mộ điệu túc cầu sẽ chẳng thể tin tưởng về một nền bóng đá chuyên nghiệp khi ngay trước giải đấu, một CLB với hàng loạt ngôi sao rời bỏ giải vì những lý do không liên quan đến chuyên môn. May mắn thay, một ngày trước lễ khai mạc, “ngòi nổ” đã được tháo bởi sự tỉnh táo và nhượng bộ giữa các bên.

Có thể thấy trong sự việc này, động thái của các bên đều thấp thoáng yếu tố đại khái, qua loa. Cụ thể, về phía HAGL, tại thời điểm VPF tổ chức hội thảo công tác chuẩn bị tổ chức và tiến hành bốc thăm, xếp lịch thi đấu giải bóng đá vô địch quốc gia Night Wolf 2023 (ngày 26-12-2022), HAGL không tham dự và cũng không có ý kiến chống lại sự độc quyền của nhà tài trợ. Tại thời điểm này, họ chưa bị ảnh hưởng tới quyền lợi nên qua loa trong việc đưa ra ý kiến.

Về phía VPF, khi tổ chức hội thảo và sau này sử dụng những luận chứng khoa học của hội thảo để làm chất liệu cho việc ban hành Điều lệ V-League 2023, họ cũng không quan tâm đến các nhà tài trợ hiện hữu của các CLB khác. Cũng có thể họ cho rằng nhà tài trợ của HAGL là Carabao có nhiều chủng loại sản phẩm chứ không riêng gì nước tăng lực nên cũng không đáng quan tâm. Chính vì không đáng quan tâm nên cuộc chiến pháp lý suýt xảy ra. Rất may, như đã nói, các bên đã cùng đối thoại để tránh sự đối đầu nảy lửa. Để tìm được tiếng nói chung này, chắc chắn các bên đều phải cầu thị, nhượng bộ, có sự hy sinh nhất định chứ không thể tối đa lợi ích chỉ vì lập luận “lý lẽ thuộc về tôi”.

Trong cuộc sống, người có lý lẽ thì thường giành chiến thắng. Nhưng hãy suy nghĩ xa hơn, giành chiến thắng thì sẽ được gì và sẽ mất gì? V-League 2023 đã khởi tranh, HAGL đã có những điểm số đầu tiên trên hành trình tranh ngôi vô địch. Những điểm số đầu tiên này có thể không có nếu như giữa HAGL và VPF không có sự dĩ hòa trước đó. HAGL đã lùi một bước, VPF cũng đã nhượng bộ đủ để các bên bắt tay nhau cùng làm bóng đá chuyên nghiệp.

VPF với số tiền từ bản hợp đồng độc quyền không có bất cứ mất mát gì. HAGL có nhà tài trợ riêng và tham gia đường đua chức vô địch. Đây đều là những thành công nếu nhìn dưới góc độ nghệ thuật đàm phán win - win (đôi bên cùng thắng). Có thể trong tương lai, với sự cẩn trọng, thấu hiểu nhau, điều lệ duy trì sự độc quyền của nhà tài trợ cũng có thể được sửa đổi, bởi sự độc quyền thường không mang lại những giá trị lớn hơn so với tự do cạnh tranh.

Thực tế trên thế giới, rất nhiều giải đấu không cho phép độc quyền nhãn hàng tài trợ giải đấu với nhãn hàng tài trợ cho CLB. Đơn cử, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) được tài trợ bởi nhãn hàng tiền ảo Coinbase nhưng họ không cấm CLB Los Angeles Lakers có nhà tài trợ cùng lĩnh vực là hãng tiền ảo cryto.com. Trong bóng đá, giải Ngoại hạng Anh cũng không cấm việc Ngân hàng Standard Chartered tài trợ cho CLB Liverpool, dù giải đấu này đang được tài trợ bởi một ngân hàng khác là Barclays.

Tất nhiên, muốn làm được điều này thì các bên phải thấu hiểu, nhượng bộ và tìm được tiếng nói chung, tức cũng phải sử dụng đến nghệ thuật đàm phán mà các bên đều có được những phần thắng nhất định.

TS CAO VŨ MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuoc-chien-giua-hagl-va-vpf-phap-ly-va-di-hoa-vi-quy-post718636.html