Cuộc chiến giữa Nga – Ukraine bao giờ thì kết thúc?

Khi mùa đông năm thứ ba của cuộc xung đột đang đến cùng những khó khăn thấy rõ trên chiến trường, sự lựa chọn dành cho hai nhà lãnh đạo cũng không còn nhiều.

Tình thế khó khăn của Ukraine

Cuộc chiến Ukraine - Nga đã kéo dài hơn dự kiến và mang đến nhiều thách thức to lớn cho chính quyền của cả hai bên.

Trên mặt trận quân sự, Ukraine phải đối đầu với lực lượng quân đội Nga hùng mạnh hơn. Nga hiện đang kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ ở phía Đông và Nam Ukraine trong khi vẫn tiếp tục mở rộng vùng kiểm soát. Cuộc đột kích của Ukraine ở vùng Kursk từ tháng 8/2024 đạt được một số tiến bộ nhưng không đủ để đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi Ukraine. Hiện quân đội Nga đang phản công và liên tục tiêu diệt các nhóm quân Ukraine tại đây.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Zelensky với Thủ tướng Đức Olaf Scholz đem đến những tín hiệu thay đổi mới.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Zelensky với Thủ tướng Đức Olaf Scholz đem đến những tín hiệu thay đổi mới.

Nền kinh tế Ukraine cũng suy yếu nghiêm trọng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. GDP của nước này sụt giảm mạnh, cơ sở hạ tầng bị phá hủy trên diện rộng, hàng triệu người dân phải sơ tán. Khả năng phục hồi nền kinh tế bị đặt ra nhiều câu hỏi khi đất nước tiếp tục gánh chịu thiệt hại lớn. Ngay tại thời điểm này, lạm phát gia tăng và thị trường lao động bị thu hẹp đã khiến đời sống của người dân Ukraine trở nên vô cùng khó khăn. Thực tế sau 2 năm xung đột cho thấy rõ ràng, Ukraine không đủ khả năng tự chi trả cho cuộc chiến của mình. Tổng thống Zelensky cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực nội bộ khi các vấn đề về tham nhũng, quản lý khủng hoảng kém làm suy giảm sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền của ông.

Ukraine hiện phụ thuộc rất lớn vào viện trợ quân sự và kinh tế từ các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, nguồn viện trợ này không phải lúc nào cũng kịp thời và đầy đủ. Việc thiếu sự đồng thuận giữa các quốc gia NATO về mức độ can thiệp ảnh hưởng lớn đến khả năng Ukraine tiếp tục nhận được viện trợ trong thời gian tới. Chính vì thế, cuộc gặp với các đồng minh NATO đã được lên kế hoạch tại căn cứ Ramstein, Đức hôm 12/10 được kỳ vọng sẽ giúp ông Zelensky cứu vãn tình hình.

Vấn đề Ukraine trở thành gánh nặng với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Vấn đề Ukraine trở thành gánh nặng với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đồng minh đắn đo

Nhưng, chỉ đúng 4 ngày trước cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo sẽ không đến Đức để gặp ông Zelensky như kế hoạch. Văn phòng Tổng thống Mỹ giải thích cho sự vắng mặt là vì nước Mỹ đang chịu những đợt thiên tai lớn nên ông Biden phải ở lại để giải quyết vấn đề trong nước. Cuộc gặp với ông Zelensky tại căn cứ Ramstein nằm trong chương trình chung bị hủy bỏ bao gồm chuyến thăm tới Đức và Angola trong dịp này.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ ngoại giao Mỹ đã thông báo ông Biden sẽ vẫn thực hiện chuyến thăm tới Đức vào một ngày gần nhất, bởi chuyến thăm này nằm trong kế hoạch công du nước ngoài cuối cùng của ông Biden trước khi rời nhiệm sở cuối năm nay. Tuy nhiên, cuộc họp NATO ở Ramstein thì chưa được thu xếp lại. Dường như ông Biden đang muốn “tránh mặt” ông Zelensky.

Cũng không phải vô lý mà ông Biden có ý “tránh mặt” ông Zelensky ở thời điểm này. Chính quyền hiện tại ở Washington đang rơi vào tình trạng khó khăn chính trị nội bộ. Quốc hội Mỹ chưa thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine nên ông Biden cũng không có được “món quà” cụ thể nào để gửi tới ông Zelensky như mong muốn. Những lời chỉ trích ông Biden vì bạo tay hỗ trợ Ukraine trong khi chậm trễ cứu trợ người dân của mình đang khó khăn vì thiên tai lại ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây.

Không còn sự bảo đảm về nguồn viện trợ quân sự và tài chính từ Mỹ, Kiev buộc phải tìm cách thuyết phục các đối tác châu Âu tiếp tục ủng hộ. Vì thế, ông Zelensky đã lập tức tiến hành chuyến thăm gấp gáp tới nhiều nước châu Âu trong hai ngày 10 và 11/10 vừa qua. Đây là nỗ lực của ông Zelensky để tìm kiếm thêm sự ủng hộ khi mùa đông đang tới với những khó khăn chồng chất cho quân đội và cả đất nước của mình.

Diễn biến trên chiến trường quyết định sự thay đổi của các nhà tài trợ.

Diễn biến trên chiến trường quyết định sự thay đổi của các nhà tài trợ.

Nỗ lực

Có hai vấn đề quan trọng được ông Zelensky nhắc tới trong chuyến thăm châu Âu chớp nhoáng vừa qua. Đó là viện trợ và xóa bỏ những hành chế trong việc sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đều không được như ý của người đứng đầu đất nước Ukraine.

Trong hai ngày, ông Zelensky đã thực hiện một hành trình gấp gáp từ London tới Paris rồi Rome và cuối cùng là ở Berlin để lần lượt gặp các nhà lãnh đạo của các nước chủ nhà cũng như tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Trước vấn đề “có được sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga hay không”, các nhà lãnh đạo phương Tây đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Trong khi ông Rutte cho biết đã thảo luận vấn đề này nhưng cuối cùng quyết định thuộc về từng đồng minh thì người phát ngôn của Thủ tướng Anh khẳng định lập trường của nước này: “Phản đối việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow (được Anh tài trợ) tấn công vào các vùng lãnh thổ thuộc Nga”. Câu trả lời tương tự cũng được đưa ra tại Pháp, Italy và Đức.

Những hội nghị Ramstein trong quá khứ thường mang đến các gói tài trợ mới cho Ukraine.

Những hội nghị Ramstein trong quá khứ thường mang đến các gói tài trợ mới cho Ukraine.

Trong khi đó, với “thắc mắc của Kiev” về những khoản viện trợ tiếp theo, cho đến lúc này mới chỉ có duy nhất Đức thông báo về khoản ngân sách khoảng 4 tỷ euro bổ sung vũ khí cho quân đội Ukraine trong năm 2025. Con số này không hề nhỏ nhưng hoàn toàn chưa thấm vào đâu so với khoản chi tiêu quốc phòng ước tính 30 tỷ euro trong nửa đầu năm 2024 của Ukraine cho cuộc chiến.

Những câu trả lời mơ hồ như của Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni rằng: “Ukraine không đơn độc và chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhau khi cần” quả thực không đem lại nhiều giá trị thực tế vào lúc này. Ngay cả Pháp, nơi Thủ tướng Macron từng kêu gọi đồng mình “đưa quân trực tiếp vào Ukraine” cũng mới chỉ thông báo sẽ hoàn thành khoản viện trợ 3,5 tỷ euro trong năm nay như đã hứa chứ chưa cung cấp thêm gói hỗ trợ mới nào. Tất cả những con số này so với khoản hỗ trợ lên tới 75 tỷ USD trong 2 năm qua mà Mỹ trao cho Kiev thực sự chỉ như “muối bỏ biển”.

Lật ngược lại vấn đề “Hội nghị Ramstein”, nơi các nhà tài trợ cho Ukraine gặp gỡ thường xuyên trong suốt 2 năm qua, các chuyên gia theo dõi sự kiện cho rằng: những cơn bão quét qua Đông Nam nước Mỹ trở thành lý do không thể phù hợp hơn để Tổng thống Biden hủy chuyến công du tới Đức và bỏ cuộc gặp Ramstein thời điểm này. Bởi, thực tế, nếu muốn thì sẽ không có cơn bão nào có thể ngăn cản ông Biden bay đến, ít nhất trong 1 ngày, hoặc hội đàm trực tuyến với các đồng minh của mình. Trong khi đó, các đồng minh phương Tây khác dường như cũng chỉ “chờ ông Biden vắng mặt” để hủy luôn cuộc gặp. Thông điệp ở đây đã rõ: những nhà tài trợ muốn ông Zelensky điều chỉnh kế hoạch của mình.

Tìm giải pháp

Khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đã thảo luận với ông Zelensky về “sự cần thiết của việc tổ chức một hội nghị hòa bình có sự tham gia của Nga” sau cuộc gặp hôm 11/10 tại Berlin thì đó là một tín hiệu đổi thay rõ ràng.

Thực tế phải thừa nhận, sự hỗ trợ khổng lồ mà phương Tây dành cho Ukraine đã đến điểm giới hạn. Với hàng trăm tỷ euro được cung cấp trong hơn 2 năm qua, chưa có một quốc gia nào được hậu thuẫn mạnh mẽ như Ukraine kể từ sau Thế chiến 2. Nhưng, giờ đây các quốc gia châu Âu, cũng như Mỹ, đang đối diện với các vấn đề nội bộ, khiến việc duy trì viện trợ ở mức cao cho Ukraine không còn phù hợp nữa. Còn quân đội Ukraine, sau thời gian dài chiến đấu quyết liệt và liên tục được bổ sung những vũ khí tiên tiến nhất vẫn chưa giành lại được những vùng lãnh thổ quan trọng từ tay Nga. Triển vọng về một chiến thắng quân sự toàn diện ngày càng trở nên mờ nhạt khiến các “nhà tài trợ” phải xem lại kế hoạch của mình.

Kết thúc chiến tranh là mong muốn của người dân hai nước và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Kết thúc chiến tranh là mong muốn của người dân hai nước và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trước áp lực từ cả trong nước và quốc tế, đã đến lúc ông Zelensky phải tính toán đến khả năng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Các cuộc đàm phán hòa bình trước đây giữa Ukraine và Nga đều thất bại, chủ yếu do Ukraine khẳng định không từ bỏ lãnh thổ và Nga không chấp nhận điều kiện của Kiev.

Việc ông Zelensky thảo luận về khả năng đối thoại với nhà lãnh đạo nước Đức có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang dần nhìn nhận thực tế rằng một chiến thắng hoàn toàn trên chiến trường là không khả thi.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cuoc-chien-giua-nga--ukraine-bao-gio-thi-ket-thuc--i747338/