Cuộc chiến giữa Taylor Swift với hãng đĩa cũ: Ai chiến thắng?

Về mặt pháp lý, Taylor Swift rõ ràng đang yếu thế thế nhưng tại sao nữ ca sĩ này lại khơi màu cho một cuộc đấu khẩu um xùm đến như vậy?

Sau vụ lùm xùm hồi tháng 7, Taylor Swift đã tiếp tục đăng tải một tâm thư lên mạng xã hội tố cáo Big Machine Records (BMR) tìm cách cấm cô trình diễn những ca khúc cũ (thuộc 6 album đầu) tại lễ trao giải American Music Awards 2019 – nơi cô được trao danh hiệu “Nghệ sĩ của thập niên” – và sử dụng chúng trong phim tài liệu về cuộc đời mình do Netflix sản xuất. Điều kiện BMR đưa ra là Taylor phải từ bỏ ý định thu âm lại những ca khúc cũ vốn đang là tài sản của hãng này và ngưng nói về Scooter Braun – ông chủ mới của BMR - trước công chúng.

Về phía mình, BMR phủ nhận mọi cáo buộc của Taylor. Làng giải trí và khán giả lần nữa chia thành 2 phe – một bên phản đối BMR và bên còn lại cho rằng Taylor là kẻ nói dối.

Cuộc đấu khẩu giữa Taylor và BMR không chỉ khuấy động ngành công nghiệp thu âm mà còn giúp khán giả đại chúng trở nên quen thuộc hơn với khái niệm “thu âm lại những ca khúc cũ vì lý do bản quyền”. Theo Variety, đây là một hành động thông minh của nữ ca sĩ sinh năm 1989 bởi nó đã giúp đơn giản hóa một vấn đề pháp lý rất phức tạp thành một vấn đề đơn giản: quyền sở hữu và kiểm soát âm nhạc của cô.

Theo luật hiện hành, các ca sĩ nói chung được tự do biểu diễn những ca khúc của mình do nó không ảnh hưởng gì đến các bản ghi âm gốc. Thế nhưng trường hợp lễ trao giải AMA thì hơi khác do nó không chỉ được truyền hình trực tiếp mà sẽ còn được phát sóng lại hoặc xuất hiện trên các kênh streaming như Netflix. "Biểu diễn trực tiếp trên sóng truyền hình khác với biểu diễn đơn thuần," luật sư ngành giải trí Barry Heyman nói. "Theo luật bản quyền, nếu phát lại hoặc cấp phép cho bên thứ ba, màn trình diễn đó cũng được coi như là một bản ghi âm hợp pháp”.

Scooter Braun và Ariana Grande

Scooter Braun và Ariana Grande

Theo Taylor, cô không được phép thu âm lại các ca khúc cũ cho đến hết năm nay. Nói theo cách khác, về mặt pháp lý thì Taylor nằm ở bên yếu thế. Cô hiểu rõ điều này hơn ai hết bởi vì Don Passman - luật sư đại diện của cô – chính là tác giả của cuốn sách được đánh giá cao Tất cả những gì bạn cần biết về kinh doanh âm nhạc và trong đó có một chương viết rất rõ về vấn đề thu âm lại.

Tuy nhiên, ngoài tính hợp pháp, Taylor đã thành công khi khắc họa mình là một nghệ sĩ bị phản bội bởi Scott Borchetta – CEO của BMR, một người cố vấn được tin cậy và đã chăm lo cho sự nghiệp của cô trong nhiều năm - bằng cách bán những đứa con tinh thần của Taylor cho một người mà cô cáo buộc là từng bắt nạt mình. Chính vì thế, nhiều chuyên gia tin rằng mục tiêu thật sự mà Taylor muốn nhắm đến là Scott Borchetta chứ không phải Scooter Braun – một người chỉ đơn thuần sử dụng sức mạnh tài chính để thu mua BMR theo hướng có lợi nhất. Trên thực tế, nhiều nhân chứng cho biết Scooter Braun từng không ít lần đề cao Taylor và nói rằng: "Tôi hầu như chẳng quen biết cô gái ấy”.

Taylor Swift và Scott Borchetta

Taylor Swift và Scott Borchetta

Taylor là một nhân vật có sức ảnh hưởng đáng gờm. Bằng chứng là cô đã huy động lượng người hâm mộ đông đảo của mình tấn công BMR vào ngày hôm qua và đẩy các nhân viên hãng đĩa này vào nguy hiểm. Taylor đã xây dựng cho mình hình tượng một nhà vô địch cho các nghệ sĩ bị các hãng đĩa lợi dụng bằng hợp đồng hà khắc trong nhiều thập niên qua. Mức độ quyền lực của Taylor từng được thể hiện rõ vào năm 2015 khi cô công khai ép Apple phải trả tiền bản quyền cho các ca khúc trên Apple Music và thực hiện điều đó chỉ trong 24 giờ.

Cuộc tranh luận không có hồi kết bởi Scott Borchetta và Scooter Braun đều khẳng định Taylor từng có cơ hội mua lại âm nhạc của mình từ Big Machine nhưng cô đã từ chối các điều khoản được đưa ra và Braun chỉ đơn giản là thắng cuộc đàm phán, công bằng và hợp pháp. Taylor sau đó đã đi chi tiết vào các điều khoản thỏa thuận mà cô cho là không công bằng: Họ sẽ trao cho Taylor quyền sở hữu một album cũ cho mỗi album mới mà cô sản xuất trong tương lai. Có điều, Scott Borchetta và Scooter Braun phủ nhận hoàn toàn tuyên bố của Taylor cho nên tình huống trở thành “Cô ta nói – Họ nói” và chẳng ai biết đâu mới là sự thật.

Mặc dù vậy, trên truyền thông, Taylor dường như đang chiến thắng. Nếu áp lực mà cô cùng với người hâm mộ và bạn bè tạo ra đủ lớn để biến thành hiểm họa cho BMR thì rất có thể hãng đĩa này sẽ “cho Taylor thứ cô ấy muốn”. Tất nhiên, đó không phải là quyền sở hữu toàn bộ 6 album cũ mà chỉ đủ để Taylor thoải mái với những dự án sắp tới.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ sáu 15.11, Liên minh các nghệ sĩ âm nhạc (Music Artists Coalition) cho biết nhóm này ủng hộ các nghệ sĩ sở hữu âm nhạc họ tạo ra: “Taylor nên được phép biểu diễn các bài hát của mình ở bất kỳ nơi nào cô ấy muốn cũng như được phép sử dụng chúng để kể câu chuyện của cô ấy thông qua bộ phim tài liệu. Chúng tôi hoan nghênh Taylor đã nhắc nhở tất cả các nghệ sĩ nhận thức được quyền lợi chính đáng của họ và tự mình đứng lên”.

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/cuoc-chien-giua-taylor-swift-voi-hang-dia-cu-ai-chien-thang-125766.html