Cuộc chiến giữa ứng dụng truyện tranh bản quyền và các kênh đăng lậu

Thời gian qua, các ứng dụng đọc truyện tranh bản quyền dần phát triển tại Việt Nam. Một trong những khó khăn của các app này là cuộc cạnh tranh với các kênh đăng lậu.

Khi hỏi giám đốc một công ty kinh doanh sách điện tử (trong đó có app đọc truyện tranh) về gu đọc của độc giả Việt Nam, ông đã thốt lên “câu này nên hỏi các kênh đăng truyện lậu”. Lý giải cho nhận định này, vị giám đốc cho biết các kênh đăng truyện lậu có tệp độc giả lớn, lượng truy cập cao hơn hẳn, số lượng lớn như vậy mới phản ánh được gu đọc của mặt bằng chung độc giả.

Hiện tượng này đặt ra câu hỏi về tương lai của các app truyện tranh bản quyền ở Việt Nam. Liệu các đơn vị phải làm thế nào để cạnh tranh được với các kênh truyện không bản quyền? Phải làm thế nào để tiếp cận được độc giả?

Rủi ro khi mua bản quyền

Trả lời phỏng vấn của Zing, ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Waka, nhận định tình hình kinh doanh app truyện tranh bản quyền hiện nay ở Việt Nam có gặp khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là mức giá bản quyền.

Anh cho biết giá bản quyền (không chỉ truyện tranh) sau đợt dịch tăng lên 5-7 lần, có những khi còn lên tới 10 lần. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh truyện tranh mua bản quyền. Theo ông Hoàng, bản quyền truyện tranh đắt hơn bản quyền sách nói và sách chữ điện tử nhiều.

Bản quyền đắt là vậy, có những truyện nhiều khi vừa được các đơn vị mua và dịch xong đã bị chụp lậu rồi đăng tải lên.

 “Dân manga mua bản quyền thì mừng, webtoon thì bất bình”. Ảnh: Instantmiso/Webtoon

“Dân manga mua bản quyền thì mừng, webtoon thì bất bình”. Ảnh: Instantmiso/Webtoon

Ngoài ra, việc mua bản quyền còn tiềm tàng rủi ro về thái độ đón nhận của độc giả. Có những tình huống éo le khiến các đơn vị cũng không biết phải đối phó thế nào.

Từng dịch truyện cho một trang web trên mạng, chị N.T.H. cho biết khi ấy, có những bộ truyện chị đang dịch dở thì có đơn vị mua bản quyền, dẫn đến các chương đã đăng đồng loạt bị gỡ xuống.

Trước tình trạng này, cộng đồng mạng đã có phản ứng gay gắt, đổ lỗi cho đơn vị mua bản quyền vì khiến họ không đọc tiếp truyện được. “Dân manga mua bản quyền thì mừng muốn khóc, webtoon thì bất bình”, chị nói.

Chị bật mí thêm: “Thật ra thị trường webtoon Hàn rất nhiều, chủ đề tình cảm, kinh dị, đọ sức khá hay, nhưng bản quyền đắt quá, độc giả Việt thì không quen bỏ tiền mua truyện mạng đọc”.

Từ góc độ người làm truyện tranh bản quyền, ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc công ty truyện tranh Comicola, có lần cay đắng: "Tôi còn bị tẩy chay vì bán truyện bản quyền".

Công ty của ông Dương mua bản quyền một bộ truyện của Hàn Quốc. Bộ truyện khi ấy đang được dịch, đăng tải lậu cho cộng đồng đọc. Khi việc "đọc chùa" trên mạng phải dừng lại, các độc giả bộ truyện đã quay sang tẩy chay đơn vị mua bản quyền, gọi đó là hành động "chơi dơ".

Còn với app Manwa của Waka, ông Hoàng cho biết sau một thời gian vận hành app và nắm bắt được gu của độc giả thì rủi ro khi chọn mua bản quyền cũng giảm, các sản phẩm ra mắt dễ được đón nhận hơn".

Phải biết cách định nghĩa ra mức chất lượng mới, trải nghiệm mới

Ông Nguyễn Khánh Dương luôn khẳng định ứng dụng đọc truyện tranh là tương lai. Tuy nhiên, ông cũng nhận thức rõ độ “non trẻ” của thị trường truyện tranh trực tuyến ở nước ta.

Ông Dương chia sẻ: “Thói quen đọc truyện online và trả tiền bản quyền của độc giả chưa được phát triển, cần thời gian để hình thành thói quen nơi người đọc.

 Địa ngục môn - truyện tranh Việt đạt giải Bạc cuộc thi Truyện tranh Quốc tế tại Nhật - cũng bị đưa lên mạng cho đọc miễn phí mà không được sự đồng ý của tác giả.

Địa ngục môn - truyện tranh Việt đạt giải Bạc cuộc thi Truyện tranh Quốc tế tại Nhật - cũng bị đưa lên mạng cho đọc miễn phí mà không được sự đồng ý của tác giả.

Ông Đinh Quang Hoàng cho biết tới nay, ngoài vấn đề thương thảo giá bản quyền với đối tác nước ngoài là gặp chút khó khăn, thì app Manwa vẫn đang vận hành đúng với kế hoạch công ty đề ra.

Giám đốc Waka nghĩ rất khó để thay đổi cách đọc của độc giả trong một sớm một chiều; nhưng điều ấy không hẳn là bất khả.

Ông cho rằng bản thân các đơn vị kinh doanh truyện có bản quyền trong điều kiện hiện tại phải xác định sống chung với các kênh truyện lậu. Đồng thời, chúng ta cũng nên hiểu là 2 bên có mô hình kinh doanh rất khác nhau.

Các trang truyện lậu không thu phí sẽ kinh doanh bằng hình thức quảng cáo, trong khi các ứng dụng có bản quyền thì cố để giảm chi phí sản xuất, cung cấp dịch vụ cho người dùng với mức giá phải chăng.

Hoạt động kinh doanh truyện tranh bản quyền khó có thể trở nên tuyệt đối. Ngay cả ở các nước phát triển như Trung Quốc với Mỹ thì vẫn luôn có các trang web, các app truyện lậu.

Nếu muốn cạnh tranh, muốn người dùng đầu tư cho các ứng dụng bản quyền, các đơn vị phải dùng yếu tố công nghệ để cạnh tranh. Như trong lĩnh vực phim ảnh, các dịch vụ có bản quyền luôn đưa ra phim với định dạng tốt nhất, nét nhất, các trang phim lậu khó có thể cạnh tranh. Ví dụ, Netflix đã thành công trong việc mang tới trải nghiệm ưu việt cho người xem, khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra để đổi lấy trải nghiệm tốt.

Năm 2018, Netflix đã cho ra mắt phim tương tác Black Mirror: Bandersnatch. Bước đi này đã kích thích được sự tò mò từ công chúng và cho họ thấy một tương lai trong ngành công nghiệp streaming. Tới nay, người ta không còn băn khoăn nhiều về dịch vụ thu phí mang tên Netflix nữa.

Giám đốc công ty Waka cho biết các app đọc truyện muốn cạnh tranh được với các kênh truyện lậu thì phải biết cách “đi đầu xu hướng, định nghĩa ra mức chất lượng mới, trải nghiệm mới”.

Ông Hoàng nghĩ rằng các ứng dụng truyện tranh bản quyền cũng cần phải hướng đến nâng cấp trải nghiệm cho độc giả, như là sử dụng hình ảnh 3D, hình ảnh động,...

Khi ấy, các trang truyện lậu chỉ lấy được nội dung, chứ không lấy được trải nghiệm từ các đơn vị phát hành truyện tranh trên nền tảng số nữa.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-giua-ung-dung-truyen-tranh-ban-quyen-va-cac-kenh-dang-lau-post1341666.html