Cuộc chiến khẩu trang vòng 2 ở Mỹ: Nhiều người bị kỳ thị ra mặt vì vẫn đeo

Hơn một năm qua, chiếc khẩu trang đã trở thành tranh cãi chính trị ở Mỹ. Giờ đây, vòng hai cuộc chiến lại bắt đầu, lần này là nhằm vào những người không bỏ khẩu trang theo khuyến nghị của CDC.

Joe Glickman đeo hai lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn khi đi siêu thị. Ảnh: New York Times

Joe Glickman đeo hai lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn khi đi siêu thị. Ảnh: New York Times

Theo New York Times, mỗi lần Joe Glickman đi siêu thị, anh sẽ đeo khẩu trang N95 và đeo thêm một lớp khẩu trang vải bên ngoài, rồi đeo cả kính chắn giọt bắn. Anh đã thực hiện quy tắc an toàn phòng COVID-19 này suốt 14 tháng qua. Anh cũng không thay đổi thói quen sau khi mắc COVID-19 vào tháng 11/2020. Đầu tháng 5, anh đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 nhưng cũng không định bỏ khẩu trang theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Glickman còn nói anh sẽ đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn ít nhất 5 năm nữa.

Khi có khuyến nghị về bỏ khẩu trang và diễn biến dịch bệnh đã bớt nghiệm trọng, ngày càng nhiều người Mỹ bỏ khẩu trang sau khi đã đeo suốt hơn một năm qua. Glickman là một trong những người tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng lâu dài do tâm lý lo sợ biến thể mới và do nhiều người xung quanh vẫn chưa tiêm vaccine.

Trong đại dịch COVID-19 ở Mỹ, chiếc khẩu trang đã trở thành điểm nóng chính trị. Các bang bắt buộc đeo khẩu trang hầu như cũng là những bang đã bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống ủng hộ đeo khẩu trang.

Năm 2020, người biểu tình tuần hành phản đối yêu cầu đeo khẩu trang, phản ứng dữ dội khi bị bắt đeo khẩu trang trong siêu thị.

Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều người Mỹ đã tiêm vaccine và chính phủ nới lỏng biện pháp phòng chống dịch, khẩu trang lại là tâm điểm trong cuộc chiến vòng 2. Lần này, những người như Glickman bị chĩa mũi dùi.

Theo những người đã tiêm vaccine nhưng vẫn đeo khẩu trang, họ ngày càng bị gây áp lực bỏ khẩu trang, đặc biệt là những ngày gần đây. Bạn bè và gia đình liên tục giục họ bỏ khẩu trang, thậm chí có người còn bảo họ điên.

Glickman kể rằng có lần đi siêu thị, anh bị một người không đeo khẩu trang nhìn chằm chằm.

Dan Rather, một cựu dẫn chương trình tin tức,viết trên Twitter: “Tôi thấy khó hiểu. Tại sao người ta lại bận tâm nếu ai đó vẫn muốn đeo khẩu trang bên ngoài?”.

Với những người như Glickman, họ đã quen với chiếc khẩu trang và vui vẻ khi đeo nó có thể giúp họ thêm an toàn.

Nhiều người Mỹ không đeo khẩu trang sau khuyến nghị của CDC. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều người Mỹ không đeo khẩu trang sau khuyến nghị của CDC. Ảnh: AFP/TTXVN

Dữ liệu y tế công cộng cho thấy khẩu trang và giãn cách xã hội có tác động tích cực lớn hơn nhiều so với việc chỉ làm giảm tốc độ lây lan COVID-19. Trong mùa cúm 2018-2019, trên 34.000 người trưởng thành Mỹ tử vong. Năm nay, con số đó chỉ là vài trăm người. Người đeo khẩu trang cũng cho biết họ giảm bớt triệu chứng dị ứng theo mùa.

Với một số người định đeo khẩu trang mãi mãi, quyết định này không hề đơn giản vì họ đã phải chứng kiến nỗi đau mất người thân hoặc trải qua đau đớn do mắc COVID-19.

Với Glickman, anh bị viêm phổi sau khi mắc COVID-19 và vẫn gặp vấn đề liên quan dạ dày-ruột, triệu chứng thần kinh như đầu óc quay cuồng và thị lực có vấn đề dù đã hồi phục.

Sau khi có hướng dẫn mới nhất từ CDC, ít nhất 20 bang đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang hoặc ban hành lệnh cho phép người đã tiêm vaccine bỏ khẩu trang.

Tuần này, Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo đã thông báo bang này sẽ theo khuyến nghị của CDC từ 19/5. Maryland và Virginia cũng lập tức làm theo hướng dẫn mới của CDC.

Một số bang tại Mỹ ngay từ đầu đã không áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc. Một số bang lại dỡ bỏ quy định trước cả khi CDC có hướng dẫn mới. Một số bang khác vẫn đang đánh giá số liệu.

Lại một lần nữa nội bộ Mỹ rơi vào cảnh "mạnh ai nấy làm", thiếu một chính sách nhất quán, vốn từng đẩy quốc gia này vào "chảo lửa" COVID-19 hồi đầu năm 2020.

Nhiều công ty lớn cũng đưa ra những lựa chọn khác nhau, trong đó hãng bán lẻ hàng đầu Mỹ Walmart ngày 14/5 tuyên bố sẽ dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang với những nhân viên và khách hàng đã tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, nghiệp đoàn công nhân ngành thực phẩm và thương mại, đại diện cho khoảng 1,3 triệu lao động, lại dứt khoát phản đối và cho rằng vẫn còn nguy cơ từ những người chưa tiêm phòng và không tuân thủ những quy định an toàn phòng dịch.

Khuyến nghị của CDC vẫn gây tranh cãi ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khuyến nghị của CDC vẫn gây tranh cãi ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên 580.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, đã có khoảng 60% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh trong khi số ca mắc mới có chiều hướng giảm nhanh, đối tượng tiêm phòng được mở rộng ra cả nhóm trẻ em.

Về vấn đề này, ngày 14/5, WHO cũng cho rằng những người đã tiêm phòng vẫn nên đeo khẩu trang tại những khu vực vẫn còn tình trạng lây nhiễm. Các quan chức của WHO đều cho rằng các nước cần cân nhắc kỹ về việc dỡ bỏ các biện pháp nhằm kiểm soát lây nhiễm, như đeo khẩu trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm những biến thể mới của virus. Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan khẳng định hiện có quá ít quốc gia đủ điều kiện để dỡ bỏ những biện pháp này.

Ngày 15/5, CDC đã ban hành một hướng dẫn mới, trong đó khuyến nghị các trường học ở nước này tiếp tục thực hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang cho năm học 2020-2021 do không phải tất cả học sinh đều được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-chien-khau-trang-vong-2-o-my-nhieu-nguoi-bi-ky-thi-ra-mat-vi-van-deo-20210518101754936.htm