Cuộc chiến khí đốt Nga-EU, Moscow vẫn kiếm bộn tiền và châu Âu không chỉ 'tự bắn vào chân mình'?

Mặc dù khí đốt không nằm trong danh sách trừng phạt Nga của các nước phương Tây, nhưng Moscow đã đáp trả bằng cách giảm nguồn cung nhiên liệu này cho nhiều nước châu Âu.

Trước kế hoạch ngừng mua khí đốt Nga, Tổng thống Pháp Macron chỉ đạo chính phủ chuẩn bị một 'kế hoạch tỉnh táo' để tiết kiệm nhiên liệu. (Nguồn: AFP)

Trước kế hoạch ngừng mua khí đốt Nga, Tổng thống Pháp Macron chỉ đạo chính phủ chuẩn bị một 'kế hoạch tỉnh táo' để tiết kiệm nhiên liệu. (Nguồn: AFP)

Khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ

Cuộc xung đột tại Ukraine đã khơi mào cho cuộc chiến kinh tế giữa các quốc gia châu Âu và Nga.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine (ngày 24/2), Moscow cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Đây là nguồn nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động của các ngành công nghiệp, các tiện ích công cộng và sưởi ấm cho các gia đình.

Dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu, đi qua Belarus, Ukraine và Ba Lan, thông qua một mạng lưới đường ống phức tạp bao gồm Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), Blue Stream và Turk Stream. Trong đó, đường ống Blue Stream và Turk Stream dẫn khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Nam Âu.

Nga cũng từng cung cấp hơn 1/3 nhu cầu dầu của châu lục này.

Tuy nhiên, xung đột ở Ukraine và hậu quả là các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Moscow trả đũa bằng cách giảm nguồn cung cấp khí đốt, mặc dù nguồn nhiên liệu này không nằm trong danh sách trừng phạt, bởi nhiều nước châu Âu, trong đó có nền kinh tế hàng đầu châu lục là Đức, đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga.

Tuy nhiên, Moscow đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách giảm nguồn cung cấp khí đốt cho nhiều nước, bao gồm cả nước láng giềng Ba Lan.

Pháp là nước ít phụ thuộc nhất vào khí đốt của Nga, với chỉ 15% điện tại nước này được sản xuất từ khí đốt, 71% từ các lò phản ứng hạt nhân và phần còn lại được tạo ra từ than đá và năng lượng tái tạo.

Nhưng với kế hoạch ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân và quyết định loại bỏ nguồn cung cấp từ Nga một cách tự nguyện theo lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), Paris hiện đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.

Chỉ ra cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu chính phủ và người dân chuẩn bị cho tình huống Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt tự nhiên, do đó, cần hạn chế sử dụng năng lượng.

Ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhân Ngày Bastille (Ngày Quốc khánh Pháp - 14/7): "Chúng ta nên chuẩn bị cho kịch bản không có khí đốt của Nga. Mùa Hè, đầu mùa Thu sẽ rất khó khăn", đồng thời đề cập lạm phát năng lượng, vốn đã làm chao đảo cuộc sống của người dân nước này.

Người đứng đầu nước Pháp chỉ đạo chính phủ chuẩn bị một "kế hoạch tỉnh táo" để tiết kiệm nhiên liệu, bắt đầu bằng việc tắt đèn điện chiếu sáng công cộng vào ban đêm khi không cần thiết.

Nhà lãnh đạo cũng hứa sẽ tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, kêu gọi xúc tiến việc chuyển hướng sang sản xuất và sử dụng điện gió, hợp tác năng lượng xuyên biên giới nhiều hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trước đó, ngày 10/7, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, quốc gia này đang chuẩn bị ngừng mua hoàn toàn khí đốt từ Nga, đồng thời khuyến cáo các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng.

Ngoài ra, theo ông Le Maire, một cuộc kiểm toán năng lượng tại các công ty đang được thực hiện nhằm yêu cầu doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất để tiết kiệm năng lượng.

Theo dữ liệu từ cơ quan thống kê nhà nước Pháp INSEE công bố hôm 13/7, cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến lạm phát ở nước này đang ở mức cao nhất trong hơn ba thập niên.

Theo đó, lạm phát tại Pháp hiện ở mức 6,5%, cao nhất kể từ năm 1991, do giá năng lượng tăng mạnh (tăng 33,1% tính theo năm) và chi phí dịch vụ tăng 3,3% mỗi năm.

Loay hoay bù đắp nguồn cung

Ngày 11/7, tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom đình chỉ hoạt động của cả hai đoạn thuộc đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đến châu Âu, với lý do bảo trì theo lịch trình kéo dài 10 ngày.

Dòng khí đến lục địa này đã bị giảm xuống 40% công suất do những thách thức trong vận hành, nguyên nhân là Canada không trả lại tuabin bảo dưỡng đúng hạn do lệnh trừng phạt. Sau khi Đức yêu cầu, Canada đã trả tuabin, nhưng việc vận hành lại tuabin sẽ mất nhiều thời gian.

Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt do mạng lưới đường ống Nord Stream bị đình chỉ đã buộc các công ty năng lượng phải khai thác từ các kho chứa dưới lòng đất.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu, Nga đã yêu cầu thanh toán hóa đơn mua khí đốt bằng đồng Ruble và cắt nguồn cung cấp cho các quốc gia không thực hiện yêu cầu này. Các nước bị ảnh hưởng gồm Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria và các công ty năng lượng lớn của châu Âu như Orsted (Đan Mạch), GasTerra (Hà Lan) và Shell (Anh).

Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt do mạng lưới đường ống Nord Stream bị đình chỉ đã buộc các công ty năng lượng phải khai thác từ các kho chứa dưới lòng đất. (Nguồn: Reuters)

Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt do mạng lưới đường ống Nord Stream bị đình chỉ đã buộc các công ty năng lượng phải khai thác từ các kho chứa dưới lòng đất. (Nguồn: Reuters)

Cuộc khủng hoảng khí đốt bao trùm châu Âu đã buộc các công ty năng lượng phải khai thác từ các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất để bù đắp cho nguồn cung bị mất do công tác bảo dưỡng đường ống Nord Stream 1.

Các cơ sở lưu trữ khí được duy trì, chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như đường ống dẫn khí ngừng hoạt động hoặc gián đoạn nguồn cung cấp lớn.

Hiện nay, châu Âu có khoảng 67 tỷ mét khối khí đốt. Theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe (GIE), 85,5 triệu mét khối khí đốt tự nhiên đã được rút khỏi các cơ sở dưới lòng đất của Đức vào ngày 12/7.

Tình hình tồi tệ hơn khi trữ lượng khí đốt trong các kho chứa thấp hơn bao giờ hết trong vòng 5 năm qua. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Âu, chẳng hạn như Hungary và Serbia.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một trong những người phản đối gay gắt nhất các lệnh trừng phạt chống lại Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể phá hủy nền kinh tế châu Âu, đồng thời yêu cầu rút lại các biện pháp này.

"Các biện pháp trừng phạt không giúp ích gì cho Ukraine, tuy nhiên, chúng có hại cho nền kinh tế châu Âu và nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng sẽ “giết chết” nền kinh tế châu lục”, nhà lãnh đạo Hungary tuyên bố.

Ông Orban nói: "Thời điểm của sự thật phải đến ở Brussels khi các nhà lãnh đạo thừa nhận họ đã tính toán sai lầm, rằng chính sách trừng phạt dựa trên những giả định sai lầm và nó phải được thay đổi".

Thủ tướng Hungary nói thêm rằng, các lệnh trừng phạt không làm mất ổn định nền kinh tế Nga và không buộc Moscow ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine, 'thay vào đó, chúng đã gây ra thiệt hại trên diện rộng cho sự ổn định kinh tế của chính EU”.

Thủ tướng Orban cảnh báo: “Ban đầu, tôi nghĩ chúng tôi chỉ tự bắn vào chân mình, nhưng giờ rõ ràng nền kinh tế châu Âu đã tự bắn vào phổi mình”.

Nhận xét của ông Orban về việc các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến Nga có thể bắt nguồn từ thực tế rằng giá khí đốt và dầu trên toàn cầu tăng kỷ lục, và Moscow đang kiếm bộn tiền.

Một báo cáo hằng tháng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hôm 14/7 cho biết, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 6 đã tăng lên trên 20 tỷ USD do giá năng lượng tăng, mặc dù nguồn cung giảm.

Số liệu thống kê của cơ quan này cho thấy, trong tháng 6, Moscow đã thu về thêm 700 triệu USD so với tháng trước, ngay cả khi xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga giảm 250.000 thùng, xuống còn 7,4 triệu thùng.

Giá dầu vẫn ở mức trên 100 USD/thùng so với mức khoảng 80 USD/thùng ở thời điểm trước xung đột tại Ukraine.

(theo news9live.com)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-khi-dot-nga-eu-moscow-van-kiem-bon-tien-va-chau-au-khong-chi-tu-ban-vao-chan-minh-191117.html