'Cuộc chiến không có hồi kết' của nước Mỹ
Hôm nay (11/9) là tròn 20 năm vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ gây chấn động thế giới năm 2001. Vụ khủng bố này đã khiến hàng nghìn người Mỹ thiệt mạng nhưng 'các cuộc chiến không hồi kết' mà nước Mỹ đã triển khai trong khuôn khổ cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố lại có cái giá đắt hơn nhiều.
Gây nhiều thiệt hại
Theo ước tính của giáo sư Joseph S. Nye, Hiệu trưởng danh dự của Trường John F. Kennedy thuộc Đại học Havard danh tiếng của Mỹ, các cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động sau vụ tấn công 11/9 đã khiến gần 15.000 nhân viên quốc phòng Mỹ và nhân viên hợp đồng thiệt mạng cùng với đó là khoản thiệt hại kinh tế khoảng hơn 6.000 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, nhiều dân thường ở các nước cũng đã thiệt mạng trong khi ngày càng nhiều người phải bỏ quê nhà đi di cư kéo theo những khoản chi phí khổng lồ.
Giáo sư Joseph S. Nye cũng cho rằng bên cạnh những chi phí thực tiễn, việc lún sâu tại Trung Đông đã khiến Mỹ mất đi những cơ hội khác. Đó là khi Tổng thống Barack Obama muốn chuyển hướng chiến lược sang châu Á, khu vực có tốc độ kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng không thể thực hiện vì cam kết với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu khiến Mỹ mắc kẹt ở Trung Đông. Nhiều người cho rằng bất chấp những cái giá kể trên, những vấn đề do chủ nghĩa khủng bố gây ra vẫn tồn tại.
Dù vậy, Giáo sư Joseph S. Nye cũng đánh giá Mỹ đã giành được ưu thế trong cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu khi tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden và nhiều thuộc hạ quan trọng của nhân vật này. Và điều quan trọng là đã không còn vụ khủng bố lớn nào khác nhằm vào nước Mỹ giống như vụ 11/9.
Tòa tháp đôi bị khủng bố đánh sập ngày 11/9/2001. Ảnh: AP
Hiệu trường danh dự của Trường John F. Kennedy nhận định, 20 năm sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ cần rút ra những bài học kinh nghiệm và chuẩn bị những kế hoạch cần thiết. Ông cho rằng thế giới có thể đã khác nếu như sau vụ khủng bố 11/9, thay vì phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, Mỹ thực hiện các vụ không kích quân sự có chọn lọc, kết hợp với các chiến lược tình báo và ngoại giao hiệu quả.
Theo vị giáo sư này, trong trường hợp không may xảy ra các vụ khủng bố tiếp theo, các đời tổng thống sau của Mỹ nên có những tính toán với mục tiêu chính xác hơn, phân tích rõ cái bẫy mà những kẻ khủng bố đã giăng sẵn và hướng trọng tâm tới những biện pháp phản ứng linh hoạt hơn.
Bí mật mới được hé lộ
Trong cuốn sách “The Rise and Fall of Osama bin Laden” (tạm dịch: Sự trỗi dậy và sụp dổ của Osama bin Laden), tác giả Peter Bergen, nhà phân tích an ninh quốc gia làm việc tại kênh CNN và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về khủng bố, tiết lộ thông tin rằng, Mỹ đã bị lừa và để sổng mất trùm khủng bố Osama bin Laden ba tháng sau vụ khủng bố. Theo đó, vào tháng 12/2001, trùm khủng bố Osama bin Laden bị dồn vào sống trong một hệ thống hang động ở Tora Bora, Afghanistan. Đây sẽ là cơ hội tốt nhất để tóm gọn kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9.
Ngày 9/12/2001, một máy bay ném bom của Mỹ đã thả một quả bom nặng khoảng 6,8 tấn có tên Daisy Cutter vào các vị trí của mạng lưới khủng bố Al Qaeda, gây ra thiệt hại thảm khốc. Đêm đó, một quả bom đã rơi trên boongke của Osama bin Laden và những kẻ thuộc hạ của hắn lo rằng thủ lĩnh đã thiệt mạng. Tuy nhiên, trùm khủng bố này không có ở đó. Hắn mơ thấy một con bọ cạp bò vào các đường hầm mà thuộc hạ đã đào cho hắn trú ẩn và đã di chuyển ra vị trí cách đó vài trăm mét. Giờ đây, thuộc hạ của Osama bin Laden rất tuyệt vọng.
Các đường hầm chúng đang ẩn náu nằm ở độ cao khoảng 2.700m trên núi, nơi mà nhiệt độ tụt xuống -10 độ C. Trong khi đó, Mỹ đang thắt chặt vòng vây. Bọn chúng không có nước dùng vì đều bị đóng băng. Tuyết rơi dày đặc bên ngoài và lúc nào trên đầu cũng có hàng loạt bom dội xuống. Trong hoàn cảnh đó, Osama bin Laden nói với thuộc hạ: “Ta xin lỗi vì để các anh liên quan tới cuộc chiến này. Nếu các anh không thể kháng cự được nữa, ta cho phép các anh đầu hàng”. Tuy nhiên, vận may xuất hiện từ những chỗ không ngờ tới nhất: người Mỹ.
Tác giả Peter Bergen cho biết trong cuốn sách rằng, các thủ lĩnh al-Qaeda đã đề nghị ngừng bắn với cam kết rằng Osama bin Laden đích thân ra đầu hàng. Osama bin Laden coi đây là dấu hiệu cho thấy Thánh Allah đã giúp hắn khi kẻ thù của hắn đồng ý với lệnh đình chiến diễn ra từ ngày 12/12 đến ngày 13/12/2001. Tên trùm khủng bố kinh ngạc với cơ hội thoát chết này và coi đó là điều kỳ diệu.
Lúc 23h đêm 12/12, Osama bin Laden và thuộc hạ đã nhân cơ hội ngừng bắn để rời Tora Bora. Hắn và hai con trai lẻn ra ngoài trong vụ tẩu thoát mà tác giả Peter Bergen mô tả là “một trong những vụ biến mất ngoạn mục nhất lịch sử”. Ban đầu, chúng chạy tới phía bắc Afghanistan, rồi di chuyển sang Pakistan. Tại Pakistan, sau này, hắn sẽ bị lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ truy tìm và tiêu diệt sau đó mười năm.
Khi tin tức về vụ Osama bin Laden trốn thoát tới Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã gắt lên, giận dữ chưa từng thấy. Ông thét lên với Mike Morrell, người bên Cục Tình báo Trung ương (CIA) tới Nhà Trắng để thông báo tin tức: “Làm thế quái nào mà hắn có thể trốn được các ông?”. Tổng thống George W. Bush đã bảo các cố vấn hàng đầu gọi điện và chất vấn: “Cái quái gì thế này? Mike vừa bảo tôi điều gì đó về việc Osama bin Laden trốn thoát”.
Sau vụ thoát chết trong gang tấc kể trên, Osama bin Laden bắt đầu 10 năm chạy trốn người Mỹ. Trong thời gian đó, hắn đã tung ra các video chế nhạo ông Bush, ăn mừng mỗi khi al-Qaeda tấn công khủng bố, ví dụ như vụ đánh bom ở London (Anh) năm 2005 khiến 52 người thiệt mạng. Theo ông Peter Bergen, các quan chức hàng đầu của ông George W. Bush cố tìm cách nói rằng không có bằng chứng cho thấy Osama bin Laden ở Tora Bora lúc đó. Trong thực tế, có thông tin tình báo đáng kể về vị trí của Osama bin Laden và thậm chí, Phó Tổng thống Dick Cheney khi đó còn nói về việc này trên kênh ABC News.
Để sổng trùm khủng bố Osama bin Laden vào phút chót không phải là sai lầm duy nhất của Mỹ sau vụ 11/9. Cuộc họp của phía Mỹ về vụ trốn thoát của Osama bin Laden cũng chỉ là một trong 33 cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia thời ông Bush để bàn về al-Qaeda. Trong số các vụ tấn công mà Osama bin Laden lên kế hoạch có vụ đánh bom tàu USS Cole năm 2000 ở Aden (Yemen), khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Điều khó tin là Nhà Trắng không phản ứng đáp trả vụ việc.
Trước khi xảy ra vụ 11/9, CIA cũng đã làm hỏng vài cơ hội khác để tiêu diệt Osama bin Laden. Ví dụ như khi Osama bin Laden đi cùng một số hoàng tử Arab trong chuyến đi săn năm 1999 ở Afghanistan. Tuy nhiên, Mỹ đã hủy không kích vì các quan chức không muốn rủi ro giết chết cả các thành viên Hoàng gia Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Trong khi đó, tờ Dailymail mới đây cũng tiết lộ một chi tiết khác về Osama bin Laden. Tám năm trước vụ khủng bố 11/9/2001, vào năm 1993, Osama bin Laden đã từng cho thành viên al-Qaeda gài một quả bom 680kg trong ga ra đỗ xe tầng hầm của tòa tháp bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Đúng 12h18' ngày 26/2/1993, quả bom đó phát nổ, làm 6 người chết, trên 1.000 người bị thương, 50.000 người phải sơ tán khi khói lửa bốc ngùn ngụt lên trên. Quả bom được đặt trong một xe tải màu vàng đỗ ở tầng B-2 hầm tòa tháp bắc đã tạo ra một hố bom sâu tới vài tầng bên dưới.
Sau này, kẻ chủ mưu vụ đánh bom năm 1993 là Ramzi Yousef khai với điều tra viên Mỹ rằng hắn đã hy vọng làm tòa tháp này sập rồi đổ vào tòa tháp còn lại, mục tiêu là giết 250.000 dân thường. Do vụ đánh bom năm 1993 không làm sập tòa tháp nên Osama bin Laden cho rằng cần phải thực hiện một vụ tấn công mưu trí hơn để đánh sập hai tòa tháp biểu tượng của Mỹ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/-cuoc-chien-khong-co-hoi-ket-cua-nuoc-my-i627774/