Cuộc chiến không đường lui của Thủ tướng Netanyahu

Khi cuộc chiến ở Gaza bế tắc, quân đội thừa nhận không thể thắng thì việc nỗ lực kéo dài chỉ như cách 'câu giờ' của thủ tướng Netanyahu trong 'trò chơi quyền lực' của mình.

Một cuộc chiến không thể thắng

Ngày 19/6/2024, sau 8 tháng rưỡi tiến hành những cuộc tấn công, trong một khoảnh khắc bất ngờ, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), tướng Daniel Hagari đã nói với báo chí rằng mục tiêu xóa sổ lực lượng Hamas là “không thể đạt được”. Là những người lính, việc thừa nhận thất bại thật khó khăn, nhưng sau những hy sinh và tổn thất, người đại diện của IDF đã phải nói ra sự thật.

Thực tế, không phải từ tháng 10/2023, cuộc chiến của IDF với Hamas mới bắt đầu. Trong thập kỷ qua, ước tính Israel đã chi 10 tỷ USD cho các chiến dịch quân sự và các biện pháp phòng thủ nhằm đối phó với mối nguy từ lực lượng Hamas. Nhiều cuộc tấn công vào Gaza nhằm tiêu diệt Hamas đã được tiến hành, nhưng họ chưa bao giờ có thể đạt được mong muốn. Là một lực lượng phi tập trung, Hamas có khả năng tái cấu trúc nhanh chóng và nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài, làm cho việc tiêu diệt hoàn toàn là “không thể”.

Thủ tướng Netanyahu đang thực hiện những toan tính để bảo vệ vị thế của mình.

Thủ tướng Netanyahu đang thực hiện những toan tính để bảo vệ vị thế của mình.

Trong khi đó, các chiến dịch quân sự thường gây ra thương vong cho dân thường, tàn phá cơ sở hạ tầng tại Gaza. Ghi nhận từ các tổ chức quốc tế cho thấy, nền kinh tế Gaza bị tàn phá nặng nề với mức thất nghiệp lên tới 50% và tỷ lệ nghèo đói vượt quá 70%. Điều đó đã kích động sự “phẫn nộ” của người Palestine, ủng hộ Hamas để quay lại trả đũa người Israel.

Riêng với chiến dịch quân sự phong tỏa Gaza từ tháng 10/2023 tới nay, IDF đã huy động hơn 100.000 quân, chiếm 1/4 tổng quân số của IDF (bao gồm cả lực lượng dự bị) nhằm tiêu diệt một lực lượng ước tính 30.000 tay súng của Hamas ở Gaza. Thiệt hại đến cuối tháng 6/2024 của IDF là hơn 3.000 (trong đó 522 lính hy sinh), còn phía Hamas thì không có con số cụ thể nào. Thay vào đó, những cuộc tấn công bằng vũ khí hạng nặng của IDF đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với hàng trăm nghìn người phải di dời, làm tăng sự phản đối từ cộng đồng quốc tế và làm tổn hại đến hình ảnh của Israel.

Theo Liên hợp quốc, tính đến tháng 6/2024, hơn 35.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong đó 52% là phụ nữ, người già và trẻ em. Cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) thống kê được 7.797 trẻ vị thành niên, 4.959 phụ nữ và 1.924 người cao tuổi thiệt mạng ở Gaza từ tháng 10/2023 tới nay. Không ai biết trong đó có bao nhiêu phần trăm thực sự là những tay súng của Hamas.

Lý do khiến cho IDF phải thừa nhận thất bại này cũng được tướng Hagari thừa nhận: “Hamas là một ý tưởng”,“một đảng phái”, “nó bắt nguồn từ trái tim của người dân...”. Được thành lập từ năm 1987, kiểm soát Gaza từ năm 2007, mặc dù bị coi là một tổ chức khủng bố nhưng với tôn chỉ “đấu tranh cho quyền lợi của người Palestine”, Hamas thực sự “ăn sâu, bén rễ” trong cộng đồng Palestine. Để nói về mục tiêu mà Chính phủ Israel giao cho IDF là “tiêu diệt Hamas, khiến Hamas biến mất”, tướng Hagari đã so sánh với việc “ném cát vào mặt người khác” ám chỉ sẽ tự làm bẩn mình. Một so sánh với hàm ý chỉ trích kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu.

Tất cả đều chống lại ông Netanyahu

Tướng Hagari, với tư cách là người phát ngôn, nói ra điều gì cũng có nghĩa là IDF đang nghĩ như thế. Nhưng, họ không phải là người duy nhất phản đối kế hoạch của thủ tướng. Từ nhiều góc độ khác nhau, những ý kiến phản đối của giới chuyên môn đều rất mạnh mẽ. Ông Amos Yadlin từ Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, cho rằng “một cuộc chiến kéo dài chỉ làm gia tăng sự thù địch, không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của xung đột” và “các giải pháp quân sự nên được kết hợp với các nỗ lực chính trị, ngoại giao”.

Cuộc chiến kéo dài làm tăng tổn thất của quân đội Israel.

Cuộc chiến kéo dài làm tăng tổn thất của quân đội Israel.

Tiến sĩ Stanley Fischer, cựu Thống đốc Ngân hàng Israel, nhận định rằng cuộc chiến kéo dài chỉ gây thiệt hại kinh tế cho đất nước. “Chi phí quân sự cao và thiệt hại cơ sở hạ tầng làm giảm năng lực cạnh tranh của Israel” và “đầu tư vào các giải pháp hòa bình, phát triển kinh tế có thể mang lại lợi ích lâu dài hơn”.

Quan điểm hòa bình cũng được các chuyên gia quốc tế ủng hộ. Giáo sư Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến an ninh Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương, nguyên Phó Giám đốc Tình báo phụ trách Trung Đông của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) thì cho rằng những hành động quân sự sẽ “kích động một thế hệ mới người Palestine bị cực đoan hóa” quay lại tấn công Israel. Ông Panikoff cũng nhấn mạnh giải pháp quân sự không thể mang lại hòa bình bền vững nếu không giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội cơ bản.

Tiếng nói phản đối ngày càng lớn từ khắp thế giới khi nhìn vào con số thương vong lớn ở Gaza trong thời gian qua. Chính phủ Mỹ vốn luôn dành sự ủng hộ cho Israel cũng “dọa” cắt khoản viện trợ cho chính phủ của Thủ tướng Netanyahu nếu họ quyết thực hiện cuộc tấn công trên bộ vào Rafah, thành phố cuối cùng ở phía Nam dải Gaza. Nhưng, ngay cả như thế cũng không thể khiến ông Netanyahu từ bỏ kết hoạch.

Cuộc chiến bắt buộc?

Tướng Hagari không phải là lãnh đạo quân đội đầu tiên công khai phản đối quan điểm của Thủ tướng Netanyahu. Ngày 18/5/2024, ông Benny Gantz, một cựu tướng lĩnh quân đội, thành viên nội các chiến tranh của ông Netanyahu đã đưa ra tối hậu thư với “sếp” của mình. Ông Gantz yêu cầu thủ tướng “phải xây dựng một chiến lược chiến tranh sẽ làm thay đổi cục diện ngoại giao ở Trung Đông, hoặc sẽ từ chức”. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Gantz công khai chỉ trích thủ tướng “đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên nhu cầu hiện hữu của nhà nước Israel” khi cho phép "những kẻ cuồng tín cực hữu đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm”. Ông Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu này và giải tán nội các chiến tranh sau đó. Một hành động cho thấy ông sẵn sàng đương đầu với chỉ trích.

Là một người xuất thân từ quân đội, dạn dày trên chính trường, Thủ tướng Netanyahu có những tính toán riêng. Với ông Netanyahu, an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Ông cho rằng Hamas là mối đe dọa trực tiếp, hiện hữu với Israel và việc tiêu diệt Hamas là cần thiết để đảm bảo an toàn cho công dân Israel. Việc huy động quân đội cho nhiệm vụ này là không có gì phải bàn cãi và việc bị chỉ trích là điều ông sẵn sàng chấp nhận. Phản ứng từ IDF có thể cũng đã được tiên liệu trước nhưng ông không còn lựa chọn nào khác.

Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba của mình, từ tháng 12/2022 tới nay, ông Netanyahu không còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi như trước. Nhiều cáo buộc tham nhũng và lạm quyền trong hơn một thập kỷ cầm quyền trước đó từ phe đối lập khiến ông luôn phải “ngồi trên lửa”. Thủ tướng Israel cũng đối mặt với áp lực từ lực lượng ủng hộ chủ trương cứng rắn trong vấn đề Hamas.

Việc duy trì một lập trường kiên quyết đối với Hamas giúp ông duy trì sự ủng hộ từ các nhóm này và giữ được vị thế chính trị của mình. Ông cần chứng minh rằng chính phủ của mình đủ mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Cuộc chiến ở Gaza giúp ông Netanyahu nổi lên như một nhà lãnh đạo thời chiến cứng rắn. Bất cứ quyết định lùi bước nào cũng sẽ khiến ông trở nên “mềm yếu” và trở thành “kẻ thất bại” trong mắt nhóm ủng hộ. Khi đó, sự nghiệp chính trị của ông sẽ kết thúc. Nhóm ủng hộ này ban đầu gồm nhiều lãnh đạo quân đội nhưng điều này đang thay đổi. Tình thế bế tắc trên chiến trường làm cho cục diện chính trị ở Israel thay đổi, buộc ông Netanyahu phải tìm cách đối phó. Nhưng, cho đến thời điểm này thì ông dường như không có phương án B.

Trong một nỗ lực hòa hoãn, ông Netanyahu đã nói chỉ chấp nhận thỏa thuận “một phần” với Hamas, IDF có thể tiếp tục tấn công sau khi phụ nữ, người già và người bệnh được rời khỏi Rafah. Để đối phó với áp lực, ông thậm chí đã đe dọa sẽ mở rộng cuộc chiến với Hezbollah qua biên giới Lebanon ở phía Bắc. Một hành động chắc chắn sẽ đẩy IDF vào tình thế khó khăn hơn khi phải chiến đấu ở cả hai đầu đất nước. Tất cả đều có nghĩa là chiến tranh sẽ tiếp tục.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 6/2024, đảng Likud của ông Netanyahu sẽ mất đi 1/3 số ghế trong khi đối thủ là đảng Đoàn kết quốc gia có thể tăng hơn gấp đôi số ghế hiện tại để dành quyền thành lập chính phủ. Đó là một dự đoán hết sức nguy hiểm mà ông Netanyahu phải tìm cách tránh. Ít nhất, kéo dài cuộc chiến và chờ đợi một “chiến thắng” cũng là giải pháp tốt hơn việc “đầu hàng” ngay lúc này.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cuoc-chien-khong-duong-lui-cua-thu-tuong-netanyahu-i736990/