'Cuộc chiến không giới hạn' với Covid-19 của những nhà làm phim
Không phải là những bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch nhưng những đạo diễn, quay phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã lăn xả vào những điểm nóng của dịch bệnh trong suốt một năm qua để ghi vào ống kính những khuôn hình đặc sắc, ấn tượng về tinh thần 'Chống dịch như chống giặc' của toàn dân trong bộ phim 'Cuộc chiến không giới hạn'; đạo diễn: NSƯT Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc.
Đây là bộ phim tài liệu dài 35 phút, vừa được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt và Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cấp giấy phép lưu hành. Bộ phim dự kiến ra mắt khán giả và công chiếu rộng rãi ở các rạp vào ngày 27-2, để chào mừng 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955/27-2-2021). Tuy nhiên, thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên phải lùi thời điểm ra mắt phim.
Được biết, trước khi thực hiện bộ phim này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành khi đó vừa nhận nhiệm vụ nhưng sau khi tiếp cận kịch bản bộ phim đã lập tức ký Công văn số 230/ĐA-NT về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất bộ phim “Cuộc chiến không giới hạn” vào kế hoạch năm 2020 thay vì kế hoạch sản xuất năm 2021.
Cục Điện ảnh đánh giá cao sự chủ động của Hãng phim đã xây dựng kịch bản phim tài liệu về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khẳng định nỗ lực của đất nước Việt Nam trên trận tuyến chống dịch bệnh. Cục Điện ảnh đề nghị khi triển khai làm phim, Ban lãnh đạo Hãng phim chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cho các thành phần tham gia sản xuất phim, ghi hình trực tiếp trên hiện trường; đảm bảo an toàn y tế đúng yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đi tìm “chìa khóa” thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Đó là tâm nguyện của tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Tuấn và đồng nghiệp khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020. Đã có nhiều phóng sự truyền hình, nhiều bài viết về dịch Covid-19 nhưng với mong muốn thực hiện một bộ phim tài liệu để góp phần cho bạn bè thế giới hiểu rằng, Việt Nam đã hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh ra sao, trong khi nhiều nước trên thế giới có nền y tế phát triển vẫn phải chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh; đồng thời phản ánh tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong phòng chống, dịch Covid-19 nên lãnh đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương quyết định thực hiện ngay tác phẩm điện ảnh và tên bộ phim "Cuộc chiến không giới hạn" được hình thành.
Sau khi có thông tin vào chiều 7-4-2020, UBND TP Hà Nội ra quyết định phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi, đoàn làm phim đã lên đường đến đây luôn. Khi đó, đồng đạo diễn NSƯT Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Ánh Ngọc quyết định, bộ phim sẽ lấy bối cảnh thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (Hà Nội) làm tâm điểm.
Trong gần 30 ngày sống và sinh hoạt, làm việc với người dân thôn Hạ Lôi, những cảnh quay về quá trình khám chữa bệnh, tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn vì dịch bệnh…của người dân nơi đây đã được ghi vào ống kính.
“Để chuyển tải những sự thật sống động thì đoàn làm phim phải chung sống cùng người dân thôn Hạ Lôi để cảm nhận được cuộc sống của họ, sao cho ống kính ghi được hết hình ảnh và người xem cảm nhận được các câu chuyện, đó là những câu chuyện rất dung dị, rất đời thường nhưng chứa đựng trong đó là nghĩa tình đồng bào”, đạo diễn Nguyễn Ánh Ngọc cho biết.
Trong phim "Cuộc chiến không giới hạn" có cảnh quay một đám ma ở trong vùng dịch thôn Hạ Lôi. Một bà cụ cao tuổi ở dòng họ trong thôn qua đời. Bình thường nếu không có dịch thì theo phong tục địa phương, người thân đây sẽ làm lễ rất lớn để đưa tiễn người thân về với cát bụi. Tuy nhiên, khi ở trong vùng dịch thì tất cả mọi người đều rất tự giác tuân thủ các quy định giãn cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn. Đám ma vắng, mọi người trong họ tộc cảm thấy buồn nhưng khi được chính quyền địa phương động viên, thăm hỏi, đã chấp hành quy định phòng chống dịch. Qua sự việc này, thể hiện sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân khi dịch bệnh xảy ra.
Cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân trong thời điểm giãn cách, các nghệ sĩ đã cảm nhận được những mất mát, thiệt hại về kinh tế đối với bà con nơi đây ra sao, để ghi vào ống kính những cảnh quay chứa chan tình cảm, đó là nỗi buồn của người nông dân khi nhìn những cánh đồng hoa đang héo dần, kinh tế thiệt hại vô cùng bởi nơi đây là một trong những vựa hoa lớn của miền Bắc. Tuy nhiên, bà con nông dân Hạ Lôi đã khắc phục khó khăn, vượt lên để chiến thắng dịch bệnh. Những cảnh quay về sự hy sinh của người dân Hạ Lôi đã được khắc họa đậm nét, mang đến cảm xúc cho người xem như đang ở nơi đây, chứng kiến sự mất mát, hy sinh của người nông dân trồng hoa.
Theo tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Tuấn: Những câu chuyện trong phim tuy rất nhỏ như mọi người giúp đỡ nhau ra sao, chia sẻ với nhau miếng cơm, manh áo thế nào, những nhà khoa học phải khoanh vùng dập dịch, đi tìm F0, F1, rồi nhân viên y tế chống kỳ thị, kiểm soát dịch và thực hiện mệnh lệnh của cấp trên ra sao…Tất cả những điều đó nếu nghe và nhìn thì rất bình thường nhưng khi dựng thành bộ phim sẽ mang lại cảm xúc cho người xem, đó là thể hiện “chìa khóa” chiến thắng dịch bệnh của Việt Nam.
Kết nối của các tuyến nhân vật trong phim
Ngoài bối cảnh chính ở thôn Hạ Lôi, trong phim còn có những cảnh quay ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. NSƯT Nguyễn Quang Tuấn, tổng đạo diễn đã trực tiếp ở trong bệnh viện, tiếp xúc và phỏng vấn hàng chục bệnh nhân F0, các bác sĩ và ghi hình cuộc sống của họ.
Những câu chuyện đó thì có nhiều người kể và nhiều cách kể nhưng nếu cách kể của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là cách kể bó gọn để người xem thấy rằng, trong công tác chống dịch ở Hạ Lôi thì đằng sau lưng là cả một đất nước, cả ngành y tế và khoa học cùng vào cuộc.
Để có những hình ảnh chân thực, ngoài việc ghi hình ở các khu vực có F0, đoàn làm phim đã vào tận trong phòng thí nghiệm để thực hiện các cảnh quay về quá trình các bác sĩ làm các xét nghiệm, phân loại…
Trong suốt quá trình thực hiện bộ phim, các quay phim phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, trong đó phải kể đến những thời điểm quay vào mùa hè. Trời nóng nhưng vẫn phải mặc trên mình những bộ quần áo chống dịch, khẩu trang kín nên kính bị mờ. Vì thế, quay phim dường như không nhìn thấy ống kính nhưng vẫn khắc phục được khó khăn và có những cảnh quay đặc sắc.
Đạo diễn Nguyễn Ánh Ngọc cho biết: Thời điểm đoàn làm phim thực hiện cảnh quay ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 phải có hồ sơ bệnh án vào viện và khi ra có hồ sơ bệnh án ra viện. Công tác kiểm soát chặt chẽ như thế để vừa bảo vệ vừa để tránh việc lây bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đạo diễn, quay phim.
“Đoàn quay phim của đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn sau khi quay xong ở bệnh viện thì phải vào khu cách ly theo quy định. Trong quá trình ở trong khu cách ly thì lại tiếp tục quay. Tức là câu chuyện luôn có sự kết nối từ bệnh nhân của Hạ Lôi, rồi lại đi cách ly cùng với bệnh nhân và bám theo tuyến nhân vật đến lúc họ hoàn thành xong cách ly để về địa phương thì đoàn làm phim cũng lên ô tô về cùng họ. Ống kính luôn bám theo nhân vật. Khi Hạ Lôi được lệnh dỡ phong tỏa thì mới là lúc hoàn thành bộ phim. Tôi cho rằng, trong cuộc chiến chống đại dịch, thành công lớn của Việt Nam, đó là chính là sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo đến từng người dân”, đạo diễn Nguyễn Ánh Ngọc cho biết.
Những thước phim thực hiện ngay tại tâm dịch đã mang đến cho người xem một cái nhìn chân thực về công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của người Việt Nam, góp phần để thế giới khâm phục về một đất nước mà nơi đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Bộ phim "Cuộc chiến không giới hạn" sẽ được phát sóng ở các đài truyền hình, rạp chiếu phim và tham dự các cuộc thi trong nước và quốc tế thời gian tới.