'Cuộc chiến không giới tuyến' - câu chuyện giàu cảm xúc về những người lính canh giữ biên cương

Từ bộ phim đầu tay 'Rời nhà ra phố', cho đến nay, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Danh Dũng đã cho ra mắt hàng loạt bộ phim thu hút được đông đảo khán giả quan tâm và có tiếng vang lớn như: 'Khi đàn chim trở về', 'Cảnh sát đặc nhiệm', 'Người phán xử', 'Đấu trí', 'Cuộc đời vẫn đẹp sao'… Đặc biệt gần đây, bộ phim 'Cuộc chiến không giới tuyến' do Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Danh Dũng làm đạo diễn đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Một cảnh trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”. Ảnh: Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam cung cấp

Một cảnh trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”. Ảnh: Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam cung cấp

“Cuộc chiến không giới tuyến” do Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phối hợp thực hiện hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2024) kể một câu chuyện vừa kịch tính, vừa dung dị, chân thực và giàu cảm xúc về những người lính canh giữ biên cương. Lấy bối cảnh ở vùng biên giới, phim được ghi hình tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cũng bởi vậy mà phim có nhiều khung cảnh hùng vĩ miền biên viễn. Đây cũng là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống qua nhiều thế hệ, tạo nên bản sắc văn hóa riêng: Nếp ăn ở, sinh hoạt, những lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo… Nhưng ở nơi này cũng tồn tại nhiều lề thói cũ kỹ, những hủ tục mà những người làm công tác biên phòng không ngừng trăn trở, làm sao nâng cao nhận thức của người dân.

Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, khi theo dõi phim, khán giả luôn có những so sánh, đối chứng với đời sống thực. Bởi vậy, nếu nội dung chưa thực sự hay như khán giả mong muốn thì phải nỗ lực biểu đạt sao cho mọi tình huống, bối cảnh chân thực, gần gũi hơn.

“Nhiều người thường mặc định quân đội là khô khan, kỷ luật thép, là rất nhiều quy định, điều lệ. Liệu việc truyền tải chân thực có khiến phim nặng nề? Phim phát trên sóng truyền hình, bởi vậy, ngoài bộ đội xem thì còn rất đông khán giả theo dõi phim này. Tiêu chí đặt ra là truyền tải hình ảnh chân thực về người lính, về cuộc sống trong quân ngũ, đồng thời dung hòa được các yếu tố nghệ thuật để phim có thể đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khán giả” - đạo diễn Nguyễn Danh Dũng bộc bạch.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Cuộc chiến không giới tuyến” quy tụ rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng, từng được khán giả yêu mến qua các phim truyền hình gần đây như: Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hải, các nghệ sĩ Việt Anh, Thu Quỳnh, Hà Việt Dũng... Ở đó, các diễn viên vào vai người chiến sĩ Biên phòng cùng lúc phải chiến đấu không chỉ với tội phạm ma túy, các thế lực chống phá, hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn phải đấu tranh tư tưởng, tình cảm của bản thân với người thân nơi hậu phương.

Giáo sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình cho rằng, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã chọn diễn viên chuẩn xác, phù hợp với các vai mà diễn viên đảm nhận. “Tôi đánh giá cao dàn diễn viên này. Mặc dù kịch bản được chuẩn bị công phu, được trao đi đổi lại, nhưng khi xem phim, tôi vẫn bất ngờ, thấy được công sức, sự ứng tác của đạo diễn trên thực địa, sự ứng diễn của diễn viên trước máy quay. Các vai diễn trong phim không hời hợt, có chiều sâu, để lại ấn tượng trong lòng người xem. Xem những người lính Biên phòng trong bộ phim này, tôi tin nhiều cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong Quân đội sẽ tìm thấy mình trong đó” - Giáo sư Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.

Trong phim có nhiều diễn viên vừa bước ra khỏi phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” cũng như còn rất nhiều diễn viên trong phim là những gương mặt quen thuộc, như Việt Anh đã 8 lần vào vai phản diện nhưng trong phim này đã “lột xác” nhập vai Đồn trưởng đồn Biên phòng rất thành công. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hải (vai Quang) - người vừa hoàn thành vai Lưu “nát” trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao” đã phải nhanh chóng rũ bỏ hình ảnh tưng tửng của kẻ nát rượu, lè nhè… để hóa thân vào hình tượng người sĩ quan Biên phòng rất gần gũi với nhân dân.

"Câu chuyện về người lính, về đồng bào vùng biên giới là đề tài khó nên ekip làm phim phải có nhiều ngày sống, làm việc cùng với bà con, với bộ đội để có thể hiểu, cảm nhận tốt hơn câu chuyện. Có những ngày, do mưa gió mà đoàn phải lội bộ hàng chục cây số trong rừng mới đến được bối cảnh, song mọi người đều nỗ lực và động viên nhau để có được những hình ảnh đẹp, chân thực”. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tâm sự.

Theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, mỗi bộ phim, đề tài là một đời sống, một trải nghiệm, câu chuyện, dấu ấn khác nhau nhưng điều quan trọng là mình tìm được đam mê, cảm hứng sáng tạo trong đó. Làm một sản phẩm văn hóa, nếu không có đam mê, cảm hứng sáng tạo thì không làm được, trong khi phim là bộ môn sáng tạo tổng hợp. Từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ... đều nói lên cái sáng tạo, dấu ấn của riêng họ, nhưng họ không thể làm một mình mà lại phải hòa vào tập thể để tạo nên sản phẩm tốt.

“Đó là may mắn lớn cho chúng tôi khi được làm việc, sáng tạo trong môi trường tốt. Sau đó là sự tương tác trực diện giữa đạo diễn với diễn viên, quay phim, họa sĩ và các thành phần khác, trong đó, diễn viên rất quan trọng. Bây giờ không phải thời diễn viên diễn, có người ở ngoài nhắc thoại nữa mà họ phải nắm bắt kỹ, định hình rõ được nhân vật của mình, có thể phát huy tối đa năng khiếu, kỹ thuật diễn xuất, sự sáng tạo, có thể tung hứng, tương tác với bạn diễn, thậm chí không ngại tranh luận; diễn viên còn phải nắm bắt được hơi thở cuộc sống, gần gũi cuộc sống để tương tác với cả khán giả” - đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết.

"Tương lai, phim truyền hình vẫn là “món ăn” không thể thiếu của người Việt, vấn đề là chúng ta “nấu” thế nào cho ngon. Mà muốn thế thì những người làm phim phải luôn chắt chiu, trau dồi, có đam mê thực sự mới làm được nên những “món ăn” vừa miệng khán giả”. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotcuoc-chien-khong-gioi-tuyen-cau-chuyen-giau-cam-xuc-ve-nhung-nguoi-linh-canh-giu-bien-cuong-post472471.html