Cuộc chiến nảy lửa 'trên quỹ đạo' của 2 gã khổng lồ công nghệ

Ba năm sau khi Tim Cook từ chối đề nghị sử dụng Starlink cho iPhone, Elon Musk vẫn tiếp tục các hành động pháp lý, gây áp lực lên Apple, tiếp diễn cuộc chiến 'trên quỹ đạo' của 2 gã khổng lồ công nghệ.

Đề nghị trị giá 5 tỷ USD và tối hậu thư của Elon Musk

Khi Elon Musk biết rằng Apple đang chuẩn bị công bố tính năng kết nối vệ tinh cho iPhone 14 thông qua hợp tác với Globalstar, ông đã nhanh chóng tiếp cận Táo khuyết với một đề nghị độc quyền mà Musk tin rằng Apple không thể từ chối.

Musk đề xuất rằng SpaceX sẽ cung cấp dịch vụ vệ tinh cho iPhone trong vòng 18 tháng, với mức phí ban đầu là 5 tỷ USD. Sau khoảng thời gian này, Apple sẽ trả cho SpaceX 1 tỷ USD mỗi năm để sử dụng dịch vụ Starlink sau khi thời gian độc quyền kết thúc.

Apple ký kết hợp tác với Globalstar để cung cấp dịch vụ kết nối vệ tinh cho iPhone. Ảnh: TechRadar

Apple ký kết hợp tác với Globalstar để cung cấp dịch vụ kết nối vệ tinh cho iPhone. Ảnh: TechRadar

Theo báo cáo mới công bố của The Information, Musk đã đưa ra tối hậu thư 72 giờ cho Tim Cook để quyết định. Nếu Apple không chấp nhận, Musk sẽ công bố một tính năng vệ tinh tương tự có thể hoạt động trên iPhone – nhưng do SpaceX tự triển khai.

Cook từ chối và sau đó ký kết hợp tác với Globalstar để cung cấp dịch vụ kết nối vệ tinh cho iPhone.

Hai tuần trước khi iPhone 14 được ra mắt, SpaceX đã hợp tác với T-Mobile, công bố tính năng cho phép người dùng smartphone gửi và nhận tin nhắn tại những khu vực không có sóng di động thông qua mạng Starlink.

Từ đó, Elon Musk liên tục chỉ trích Apple. Musk đe dọa sẽ tạo ra smartphone riêng để cạnh tranh, đồng thời đứng về phía CEO Epic Games Tim Sweeney trong cuộc chiến chống lại phí App Store.

SpaceX tấn công pháp lý vào Globalstar

Không dừng lại ở việc chỉ trích, Musk và SpaceX đã thách thức pháp lý quyền sử dụng băng tần vô tuyến mà Globalstar đang dùng cho iPhone. Nếu SpaceX thắng kiện, tính năng kết nối vệ tinh của iPhone bị vô hiệu hóa, và Apple có thể buộc phải quay lại đàm phán với Musk để kích hoạt lại.

Năm 2022, SpaceX bắt đầu khiếu nại quyền băng tần của Globalstar. Năm 2023, họ tiếp tục phản đối việc Globalstar xin phép phóng thêm vệ tinh.

SpaceX cáo buộc Globalstar dùng chiêu trò để giữ quyền kiểm soát băng tần mà họ không sử dụng hiệu quả, nhằm chặn các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Starlink. SpaceX đã yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) từ chối đơn xin cấp phép của Globalstar để sử dụng thêm dải tần số cho mạng vệ tinh do Apple tài trợ. Musk cho rằng việc Apple đầu tư vào Globalstar đe dọa vị thế của Starlink trong lĩnh vực kết nối vệ tinh.

Căng thẳng giữa Apple và SpaceX tiếp tục leo thang khi hai bên bất đồng về mức độ hỗ trợ của Apple đối với tính năng vệ tinh của T-Mobile.

Hiện chưa rõ Apple sẽ đáp ứng thế nào, nhưng về lý thuyết, các iPhone dùng mạng T-Mobile sẽ tự động chuyển sang Starlink khi cần thiết trong tương lai.

Một số nhân viên Apple lo ngại rằng mối quan hệ thân thiết giữa Musk và chính quyền Tổng thống Trump có thể giúp ông có lợi thế với Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC).

Phản ứng trong nội bộ Apple

Không chỉ đối đầu bên ngoài, Apple còn vấp phải phản đối từ nội bộ. Một số cựu nhân viên Apple cho rằng mạng Globalstar quá chậm và lỗi thời so với các đối thủ. Việc phóng thêm vệ tinh cũng không cải thiện nhiều trong vòng 10 năm tới. Với hơn 550 vệ tinh, Starlink có lợi thế về số lượng và khả năng phủ sóng so với Globalstar.

Tính năng kết nối vệ tinh có từ iPhone 14. Ảnh: Medium

Tính năng kết nối vệ tinh có từ iPhone 14. Ảnh: Medium

Ngoài ra, một số lãnh đạo cấp cao của Apple lo ngại công ty có thể bị xem như một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dẫn đến những rắc rối pháp lý từ phía Chính phủ Mỹ.

Hai lãnh đạo cấp cao được cho là chống lại dự án vệ tinh này là: Craig Federighi – Phó chủ tịch phụ trách phần mềm và Adrian Perica – Trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp.

Dù bị chỉ trích và gặp nhiều trở ngại, Apple vẫn cam kết gắn bó lâu dài với Globalstar. Hãng đã đầu tư 1,7 tỷ USD, trong đó 1,1 tỷ USD dành cho việc xây dựng và phóng thêm vệ tinh.

Đối với người dùng, sự cạnh tranh giữa Apple và SpaceX thúc đẩy cải tiến công nghệ, có thể dẫn đến các dịch vụ vệ tinh nhanh hơn, đáng tin cậy hơn, và giá cả phải chăng hơn.

Trong lúc Apple kiên trì với Globalstar, Elon Musk vẫn tiếp tục các hành động pháp lý, cạnh tranh công nghệ, và gây áp lực truyền thông khiến cuộc chiến "trên quỹ đạo" giữa hai gã khổng lồ công nghệ sẽ còn tiếp diễn.

(Tổng hợp)

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-chien-nay-lua-tren-quy-dao-cua-2-ga-khong-lo-cong-nghe-2405552.html