Cuộc chiến ngân sách của Mỹ: Thử thách quan trọng đối với đảng Cộng hòa
Ngân sách Mỹ 2025 rơi vào khủng hoảng với mức thâm hụt lên tới 1.830 tỷ USD. Chính quyền Trump đề xuất cắt giảm chi tiêu sâu rộng và tăng thuế quan – liệu có thành công?

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo chuyên gia Andrzej Kohut thuộc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (OSW) có trụ sở tại Ba Lan mới đây, một cuộc chiến nảy lửa đang diễn ra tại Quốc hội Mỹ về việc định hình ngân sách liên bang cho năm tài chính 2025. Mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump là cân bằng ngân sách và giảm gánh nặng nợ công khổng lồ. Phương pháp tiếp cận của họ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu sâu rộng, song song với kỳ vọng tăng doanh thu từ việc áp thuế quan cao hơn và các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cắt giảm chi tiêu "nghìn tỷ USD", chính quyền Trump có thể sẽ phải "hy sinh" nguồn tài trợ cho các chương trình chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội - một động thái tiềm ẩn những rủi ro chính trị không nhỏ cho đảng Cộng hòa.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho Lầu Năm Góc, tổng chi tiêu quốc phòng dự kiến vẫn sẽ tăng trong tương lai gần, đặc biệt là cho quá trình hiện đại hóa quân đội. Ngược lại, các khoản tiết kiệm theo kế hoạch có thể làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, thể hiện qua việc thu hẹp đáng kể các chương trình của USAID và nỗ lực đóng cửa các cơ quan truyền thông.
Chương trình nghị sự tài chính của chính quyền Trump không chỉ nhằm cải thiện tình hình ngân sách mà còn hướng đến việc tái cấu trúc mô hình kinh tế Mỹ và định hình lại thương mại quốc tế, với việc tăng thuế quan mạnh mẽ được công bố vào gần đây đóng vai trò trung tâm.
Theo Tổng thống Trump, việc cân bằng ngân sách liên bang càng sớm càng tốt là yếu tố sống còn cho vận mệnh quốc gia và tương lai của các thế hệ người Mỹ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách năm tài chính 2024 sẽ đạt mức kỷ lục 1,83 nghìn tỷ USD (tương đương 6,6% GDP), trong khi nợ công đã vượt quá con số "khủng" 35,2 nghìn tỷ USD (122% GDP).
Đáng lo ngại hơn, các khoản thanh toán lãi suất cho khoản nợ này hiện đã chiếm tới 8% tổng chi tiêu hàng năm của chính phủ liên bang. Nếu không có những thay đổi căn bản, nợ công sẽ tiếp tục tăng nhanh do chi phí liên quan đến các nghĩa vụ pháp lý - chủ yếu là chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và các chương trình xã hội khác - cũng như chi phí trả nợ ngày càng gia tăng.
Giải pháp mà chính quyền Trump đưa ra tập trung vào việc tăng doanh thu ngân sách, ban đầu thông qua thuế quan cao hơn và về lâu dài, thông qua tăng trưởng kinh tế nhờ quá trình tái công nghiệp hóa nước Mỹ. Việc tăng thuế quan được kỳ vọng sẽ khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất trở lại lãnh thổ Mỹ.
Các ưu đãi bổ sung bao gồm các điều kiện tài chính thuận lợi từ việc gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017, bãi bỏ quy định và giá năng lượng thấp hơn nhờ thúc đẩy khai thác dầu khí trong nước. Chiến lược này còn được bổ sung bởi các sáng kiến mới như chương trình "thẻ vàng" thu hút đầu tư và thành lập một quỹ đầu tư quốc gia.
Đồng thời, chính quyền Trump đang tìm cách cắt giảm tới 1 nghìn tỷ USD chi tiêu liên bang bằng cách thu hẹp bộ máy hành chính và giảm ngân sách các bộ ngành. Tổng thống Trump đã giao nhiệm vụ khó khăn này cho Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), một cơ quan mới thành lập do tỷ phú Elon Musk đứng đầu. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực ban đầu, DOGE mới chỉ đạt được khoảng 130 tỷ USD cắt giảm, còn xa so với mục tiêu 1 nghìn tỷ USD.
Để thu hẹp khoảng cách này, cần có những thay đổi về mặt lập pháp, nhưng việc thực hiện chúng có thể vấp phải sự phản đối chính trị và gây ra những hệ lụy không nhỏ, đặc biệt nếu liên quan đến việc cắt giảm tài trợ cho y tế, các chương trình xã hội và quốc phòng.
Bài toán ngân sách càng trở nên phức tạp hơn bởi lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump về việc gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017, dự kiến hết hạn vào cuối năm nay. Đạo luật này chủ yếu giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế suất doanh nghiệp. Hiện tại, Tổng thống Trump còn muốn cắt giảm sâu hơn thuế doanh nghiệp, có thể xuống còn 15%, để khuyến khích đầu tư vào Mỹ.
Một thách thức khác mà Đảng Cộng hòa phải đối mặt là vấn đề trần nợ. Việc nâng trần nợ thường vấp phải sự phản đối của những người theo chủ nghĩa "diều hâu" tài chính trong đảng và khó dung hòa với mục tiêu cân bằng ngân sách và giảm chi tiêu công.
Tiến trình ngân sách năm nay có ý nghĩa then chốt đối với toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Đảng Cộng hòa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đạt được những thành tựu đáng kể trong năm nay, trước khi bước vào giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026, vốn thường mang lại bất lợi cho đảng có đương kim tổng thống.
Đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện và việc thiếu đa số 60 phiếu tại Thượng viện buộc họ phải dựa vào các phương pháp thay thế như hòa giải để thúc đẩy các cải cách nhạy cảm. Tuy nhiên, việc thực hiện các đợt cắt giảm chi tiêu lớn, đặc biệt là đối với các chương trình phúc lợi xã hội, có thể gây ra những phản ứng chính trị tiêu cực.
Nỗ lực định hình lại các mối quan hệ thương mại của Mỹ cũng là một yếu tố cốt lõi trong chương trình nghị sự của Tổng thống Trump. Việc áp thuế suất cao đối với hàng nhập khẩu đã đẩy mức thuế trung bình theo trọng số thương mại của Mỹ lên mức cao nhất kể từ những năm 1920. Chính quyền Trump dự kiến sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình thương mại bảo hộ, mặc dù mức thuế quan có thể phải điều chỉnh trong tương lai.
Việc cắt giảm ngân sách cũng sẽ làm suy yếu khả năng thể hiện ảnh hưởng của Mỹ thông qua sức mạnh mềm. Việc giải thể USAID và cắt giảm mạnh hoạt động của USAGM (Cơ quan Truyền thông toàn cầu của Mỹ) là những ví dụ điển hình. Chính quyền Trump cũng có kế hoạch cắt giảm đáng kể ngân sách và nhân sự của Bộ Ngoại giao.
Về quốc phòng, mặc dù đã công bố cắt giảm 8% ngân sách, tổng chi tiêu quốc phòng dự kiến vẫn sẽ tăng để phục vụ quá trình hiện đại hóa quân đội.
Có thể thấy trong năm tài chính 2024, Mỹ ghi nhận thâm hụt ngân sách khổng lồ hơn 1,8 nghìn tỷ USD. Nợ công đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến thứ hai. Việc giải quyết bài toán ngân sách này sẽ là một thử thách không nhỏ đối với đảng Cộng hòa, đòi hỏi sự khéo léo trong điều hành và khả năng vượt qua những rào cản chính trị để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.