Cuộc chiến nước trên dòng 'sông mẹ'
Nguy cơ xung đột và chiến tranh vì nguồn nước ngày càng rõ ràng, đặc biệt ở các khu vực chung một dòng sông. Căng thẳng hiện đang lên cao ở châu Phi khi giới chức Ethiopia và Ai Cập đang tranh luận gay gắt về các biện pháp giải quyết bất đồng liên quan đến dự án đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia trên nhánh sông Nile Xanh (một trong hai phụ lưu chính của sông Nile).
Trung Quốc đang vũ khí hóa nguồn nước?
Ai Cập coi đây như mối đe dọa nhãn tiền với sự sinh tồn của họ, trong khi đó Ethiopia cho rằng dự án Đại Phục hưng cần thiết cho tiến trình phát triển đất nước và tuyên bố sẽ không dừng lại.
Giọt nước tràn ly
Với nhiều quốc gia ở châu Phi, sông Nile đóng vai trò cực kỳ quan trọng, được coi như tuyến đường thủy huyết mạch từ thời cổ đại. Lớp phù sa màu mỡ được bồi đắp sau các đợt lũ hàng năm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển rực rỡ.
Nguồn nước dồi dào được sử dụng cho sinh hoạt, trở thành “vàng” đối với những khu vực có các nhánh sông Nile Trắng và Xanh chảy qua, bao gồm Ai Cập, Ethiopia và Sudan - ba quốc gia có tốc độ gia tăng dân số chóng mặt cùng nhu cầu nước phục vụ thủy lợi và sinh hoạt ngày càng lớn. Riêng với Ai Cập, dòng “sông mẹ” là điểm tựa cho cả một nền văn minh, giúp quốc gia này nung nấu tham vọng cung cấp nước tưới cho các vùng rộng lớn của sa mạc phía Tây bằng việc lấy nước sông Nile vào các hồ chứa khổng lồ.
Có một thực tế là việc sử dụng nước sông Nile được quy định bởi hai thỏa thuận đều có sự góp mặt của Ai Cập. Thỏa thuận năm 1929 do Cairo ký kết với Vương quốc Anh nhằm phân bổ quyền sử dụng nước dọc theo lưu vực.
Theo đó, Ai Cập và Sudan được đảm bảo cung cấp hàng năm lần lượt 48 tỷ và 4 tỷ m3 nước. Ba thập kỷ sau, thỏa thuận 1959 đã nâng “cổ phần” nước của Ai Cập ở sông Nile lên gần 60 tỷ m3, trong khi Sudan được nhận trên 18 tỷ m3 và phần còn lại được chia đều cho những quốc gia khác dọc theo sông Nile. Ngoài ra, Ai Cập tuyên bố kiểm soát hai phần ba dòng chảy sông Nile - động thái hoàn toàn không nhận được sự đồng thuận từ phía những quốc gia ở lưu vực sông Nile.
Cho đến nay, các quốc gia sông Nile (ngoại trừ Ai Cập) đều cho rằng hai thỏa thuận kể trên không còn bất cứ giá trị nào. Sự cố chấp của Ai Cập khiến mâu thuẫn gia tăng, đặc biệt nghiêm trọng khi lôi kéo cả Ethiopia và Sudan vào cuộc. Sông Nile Xanh (bắt nguồn từ hồ Tana (Ethiopia), sau đó hòa vào sông Nile Trắng ở Sudan, trước khi đi lên phía Bắc qua Ai Cập rồi đổ ra biển Địa Trung Hải) trở thành “miếng bánh” bị tranh giành.
Ai Cập nhấn mạnh nắm toàn quyền phủ quyết bất kỳ dự án xây dựng nào có thể cản trở dòng nước chảy của sông Nile. Điều này khiến Ethiopia cảm thấy khó chịu, từ đó quốc gia này dẫn đầu trong việc kêu gọi xem xét lại hai thỏa thuận 1929 và 1959, đồng thời công khai kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy điện trên sông Nile Xanh để triệt tiêu sự độc quyền của Ai Cập.
Kế hoạch gây tranh cãi
Ethiopia đối đầu với Ai Cập bằng dự án Đại Phục hưng trên sông Nile Xanh, nằm cách biên giới Sudan khoảng 40 km, với công suất hơn 6.000 megawatt điện, hứa hẹn sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất châu Phi sau khi hoàn thiện. Hồ chứa nước Đại Phục hưng sẽ chứa tới 67 tỷ m3 nước và sẽ mất ít nhất 7 năm để lấp đầy.
Theo Ethiopia, dự án trị giá 5 tỉ USD này cần thiết nhất cho nhu cầu về nước và phát triển kinh tế, đảm bảo nguồn cung điện năng, đồng thời sẽ không làm giảm nguồn cung nước về lâu dài trên dòng Nile một khi mà lượng nước khổng lồ cho con đập được tích trữ đủ. Thậm chí, Ethiopia còn cam kết Đại Phục hưng mang nhiều lợi ích như giải quyết tình trạng thiếu điện thông qua các hợp đồng cung cấp điện đầy ưu đãi từ Ethiopia, hay góp phần ngăn ngừa lũ lụt và tăng sản lượng nông nghiệp cho các quốc gia láng giềng.
Trái với niềm tin của Ethiopia về tiềm năng của dự án, Ai Cập phản đối kịch liệt khi lo lắng động thái “nắn” dòng sông Nile sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường. Theo Ai Cập, dự án mạo hiểm này sẽ biến nhiều khu vực thuộc sông Nile, đặc biệt là vùng hạ nguồn, trở nên khô cằn và khó canh tác, tàn phá những quốc gia dựa vào sông để tưới tiêu, đánh cá và vận chuyển.
Bên cạnh đó, Ai Cập đã đề xuất trong các cuộc đàm phán mới nhất rằng cần được đảm bảo ít nhất 40 tỷ m3 nước hàng năm, nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu từ Ethiopia cùng con số 30 tỷ m3 - quá ít để giải quyết nhu cầu về nước của Ai Cập. Nguy cơ những thiệt hại lớn xảy ra khi nguồn nước sông Nile bị chặn khiến Ai Cập bày tỏ quan điểm muốn Ethiopia từ bỏ dự án Đại Phục hưng.
Ai Cập không ít lần đe dọa, khẳng định sẽ khôi phục lại nguyên trạng sông Nile bằng vũ lực nếu có bất kỳ ai tác động vào sông Nile, gây giảm sút lưu lượng nước chảy vào Ai Cập. Thậm chí, để làm nổi bật tính chất nghiêm trọng của dự án, Ai Cập cho truyền hình trực tiếp thảo luận yêu cầu Ethiopia dừng Đại Phục hưng, bên cạnh động thái lôi kéo Sudan về phía mình, bất chấp những chào mời lợi ích đầy hấp dẫn từ Ethiopia.
Ai Cập tuyên bố không chấp nhận việc giảm lưu lượng nước trên con sông mà nền văn minh của họ đã hình thành trên đó hàng thiên niên kỷ, sẵn sàng “đổ máu dù sông chỉ mất đi một giọt nước”. Những lối nói cứng rắn, bao gồm cả việc sử dụng hành động quân sự mà Ai Cập đưa ra gần đây, đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh vì nguồn nước giữa Ai Cập và Ethiopia.
Đi tìm giải pháp
Theo giới quan sát, Ethiopia và Ai Cập là hai quốc gia đông dân và hùng mạnh nhất châu Phi. Vì vậy, mọi xung đột bùng phát sẽ đe dọa nền hòa bình và ổn định khu vực. Sự khác biệt quan điểm giữa hai quốc gia ngày càng rõ nét: trong khi Ai Cập cáo buộc Ethiopia bác bỏ những lo ngại mà Cairo đã nêu ra về mối đe dọa đối với an ninh nước, Ethiopia khẳng định rằng các vấn đề sẽ được giải quyết trước khi hoàn thành Đại Phục hưng.
Ngoài ra, Ai Cập không có ý định xem xét lại các thỏa thuận 1929 và 1959, còn Ethiopia thì không đủ sức mạnh để buộc Ai Cập phải thay đổi những văn kiện đã ký. Điều này làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng hành động quân sự của Ai Cập để giải quyết những gì mà họ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách nhất.
Tháng 10-2019, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã giành giải Nobel Hòa bình nhờ sáng kiến giải quyết cuộc xung đột biên giới với nước láng giềng Eritrea. Giờ đây, đất nước của ông lại rơi vào một cuộc tranh chấp nguy hiểm khác. Vị Thủ tướng cho biết Ethiopia không muốn chiến tranh với Ai Cập, nhưng sẽ để ngỏ mọi phương án trong cuộc tranh cãi về dự án Đại Phục hưng.
Ông cho rằng Ethiopia sẽ cân nhắc các đề nghị ngoại giao từ Ai Cập, bao gồm nhận viện trợ điện hay hỗ trợ về kinh tế và kỹ thuật để thay đổi một số chính sách liên quan đến nguồn nước sông Nile. Tuy nhiên, hàng triệu binh sĩ Ethiopia luôn trong trạng thái sẵn sàng để bảo vệ con đập nếu một cuộc chiến nổ ra.
Theo Thủ tướng Ahmed, chiến tranh sẽ là viễn cảnh điên rồ và tồi tệ nhất, khiến cả Ethiopia và Ai Cập rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, đàm phán các bên liên quan đến Đại phục hưng cũng như chia sẻ nguồn nước sông Nile vẫn liên tục diễn ra để tìm kiếm sự đồng thuận với những giải pháp hòa bình.
Sáng kiến hòa giải mới nhất của Thủ tướng Ahmed là tuyên bố ba bên giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan cho phép xây dựng đập dựa trên căn cứ là bản báo cáo việc vận hành Đại Phục hưng do các nhà thầu Pháp soạn thảo. Tuyên bố nhấn mạnh, việc xây dựng đập thủy điện cùng một số điều kiện vận hành hồ chứa sẽ không gây thiệt hại đáng kể đối với các nước hạ lưu.
Ngoài ra, Ai Cập cho rằng cộng đồng quốc tế cần vào cuộc để đưa ra những kế hoạch giải quyết các mối quan ngại càng sớm càng tốt. Theo đó, Đại Phục hưng mới chỉ là phép thử với Ai Cập, và sẽ còn xuất hiện nhiều ý tưởng khác để Ethiopia “nắn” dòng chảy sông Nile trong tương lai. Ai Cập hi vọng các tổ chức quốc tế có thể thuyết phục Ethiopia đáp ứng yêu cầu 40 tỷ m³ nước mỗi năm cho hoạt động nông nghiệp ở Ai Cập, đồng thời đưa ra những “khuyến mại” như tài trợ phát triển các nhà máy điện nổi trên Biển Đỏ - nơi có thể vận chuyển năng lượng đến nhiều quốc gia châu Phi bao gồm cả Ethiopia.
Cho dù Ai Cập và Ethiopia đều bày tỏ ưu tiên những giải pháp hòa bình dài hạn cho tranh chấp, thế nhưng con đường đi đến đồng thuận vẫn còn rất gian nan, trong bối cảnh cuộc chiến sử dụng nguồn nước sông Nile ngày càng nóng bỏng...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/cuoc-chien-nuoc-tren-dong-song-me-574215/