Cuộc chiến rác thải nhựa chưa có hồi kết tại Ấn Độ

Rác thải nhựa đang là vấn nạn lớn tại Ấn Độ, quốc gia tỷ dân ở khu vực Nam Á. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân vẫn còn là hành trình dài.

Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy cắt giảm lượng rác nhựa trong nước. Ảnh: Reuters

Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy cắt giảm lượng rác nhựa trong nước. Ảnh: Reuters

Ông Dhiraj Kumar, một người bán rau ở New Delhi (Ấn Độ), thường ngày bán rau củ cho một khách hàng và kèm túi nhựa. Đây là một thói quen hàng ngày mà ông coi là "nghi lễ" và đã thực hiện trong ba thập kỷ qua.

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhằm nỗ lực xóa bỏ biệt hiệu "nước gây ô nhiễm nhựa lớn". Cho đến tháng 7/2022, quốc gia này đã ban lệnh cấm 19 sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Mặc dù các sản phẩm túi nhựa không bị cấm hoàn toàn, nhưng đến cuối năm nay, chúng sẽ phải có độ dày lớn hơn để thúc đẩy tái sử dụng.

Nhưng ông Kumar khẳng định ông vẫn không có kế hoạch ngừng sử dụng túi nhựa. Chia sẻ với Nikkei Asia, ông cho biết: “Hầu như không có bất kỳ lựa chọn thay thế hay khả thi nào dành cho chúng tôi. Nếu chúng tôi bắt đầu sử dụng túi giấy hoặc các sản phẩm tương tự khác, chúng tôi sẽ phải bù chi phí đáng kể và việc bán rau sẽ không còn sinh lời nữa".

Theo quy định mới, que kem, ống hút, cốc nhựa, dao kéo, tai nghe bằng nhựa và bao bì nhựa là những mặt hàng bị cấm tại Ấn Độ. Những người vi phạm phải đối mặt với 5 năm tù giam, phạt 100.000 Rupee (1.200 USD) hoặc cả hai. Lệnh cấm trên được áp dụng vào đầu tháng 7, nhưng hiện vẫn có rất ít thay đổi đáng kể.

Số lượng rác thải nhựa "không được quản lý" tại Ấn Độ vào năm 2019 lên tới 12,99 triệu tấn. Nguồn: Our World in Data

Số lượng rác thải nhựa "không được quản lý" tại Ấn Độ vào năm 2019 lên tới 12,99 triệu tấn. Nguồn: Our World in Data

Ông Sanjay Singh, một nhân viên chính phủ, chỉ ra rằng: “Chúng ta đang chứng kiến lạm phát gia tăng. Nếu lúc này người dân bắt đầu sử dụng các loại túi khác, thì đồng nghĩa chi phí các mặt hàng sẽ càng tăng lên".

Theo số liệu thống kê của chính phủ Ấn Độ, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 6 là 7,01%, thấp hơn một chút so với tháng 5. Điều này đang tạo ra thách thức lớn với quốc gia 1,3 tỷ dân, khi vừa phải đối mặt với áp lực kinh tế nghiêm trọng, nhưng vẫn nỗ lực phải làm gì đó để giảm lượng rác thải nhựa.

Ấn Độ là quốc gia luôn đứng đầu bảng xếp hạng về ô nhiễm rác thải nhựa trong những năm qua. Năm 2015, nước này đã thải ra 9,5 triệu tấn nhựa. Đến năm 2019, con số rác thải nhựa "không được quản lý" đã tăng lên 12,99 triệu tấn, theo thống kê của Our World in Data.

"Rác thải không được quản lý" được định nghĩa là rác thải bừa bãi hoặc được xử lý không đúng cách, có nghĩa là chất thải được vứt trong các bãi rác hoặc bãi chôn lấp không được kiểm soát

Mặc dù chính phủ trong phiên chất vấn tuyên bố rằng khoảng 60% rác thải nhựa sẽ được tái chế. Nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2019 của Trung tâm Khoa học và Môi trường, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, cho thấy chỉ 12% rác thải nhựa thực sự được tái chế ở Ấn Độ.

Theo một báo cáo của tổ chức Làm sạch Biển Quốc tế (ICC), ngành công nghiệp đóng gói là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Ảnh: Economic Times

Theo một báo cáo của tổ chức Làm sạch Biển Quốc tế (ICC), ngành công nghiệp đóng gói là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Ảnh: Economic Times

Năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tuyên bố sẽ loại bỏ nhựa sử dụng một lần trong nước vào năm 2022. Ngay cả khi các giải pháp thực tế vẫn còn khó khăn, nhưng các nhà vận động môi trường hoan nghênh lệnh cấm của nước này chính là một khởi đầu hướng tới việc giảm thiểu tác động của nhựa,

Ông Avinash Chanchal, Giám đốc chiến dịch của tổ chức Hòa bình xanh Ấn Độ cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến hậu quả của ô nhiễm rác thải nhựa. Nó đang tàn phá con người và hệ sinh thái. Nhựa đang đầu độc các cộng đồng và làm nghẹt các đại dương của chúng ta. Chúng ta phải chấm dứt mô hình kinh doanh dựa vào các sản phẩm nhựa dùng một lần".

Theo một báo cáo của tổ chức Làm sạch Biển Quốc tế (ICC), ngành công nghiệp đóng gói là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tính khả thi của việc thực hiện lệnh cấm đối với nhựa vẫn là vấn đề gây băn khoăn.

Ông Bharati Chaturvedi, một nhà môi trường và là giám đốc của Nhóm Hành động và Nghiên cứu Môi trường Chintan, cho biết: “Đất nước chúng ta có đủ một năm để thực hiện lệnh cấm đồ nhựa, nhưng các bang đã không nỗ lực để giúp người dân ngừng phụ thuộc vào nó. Nhiều công ty sử dụng ống hút cho đồ uống dùng một lần đã thử và rồi tiếp tục cố gắng trì hoãn lệnh cấm".

Ông Chaturvedi cũng nhấn mạnh rằng, với những loại túi nhựa giống như túi mà người bán rau Kumar sử dụng, cũng cần có giải pháp thay thế. Theo đó, những người bán hàng phải yêu cầu khách hàng mang theo túi riêng của họ.

Các nhà hoạt động môi trường cũng nhận định, chính phủ cần tạo ra sự thay đổi dễ dàng hơn cho người dân. "Chính phủ nên có kế hoạch chuyển đổi công bằng để hỗ trợ ngành công nghiệp quy mô nhỏ và những người phụ thuộc vào ngành công nghiệp nhựa để kiếm sống", ông Chanchal, thuộc tổ chức Hòa bình xanh, nhận định.

Ông cũng lạc quan và tin rằng văn hóa và truyền thống của Ấn Độ có thể đóng một vai trò trong việc giảm thiểu sử dụng đồ nhựa. "Chúng ta nên quay trở về với truyền thống trước đây. Hãy thân thiện với môi trường và thay thế các loại đĩa, ly và ống hút bằng nhựa và xốp dùng một lần bằng các sản phẩm túi và hộp làm từ lá chuối".

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cuoc-chien-rac-thai-nhua-chua-co-hoi-ket-tai-an-do-post8794.html