'Cuộc chiến' sinh tử đơn độc

Đã hơn một năm kể từ ngày phát hiện mang trong mình bệnh ung thư buồng trứng quái ác, bà Trần Lệ Hồng (tên nhân vật được thay đổi), 68 tuổi, ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời vẫn chưa hết bàng hoàng. Bởi từ nhỏ đến gần cuối đời, bà ít khi phải đi bác sĩ để thăm khám, kiểm tra sức khỏe.

Thỉnh thoảng bà chỉ bị đau đầu, sốt, chóng mặt, sụt cân…, sức khỏe không có biểu hiện gì nghiêm trọng và chỉ cần uống vài liều thuốc tự mua là xong. Nhưng càng về sau này, các cơn đau nhức ở vùng bụng, ở các khớp xương ngày càng thêm trầm trọng hơn, các loại thuốc thông dụng kể cả được bác sĩ kê toa cũng không có kết quả.

Trong một lần tình cờ cùng với người thân trong gia đình đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, bà được các bác sĩ thăm khám và nghi ngờ khối u trong vùng bụng. Sau khi thực hiện các mẫu sinh thiết cần thiết, bác sĩ kết luận bà bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3 (giai đoạn di căn).

Sự động viên, chia sẻ của người thân là liệu pháp tinh thần rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. (Ảnh minh họa)

Sự động viên, chia sẻ của người thân là liệu pháp tinh thần rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. (Ảnh minh họa)

Hoang mang, suy sụp tinh thần… là những trạng thái đầu tiên khi đón nhận hung tin mình đang mắc phải căn bệnh nan y ở vào giai đoạn gần như vô phương cứu chữa, càng làm cho thể trạng của bà vốn dĩ đã mất khả năng đề kháng với bệnh tật, lại càng sa sút nhanh hơn.

Tuy nhiên, bà Hồng đã được người thân, gia đình và các bác sĩ chuyên khoa ung bướu kịp thời động viên, chia sẻ nên bà đã chấp nhận điều trị theo phác đồ. Do cơ địa đáp ứng được với các phản ứng phụ của hóa chất và thuốc đặc trị ung thư, kết hợp với sự chăm sóc tận tình, chu đáo, sự thương yêu của người thân và gia đình, đến nay sức khỏe bà Trần Lệ Hồng vẫn tạm ổn.

Bà Trần Lệ Hồng bộc bạch: “Biết mình chẳng sống được bao lâu, cho dù có tích cực điều trị đến đâu thì cũng chỉ tốn thêm tiền bạc của gia đình. Số tiền đó, tôi định để dành lại cho con, nhưng do có nhiều người động viên nên tôi nghe theo. Đến nay tôi thấy mình vẫn ổn”.

Bệnh ung thư một khi đã được phát hiện muộn thì tỷ lệ thành công và cơ hội kéo dài sự sống là rất thấp. Sau thời gian di căn (từ giai đoạn 3 đến giai đoạn 4), phần lớn thuốc điều trị ung thư, phương pháp xạ trị và cả hóa trị thường là cơ thể không còn khả năng đáp ứng được. Ở giai đoạn này phần lớn chỉ là điều trị chăm sóc giảm nhẹ. Sự sẻ chia tình cảm, động viên của người thân có tác dụng như một liều thuốc hỗ trợ tinh thần để người bệnh lạc quan hơn và kéo dài sự sống, nhưng về nỗi đau thể xác, nhất là khi căn bệnh đã ở vào giai đoạn cuối thì chỉ có người bệnh với ý chí tự đấu tranh của mình, cố gắng vượt qua nỗi đau của bệnh tật, mới có thể kéo dài sự sống mà thôi. Đây được xem như là “cuộc chiến” sinh tử đơn độc.

Nhân viên y tế xã Nguyễn Phích, huyện U Minh thăm khám và chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Nhân viên y tế xã Nguyễn Phích, huyện U Minh thăm khám và chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết: “Trong điều trị ung thư, nhiệm vụ quan trọng nhất là xác định chính xác giai đoạn bệnh để có thể áp dụng các liệu trình khác nhau. Do vậy, nếu người bệnh bỏ lỡ thời gian vàng, thì việc điều trị khỏi vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến thời gian sống thêm của bệnh nhân. Cụ thể như đối với ung thư buồng trứng, nếu được chữa trị vào giai đoạn sớm, thì tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 95%, thậm chí là 98%. Nhưng nếu phát hiện vào giai đoạn muộn, thì tỷ lệ này chỉ còn chưa tới 20%. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân và gia đình nên thật sự bình tĩnh, cần thường xuyên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa đang trực tiếp điều trị để có thể hiểu rõ hơn về tình trạng của căn bệnh, đưa ra các tiên lượng hợp lý và liệu pháp điều trị đạt kết quả cao nhất”.

Phương Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-cuoc-chien-sinh-tu-don-doc-a33848.html