Cuộc chiến tác quyền với GenAI: Chọn đọc ChatGPT hay đọc báo?
Tờ báo The New York Times khởi kiện OpenAI và công ty mẹ của OpenAI – Tập đoàn Microsoft với những cáo buộc về xâm phạm bản quyền ở quy mô lớn. Đứng trước cuộc chiến pháp lý tác quyền nóng hơn bao giờ hết, đâu là lối đi hợp lý cho chương trình GenAI và liệu luật bản quyền có đủ vững chãi để bảo vệ chủ sở hữu và tác giả?
Gây ra sự nhầm lẫn về thông tin cho người dùng
Cùng với sự giải thích nguyên lý hoạt động của công cụ trí tuệ nhân tạo tổng hợp (GenAI) và các bằng chứng được đưa ra trong đơn khởi kiện hôm 27-12-2023, The New York Times đã lập luận rằng mô hình kinh doanh của Microsoft và OpenAI đối với công cụ GenAI là Chat GPT chính là sự vi phạm bản quyền ở quy mô lớn. Theo đó, ChatGPT đưa ra kết quả dựa trên sự hoạt động của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể tạo nên đầu ra đọc lại nguyên văn nội dung của các tác phẩm báo chí thuộc sở hữu hợp pháp của tờ báo này. Đáng chú ý, ChatGPT đã sao chép và lấy thông tin từ hàng triệu bài báo – được các tác giả đầu tư chất xám và tòa soạn đầu tư tiền bạc, mà Microsoft và OpenAI đã không xin phép và không trả bất kỳ khoản phí nào từ việc sử dụng này. Ngoài ra, ChatGPT còn bắt chước phong cách diễn đạt và gán thông tin sai lệch cũng như có thể tước quyền cấp phép, quảng cáo của chính tòa soạn.
Tác hại mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra cho ngành công nghiệp báo chí truyền thông nói chung và công việc sáng tạo nói riêng là hoàn toàn khả dĩ như đã từng xuất hiện trong nhiều vụ kiện giữa các cá nhân tác giả với các phần mềm AI trước đây như vụ kiện giữa các họa sĩ và phần mềm MidJourney rằng phần mềm này đã sao chép các tác phẩm tranh vẽ của họ.
Nhưng đối với vụ kiện lần này, nguyên đơn không phải một cá nhân đơn lẻ lên tiếng cho lợi ích về tinh thần của mình mà là một tổ chức – với tư cách chủ sở hữu các tác phẩm, đòi quyền lợi về mặt kinh tế và yêu cầu bồi thường với các tổn thất ước tính lên tới tỉ đô la như tổn thất về sụt giảm doanh thu, số lượt đăng ký và người dùng truy cập đến trang web. Nguy hại hơn hết, nó có thể gây ra sự nhầm lẫn về thông tin cho người dùng…
Có phải lúc nào cũng phải xin phép tác giả/chủ sở hữu và trả tiền bản quyền?
Trong trường hợp nếu một người hoặc một tổ chức sao chép tác phẩm để làm công việc sáng tạo (creative works) hoặc thương mại hóa sản phẩm của mình tương tự với tác phẩm được sao chép, người đó phải xin phép tác giả/chủ sở hữu và trả tiền bản quyền. Tiền bản quyền là một mức phí hợp lý cho việc sử dụng tài sản trí tuệ. Điều này về nguyên lý là công bằng và đem lại cho chủ sở hữu những lợi ích kinh tế từ tài sản của mình.
Quyền tác giả có những giới hạn nhất định. Đó là giới hạn giữa quyền lợi kinh tế của chủ sở hữu và lợi ích chung mà xã hội được nhận từ những sản phẩm trí tuệ. Dựa trên nguyên lý này mà quyền sở hữu trí tuệ nên được bảo vệ một cách hợp lý vì nếu quá mức cần thiết sẽ có thể gây ra tổn thất vô ích cho xã hội (Deadweight Loss).
Theo pháp luật Mỹ và các nước (kể cả Việt Nam), việc trích dẫn và sao chép hợp lý trong một số trường hợp sẽ không phải xin phép tác giả/chủ sở hữu và trả tiền bản quyền. Điều này xuất phát từ học thuyết sử dụng hợp lý (Fair Use) trong pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm cân bằng lợi ích kinh tế của chủ sở hữu và lợi ích chung của xã hội. Tức là mọi người có thể sao chép, trích dẫn một cách hợp pháp mà không cần phải xin phép tác giả hay chủ sở hữu, miễn là nhằm mục đích nghiên cứu, học tập không vì mục đích thương mại và không làm sai lệch ý nghĩa, nội dung mà tác giả hướng đến.
OpenAI đã từng cam kết công việc và sản phẩm trí tuệ của mình, điển hình là chương trình ChatGPT, được tạo ra và cho phép công chúng tiếp cận rộng rãi (openess), góp phần vào tinh thần tự do học thuật và thúc đẩy nghiên cứu. Phải chăng việc cung cấp và tổng hợp thông tin của GenAI trong ChatGPT theo các lệnh của người dùng (user prompts) là đang thực hiện hoàn toàn phi lợi nhuận? Từ đó dẫn đến có phải mô hình phát triển GenAI của Microsoft và OpenAI là mô hình phi thương mại và chỉ nhằm cung cấp kiến thức cho nghiên cứu, học tập? Vậy OpenAI hay Microsoft có phải xin phép tác giả, chủ sở hữu và trả tiền bản quyền hay không?
Lợi nhuận: điểm mấu chốt!
Nếu nhìn về quá khứ, OpenAI từng mang trong mình sứ mệnh rất rõ ràng với tư cách là công ty nghiên cứu về AI phi lợi nhuận. Thành lập vào cuối năm 2015, OpenAI được đón nhận và kỳ vọng về lĩnh vực nghiên cứu này. Vào năm 2019, các công ty vận hành của OpenAI đã bắt đầu gọi vốn và cho đến nay OpenAI đã trở thành một doanh nghiệp vì lợi nhuận được định giá 90 tỉ đô la và doanh thu đạt 80 triệu đô la mỗi tháng. Ước tính OpenAI sẽ đạt doanh thu 1 tỉ đô la vào năm 2024.
Chuyển mình từ một doanh nghiệp công nghệ phi lợi nhuận đến kỳ lân công nghệ đột phá để phát triển tầm nhìn của mình, đó không phải là điều sai trái. Bất kỳ một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nào cũng mong muốn hai lợi ích: sản phẩm công nghệ có thể phụng sự xã hội và công việc kinh doanh tạo ra lợi nhuận cho công ty. Việc OpenAI cho ra mắt ChatGPT Plus phiên bản 4.0 hay Microsoft ra mắt Bing Chat và tính phí trên các nền tảng này là những minh chứng cho thấy OpenAI đang dần chuyển mình sang hướng thương mại hóa, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu cùng với sự điều hành từ Microsoft khi ông lớn công nghệ này trở thành công ty mẹ của OpenAI.
Như vậy, mô hình kinh doanh tổng hợp thông tin của OpenAI và Microsoft đã thể hiện một số nét đặc trưng cho việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Việc bảo vệ hợp lý các sản phẩm/tác phẩm của The New York Times cũng là điều dễ hiểu khi cả hai đã khai thác và sử dụng các tài sản trí tuệ này để “kiếm tiền” từ người dùng. Giờ đây, ChatGPT không chỉ cạnh tranh với những cá nhân, những người làm nội dung sáng tạo nữa mà còn với các tòa soạn báo và công ty xuất bản.
Đe dọa lên nền kinh tế tri thức và công việc sáng tạo nội dung…
Hiện nay việc xem ChatGPT là một công cụ hỗ trợ hoặc một trợ lý ảo dường như đã trở nên bình thường bởi những lợi ích nhất định về mặt thu thập và xử lý thông tin. Nhưng điều đó lại đang đe dọa rất lớn đến nền kinh tế tri thức bởi:
Thứ nhất, cơ chế vận hành của GenAI chính là trình duyệt quét qua thông tin có sẵn trên Internet hay nói cách khác, AI chỉ có thể tự học từ những nguồn tri thức vốn có nên nó thiếu đi tính sáng tạo và phải sao chép liên tục thông tin từ Internet. Việc này có thể không được kiểm soát về mặt thông tin. Thậm chí kết quả được trích dẫn từ một nguồn báo uy tín cũng không đảm bảo việc trích dẫn của ChatGPT là chính xác.
Thứ hai, hành vi xâm phạm có thể dẫn đến hậu quả cạnh tranh về giá giữa các công ty đối thủ. Để có thể truy cập các tin tức ở mức độ cao hơn, 25 đô la Mỹ là số tiền người dùng phải bỏ ra mỗi tháng cho tờ The New York Times. Trong khi đó, giá để dùng ChatGPT plus là 20 đô la Mỹ cho mỗi tháng. Với phiên bản ChatGPT thấp hơn (ChatGPT 3.0 hay ChatGPT 3.5), thậm chí là miễn phí. Sự so sánh trên chỉ là một ví dụ điển hình, nhiều tờ báo khác có thể phải gánh chịu điều tương tự. Lúc này, người dùng sẽ không cần phải đọc báo nữa, họ có thể đọc trực tiếp trên chatbot của ChatGPT.
Thứ ba, một tác phẩm báo chí chất lượng phải trải qua vô số công đoạn biên tập vốn đòi hỏi tính chuyên môn cao. Việc AI “vô tư” sao chép đã gây thiệt hại không nhỏ đến không chỉ về vấn đề tài chính mà còn ảnh hưởng đến động lực làm nghề của các nhà báo. Khi không thể kiếm tiền bằng ngòi bút của mình, họ sẽ tìm kiếm một công việc khác mang lại thu nhập tốt hơn. Hậu quả là chất lượng báo chí suy giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu cấp thiết cho xã hội. Đồng thời, lúc này AI đòi hỏi tự nó phải phát triển một khả năng mới – tư duy như con người (vốn dĩ là một điều chưa khả thi trong thời điểm hiện tại) để có thể lấp đầy sự thiếu hụt thông tin đó.
Vụ kiện trên thu hút công chúng, đặc biệt có lẽ hơn bất kỳ ai trong số chúng ta chính là những nhà báo, những người sáng tạo nội dung, những công ty xuất bản đang rất cần một phán quyết công bằng trước cuộc chiến pháp lý liên quan đến con người và AI. Có thể vụ kiện từ đó sẽ tạo ra những lối đi tự tin cho các công ty xuất bản, các nhà báo, nhà văn… bảo vệ quyền lợi của mình và các công ty công nghệ đã và đang triển khai GenAI có những sự điều chỉnh hợp lý về cách thức thu thập và sao chép tài sản trí tuệ trong mô hình kinh doanh của mình.
(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM.