Cuộc chiến tại Ukraine đẩy nhanh dịch chuyển địa chính trị từ Tây sang Đông

Tờ The Economist tuần qua đăng bài viết của Zhou Bo, cựu Đại tá trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ đẩy nhanh dịch chuyển địa chính trị từ Tây sang Đông.

Khói bốc lên tại thành phố Lviv, trong xung đột Nga-Ukraine, ngày 3/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Khói bốc lên tại thành phố Lviv, trong xung đột Nga-Ukraine, ngày 3/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Zhou Bo, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, nhưng điều đó không đồng nghĩa với khái niệm “kẻ thù của bạn là kẻ thù của mình”. Đó chính là tình thế Trung Quốc đang đối diện liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine. Một mặt, Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga, nhưng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.

Bắc Kinh vì thế nỗ lực thể hiện thế cân bằng khi đưa ra phản ứng trước xung đột Nga-Ukraine, hai nước đều là bạn bè của Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ đồng cảm về “quan ngại hợp pháp” của Moskva trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông, nhưng đồng thời khẳng định “cần phải tôn trọng chủ quyền, thống nhất lãnh thổ của mọi quốc gia”.

Một cách tiếp cận trung lập cẩn trọng như vậy có thể là điều mà các bên liên quan không thực sự mong muốn, nhưng là điều chấp nhận được với cả Moskva và Kiev. Nếu hùa cùng phương Tây lên án Nga, Mỹ và châu Âu sẽ lập tức ca ngợi Trung Quốc. Nhưng khi đó Bắc Kinh cũng mất đi quan hệ đối tác với Nga. Hơn thế, cách Mỹ và phương Tây gây sức ép với Nga hiện nay có thể một ngày nào đó chính Trung Quốc sẽ phải đối mặt. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chính sách “cạnh tranh tột đỉnh” với Trung Quốc, chỉ thiếu mỗi tuyên bố về chiến tranh.

Không khó để mường tượng về tương lai của châu Âu. Chiến sự kéo dài là xu thế chủ đạo, nếu không muốn nói là không thể khác được. Tình hình Ukraine mang những nét tương đồng với can thiệp của Liên Xô tại Afghanisntan trong thập kỉ 1980. Đó là thời kỳ mà liên minh do Mỹ đứng đầu bơm vũ khí ồ ạt cho phong trào thánh chiến tại Afghanistan – lực lượng quyết không đầu hàng trước quân đội Liên Xô hùng mạnh.

Nhờ khủng hoảng Ukraine, một “NATO chết não” - như cách Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng mô tả hồi tháng 11/2019 nhằm phản ứng cách tiếp cận của Mỹ đối với liên minh này dưới thời ông Donald Trump, đã hồi phục mạnh mẽ. Tháng 2/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố gói tài chính 105 tỷ USD để tăng cường mua sắm vũ khí trang bị, đồng thời cam kết dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng theo đúng định hướng mà NATO đưa ra.

Binh sĩ Ukraine với tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp đóng trú ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine với tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp đóng trú ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Nhưng điều trớ trêu nằm ở chỗ một NATO ngày một mở rộng, tăng chi tiêu quân sự sẽ khiến châu Âu ngày một mất an ninh. Đơn cử, nếu Phần Lan gia nhập NATO, lực lượng của liên minh này áp sát Nga. Điện Kremlin cảnh báo một bước đi như vậy sẽ chấm dứt quy chế phi hạt nhân với Biển Baltic. Đó có thể không phải là lời đe dọa xuông. An ninh châu Âu, hiện tại cũng như trong quá khứ, chỉ có thể đạt được nếu có sự hợp tác của Nga.

Một vài tháng trước đây, từng xuất hiện đồn đoán cho rằng quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Moskva và Bắc Kinh – như tuyên bố được ông Putin đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 2/2022, có thể thúc đẩy sự hình thành một liên minh quân sự Nga - Trung. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh rằng liên kết này không phải là một liên minh. Trung Quốc không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga và vẫn hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, cam kết đóng vai trò “xây dựng” trong xung đột Nga - Ukraine.

Một lý do khiến quan hệ Nga - Trung chưa đạt tới ngưỡng liên minh là bởi trạng thái này tạo ra dư địa hành động linh hoạt cho cả hai bên. Bắc Kinh và Moskva đều kêu gọi một thế giới đa cực, nhưng không liên minh là điều phù hợp với cả hai bên, bởi cách thức mà Nga và Trung Quốc nhìn nhận thế giới có sự khác biệt.

Hiện chưa rõ Mỹ có đủ quyết tâm và nguồn lực để cùng lúc can dự trên cả hai chiến trường hay không – xung đột tại châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Biden từng kỳ vọng duy trì chính sách “ổn định, dễ đoán định” với Nga để tập trung cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Mỹ bị phân tâm chú ý, phân tán nguồn lực.

Cuộc chiến cũng sẽ khiến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị bào mòn nhiều hơn, trong khi Mỹ đề ra quá nhiều mục tiêu, nhưng lại quá ít công cụ và không có đủ đối tác ủng hộ trong chiến lược trung tâm này. Câu hỏi đặt ra là Washington sẽ "sao những" trọng tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bao lâu?

Liệu cuộc chiến Nga-Ukraine có phải là “điểm sôi” mở ra một trật tự “bất trật tự” toàn cầu mới? Có lẽ không quá sớm để nói rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ đẩy nhanh dịch chuyển kinh tế, địa chính trị từ Tây sang Đông, mà ở đó Trung Quốc đứng ở vị trí trung tâm hơn.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo The Economist)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-chien-tai-ukraine-day-nhanh-dich-chuyen-dia-chinh-tri-tu-tay-sang-dong-20220510111951289.htm