Cuộc chiến thầm lặng của lực lượng Ibama

Yanomami là một nhóm sắc tộc người da đỏ bản địa ở vùng rừng rậm Amazon nằm ở biên giới giữa Venezuela và Brazil với dân số chừng hơn 30.000 người. Có một đơn vị ưu tú mang tên Ibama, là lực lượng đặc biệt dũng cảm của cơ quan bảo vệ môi trường Brazil đang thực hiện nhiệm vụ trục xuất những người khai thác bất hợp pháp đã tàn phá lãnh thổ Yanomami trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống cực hữu Brazil - ông Jair Bolsonaro (1/1/2019 - 1/1/2023).

Trong bốn năm qua, các khu rừng nhiệt đới của Brazil đã đổ máu. “Chúng đổ máu nhiều hơn bao giờ hết”, Felipe Finger, 43 tuổi là chỉ huy lực lượng Ibama nói khi anh chuẩn bị mạo hiểm vào rừng với khẩu súng trường tấn công của mình để ngăn chặn cuộc tàn sát môi trường mà các băng nhóm đang gây ra cho Amazon. Finger đã bay trên một chiếc trực thăng, lao vút qua tán rừng về phía tiền tuyến của một cuộc chiến khốc liệt với thiên nhiên và những người bản địa sống ở đây từ rất lâu, trước khi các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đến đây hơn 500 năm trước.

Felipe Finger - chỉ huy lực lượng Ibama, Brazil Ảnh của Tom Phillips/The Guardian.

Felipe Finger - chỉ huy lực lượng Ibama, Brazil Ảnh của Tom Phillips/The Guardian.

Vùng Xitei là một trong những góc biệt lập nhất của lãnh thổ bản địa Yanomami ở biên giới phía Bắc của Brazil với Venezuela. Hàng chục nghìn thợ mỏ bất hợp pháp đã tàn phá khu vực này trong nhiệm kỳ Tổng thống 2019 - 2023 của Bolsonaro. Các băng nhóm đã gây ra những tai họa về môi trường, chiếm đoạt các ngôi làng của người bản địa, trục xuất nhân viên y tế, đầu độc các dòng sông bằng thủy ngân và gây ra điều mà Tổng thống cánh tả đương nhiệm, Luiz Inácio Lula da Silva, đã gọi đó là một cuộc diệt chủng có tính toán trước.

Khi máy bay của Finger lao xuống một bãi đất trống đầy bùn bên cạnh một ngôi làng của người Yanomami, một số ít những người khai thác ở đó đã vội vã chạy vào rừng trong nỗ lực tránh bị bắt. Các động cơ cung cấp nhiên liệu cho hoạt động khai thác bí mật khoáng vật oxide thiếc cassiterite (SnO2) của họ vẫn đang nổ ầm ĩ.

Cuộc đột kích ở Xitei là một phần trong kế hoạch được chính phủ ca ngợi là một nỗ lực lịch sử nhằm trục xuất những người khai thác mỏ khỏi vùng đất Yanomami và giải cứu Amazon sau bốn năm hỗn loạn, tội phạm và đổ máu, chẳng hạn như vụ việc mà nhà báo người Anh Dom Phillips và người bản địa đã chứng kiến chuyên gia Bruno Pereira bị sát hại vào tháng 6 năm ngoái.

Các đặc vụ của Ibama đã tập trung vào đầu ngày thứ sáu tuần trước tại một trại trên sông Uraricoera – một trong những địa thế chính mà những người khai thác sử dụng để xâm chiếm lãnh thổ có diện tích bằng Bồ Đào Nha và là nơi người Yanomami sinh sống trong hơn 300 ngôi làng.

Xitei mười lăm năm trước là một vùng rừng nhiệt đới phần lớn còn nguyên sơ rải rác với những túp lều chung truyền thống và các đường băng bí mật đã ngừng hoạt động đã được kích hoạt trong chiến dịch lớn cuối cùng để trục xuất những người khai thác vào đầu những năm 1990. Còn bây giờ, khu rừng xung quanh Xitei đã bị tàn phá. Những vết rách to lớn màu cát đã thay thế những khu rừng xanh thẫm. Các khu cắm trại khai thác xiêu vẹo ở những nơi mà những động vật heo vòi và nai rừng từng đi lang thang. Một lượng thủy ngân không xác định đã làm ô nhiễm các dòng sông, đầu độc các loài cá mà người Yanomami sống dựa vào.

Một trại tạm của những người khai thác mỏ Ảnh của Tom Phillips/The Guardian.

Một trại tạm của những người khai thác mỏ Ảnh của Tom Phillips/The Guardian.

Dário Kopenawa, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Yanomami, đã so sánh việc phá hoại môi trường với bệnh leishmania, một căn bệnh do ruồi cát mang đến gây ra những vết loét và tổn thương da khủng khiếp. “Đất của chúng tôi đã quá ốm yếu. Những dòng sông của chúng tôi đang bị bệnh. Khu rừng bị bệnh… không khí chúng ta hít thở bị bệnh,” ông nói. Ông sử dụng một từ Yanomami để mô tả thảm họa xảy ra dưới thời Bolsonaro, người có những luận điệu chống lại môi trường và làm tê liệt các cơ quan bảo vệ như Ibama đã khiến nạn phá rừng gia tăng. “Tôi sẽ gọi nó là onokaẽ - Kopenawa nói. - Nó có nghĩa là một cuộc diệt chủng giết người, đổ máu và kết liễu những cuộc đời”.

Nhóm của Finger đã đuổi theo một thợ mỏ bỏ trốn, một cựu đồ tể tên là Edmilson Dias đến từ bang Goías miền trung tây. Dias, một người đàn ông 39 tuổi bạc bẽo với tám năm làm việc cực nhọc trong hầm mỏ đã khiến anh ta có vẻ ngoài của một người đàn ông lớn tuổi hơn rất nhiều, đã bỏ phiếu cho Lula trong cuộc bầu cử gay gắt vào tháng 10 năm ngoái. Những người khai thác đã chỉ trích cuộc đàn áp của Tổng thống mới và khẳng định nó sẽ thất bại.

“Khai thác đang là cơn sốt”, người thợ mỏ chán nản nói khi ngồi trên một thân cây được quân đội vũ trang hạng nặng của Finger bảo vệ. “Nếu bạn đuổi tôi ra khỏi mỏ này… tôi sẽ đi nơi khác vì khai thác trái phép sẽ không bao giờ kết thúc”. Người ta có thể nghe thấy tiếng thách thức tương tự như vậy từ ông chủ mỏ đang ở dưới bể bơi của khách sạn tốt nhất ở Boa Vista, thành phố gần vùng đất Yanomami nhất.

Ông chủ mỏ vạm vỡ ngồi đó, nốc bia và khoe khoang rằng nhóm của ông đã chôn thiết bị trong rừng để ngăn chặn quân đội phá hủy nó. Những người khai thác đã đổ xăng lên các đồ vật được giấu kín để giúp họ di dời thiết bị của mình bằng cách ngăn không cho rừng mọc trở lại. Ông chủ mỏ dự đoán cuộc đàn áp của Lula sẽ biến mất sau sáu tháng và sẽ cho phép các công ty khai thác tiếp tục các hoạt động trị giá hàng triệu đô la của họ trong hơn 200 hố đào.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Marina Silva nói đây là một tội ác. Không có tên gọi nào khác cho nó khác hơn là một âm mưu diệt chủng. Đây cũng là sự suy thoái về mặt đạo đức, chính trị, tinh thần. Bà tin rằng người Yanomami đã phải chịu khốn khổ một cách có chủ ý dưới thời Bolsonaro. Và Tổng thống Lula cũng như chính phủ của ông đã đưa ra cam kết và quyết tâm thực hiện cam kết này trở thành hiện thực. Họ tuyên bố sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ của người bản địa khác bị tàn phá do khai thác trái phép, chẳng hạn như của các dân tộc Munduruku và Kayapó.

Đối với người Yanomami, những cam kết như vậy là vấn đề sinh tử. Ít nhất 570 trẻ em Yanomami được cho là đã chết vì các bệnh có thể chữa được dưới thời chính quyền của Bolsonaro, một phần do các băng nhóm khai thác tràn lan đã gây ra dịch sốt rét bùng phát và khiến nhân viên y tế không thể hoạt động.

Dân làng Yanomami từ một trại khai thác bất hợp pháp bị đột kích bởi lực lượng bảo vệ môi trường gần làng Xitei Ảnh: Tom Phillips/The Guardian.

Dân làng Yanomami từ một trại khai thác bất hợp pháp bị đột kích bởi lực lượng bảo vệ môi trường gần làng Xitei Ảnh: Tom Phillips/The Guardian.

André Siqueira, một chuyên gia về bệnh sốt rét, người đã đến thăm lãnh thổ Yanomami gần đây để đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, đã mô tả những cảnh tượng kinh hoàng về tình trạng suy dinh dưỡng và bị bỏ rơi. Ông nói, ông đã thấy những đứa trẻ năm tuổi ở mức độ suy dinh dưỡng quá mức, mức độ mà ông chỉ thấy nó ở trong sách vở.

Bruce Albert, một nhà nhân chủng học đã nghiên cứu về người Yanomami từ những năm 70. Khi những người khai thác lần đầu tiên xông vào lãnh thổ của họ, ông cũng đã nói rằng Bolsonaro đang “tiêu diệt hoàn toàn” người Yanomami bằng cách phá hoại những nỗ lực bảo vệ vùng đất mà họ được cho là đã sinh sống hàng nghìn năm. Albert đã cáo buộc “Kế hoạch của Bolsonaro là một kiểu diệt chủng do sơ suất có chủ ý”.

Quân của Finger quay trở lại căn cứ để lau chùi vũ khí và chuẩn bị cho nhiệm vụ ngày hôm sau với vai trò tiên phong trong chiến dịch của Lula nhằm viết nên một chương mới cho môi trường, người Yanomami và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. “Chúng tôi đang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh trên thực tế”. Finger nói khi các đặc vụ Ibama truy sát một nhóm thợ mỏ đang chạy trốn dọc theo con sông. “Đó là một cuộc chiến thầm lặng mà xã hội không nhìn thấy - nhưng những người trong chúng ta đang chiến đấu biết rằng nó tồn tại”. Anh khẳng định.

Huyền Lê

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/cuoc-chien-tham-lang-cua-luc-luong-ibama--i685974/