Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có biến thành 'Chiến tranh lạnh'
Từ năm ngoái, cụm từ 'Chiến tranh lạnh' bất ngờ được nhắc lại. Nhưng nó dùng để ám chỉ viễn cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chứ không phải nói về những mâu thuẫn thường trực giữa Mỹ và Nga. Lý do gì khiến người ta nghĩ về 'Chiến tranh lạnh'?
Sự khác biệt về ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bất ngờ được khơi gợi giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh: Nikkei/AP
Mối quan hệ Mỹ-Trung vài năm gần đây xấu đi trông thấy so với “thời kỳ trăng mật” những năm 1970, dù vậy cả hai vẫn xoay sở để ngăn chặn những vụ xung đột có thể, nhưng đại dịch Covid-19 cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai siêu cường thế giới.
Một số chuyên gia năm ngoái đã gọi mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng băng giá như một cuộc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, mô tả đó không chính xác.
Bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung khá khác biệt với bối cảnh địa chính trị trong chiến tranh lạnh giữa Washington và Moscow hơn 4 thập kỷ trước. Có hai yếu tố chủ yếu để xác định bản chất về việc tăng cường quan hệ chính trị và chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.
Thứ nhất, không giống Liên Xô, Trung Quốc không cố gắng truyền bá chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vài năm qua là về kinh tế và quân sự, chứ không phải về ý thức hệ.
Thứ hai, một mạng lưới quan hệ thương mại và đầu tư rộng lớn đã gắn kết mối quan hệ Mỹ-Trung, tạo ra đối trọng trong nhiều lĩnh vực. Ngược lại, có rất ít thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước kia.
Cho đến gần đây, ngay cả các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cũng có xu hướng loại trừ khả năng mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể suy thoái thành một cuộc đối đầu toàn diện.
Song, không thể phủ nhận hai yếu tố chính nêu trên dần bị xóa nhòa và có những dấu hiệu đáng ngại gia tăng cho thấy, cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đang giả định màu sắc ý thức hệ.
Một số học giả bình luận rằng, số người chết ở Mỹ do virus Corona vượt qua số lính Mỹ chết trong chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam kéo dài 9 năm. Sự giận dữ của người Mỹ trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19 đang ngày càng được nhắm vào chính phủ Trung Quốc và đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện tại.
Những người ủng hộ quan điểm cho rằng, những nỗ lực che giấu sự nguy hiểm của virus Corona dẫn đến việc hàng chục ngàn người Mỹ thiệt mạng, và nhận định đây là bản chất trong chính sách quản trị của nhà nước Trung Quốc.
Sắc màu ý thức hệ đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi một số lượng lớn các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang cố đặt ra những ý niệm mới, như “vấn đề Trung Quốc”. Chiến dịch này giống như chiến tranh tư tưởng để tấn công vào bản chất cầm quyền của nhà nước Trung Quốc, chứ không chỉ dựa vào các hành động của họ.
Đi đầu trong trận chiến là Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã tuyên bố dịch virus Corona bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Ông Pompeo cho rằng, chính quyền Trung Quốc không đáng tin cậy. Nhưng Pompeo không đơn độc trong Nhà trắng khi Tổng thống Trump cũng “chứa chấp” sự ngờ vực sâu sắc như vậy.
Ngoại trưởng Mike Pompeo là người luôn có những phát ngôn cứng rắn về Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Mặc dù quan điểm cho rằng “Trung Quốc không đáng tin cậy” vẫn chưa trở thành xu hướng chủ đạo trong chính phủ Mỹ, nhưng nó có thể chiếm ưu thế trong các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ lâu, theo các nguồn tin tại Washington.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang đưa ra những thông điệp tuyên bố, chế độ cộng sản là vượt trội so với hệ thống dân chủ phương Tây. Họ chỉ ra rằng, các nước lớn ở phương Tây vẫn đang cố gắng kiểm soát ổ dịch rất lâu sau khi virus bùng phát ở Trung Quốc.
Một số quan chức chính phủ Trung Quốc đưa ra giả thuyết rằng, Mỹ đang âm mưu làm suy yếu Trung Quốc bằng cách lợi dụng các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu bởi đại dịch Covid-19.
Đây là những dấu hiệu đáng báo động về một cuộc xung đột thực sự nguy hiểm đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Một cuộc chiến tranh lạnh mới chỉ có thể ngăn chặn được nếu xã hội Mỹ và Trung Quốc gắn chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu và bởi mạng lưới hợp tác kinh tế song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhưng, đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang xem xét các biện pháp cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp các loại nguyên vật liệu của Trung Quốc. Chính quyền Trump có kế hoạch sử dụng các khoản giảm thuế và trợ cấp của nhà nước, để cung cấp động lực cho các công ty Hoa Kỳ di dời các hoạt động sản xuất và mua sắm ra khỏi Trung Quốc.
Ưu tiên trước mắt được dành cho các nguồn cung cấp y tế và chăm sóc sức khỏe mà Mỹ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Nhưng phạm vi của sáng kiến chính sách này sẽ được mở rộng để bao quát nhiều lĩnh vực bao gồm các sản phẩm liên quan đến cung cấp điện, viễn thông, công nghệ thông tin và giao thông vận tải.
Mỹ đã áp dụng lệnh cấm đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc như Huawei Technologies, tiếp cận phát triển các mạng không dây thế hệ thứ năm. Song, động thái này chủ yếu được cho là nhằm tăng cường an ninh quốc gia chống lại gián điệp mạng Trung Quốc.
Điều bắt đầu xảy ra trong chính phủ Hoa Kỳ là một nỗ lực chính sách sâu rộng để loại bỏ sự hiện diện của Trung Quốc càng nhiều càng tốt, khỏi tất cả các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Đây là một cuộc chiến với ý nghĩa toàn cầu lớn hơn nhiều.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Joe Binden trong cuộc đua vào Nhà Trắng với cuộc bầu cử vào ngày 3/11 - Ảnh: Reuters
Ngay cả khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới, cuộc xung đột cao này sẽ không dễ dàng hạ nhiệt vì nguyên nhân sâu xa của nó là chương trình nghị sự chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong Đại hội ĐCS Trung Quốc vào tháng 10 năm 2017, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường toàn cầu, cạnh tranh với Hoa Kỳ vào năm 2050. Ông đã đưa ra một chiến lược để đạt được mục tiêu này thông qua chi tiêu lớn của chính phủ cho quân đội và các công nghệ tiên tiến.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của mình, trong khi cố gắng hạ thấp uy quyền của Hoa Kỳ bằng những tiến bộ vượt bậc trong không gian mạng và hàng không vũ trụ.
Chương trình nghị sự của ông Tập đã khơi dậy bản năng quyền lực và lãnh đạo của Hoa Kỳ. Quan hệ song phương bắt đầu căng thẳng ngay cả trong những ngày cuối của chính quyền Barack Obama.
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump chỉ tăng tốc xu hướng căng thẳng. Một cựu quan chức của chính quyền Obama, người đang tư vấn cho Biden về chính sách đối ngoại nhấn mạnh rằng quá trình này sẽ không bị đảo ngược.
Một chính quyền của Biden sẽ mở rộng hợp tác của Hoa Kỳ với các đồng minh trong việc theo đuổi các mục tiêu chính sách của Trung Quốc, nhưng sẽ không có lập trường nhẹ nhàng hơn đối với Bắc Kinh về các vấn đề an ninh, nhân quyền và thương mại, cựu quan chức này nói.
Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động toàn cầu lớn hơn nhiều so với cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
Trung Quốc mạnh hơn nhiều về kinh tế và công nghệ so với Liên Xô, và nước này đang bắt kịp Mỹ ở các lĩnh vực khác. Điều đó có nghĩa là hai quốc gia có thể vẫn kề vai sát cánh trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt và độc hại trong nhiều thập kỷ tới.
Có ba trường hợp có thể được ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất: nếu Trung Quốc ngừng cố gắng thay đổi trật tự thế giới hiện tại theo tầm nhìn của họ; nếu Washington chấp nhận tham vọng của Trung Quốc để trở thành một cường quốc toàn cầu thống trị; hoặc nếu sự kết hợp của hai kịch bản diễn ra.
Thế giới đang thay đổi và mối quan hệ Mỹ-Trung cũng sẽ thay đổi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mọi thay đổi ấy sẽ không đủ lớn đến mức để gạt bỏ hết những lợi ích vốn đan xen. Mỹ và Trung Quốc chưa thể ngoảnh mặt với nhau.