Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những cảnh báo với Việt Nam

Cuộc chiến thương mại ảnh hưởng cụ thể đến các dòng hàng xuất nhập khẩu thì chưa rõ, nhưng ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ ở Việt Nam đã xuất hiện ngay - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nhận định.

Sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7, khi Mỹ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 818 dòng sản phẩm bị áp thêm thuế mới chỉ là đợt 1 của cuộc chiến thương mại. Đợt 2 sẽ mở rộng danh mục lên hàng hóa với tổng giá trị 50 tỷ USD. Không dừng ở đó, chính quyền Mỹ còn đe dọa sẽ áp thêm thuế suất 10% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, đưa tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt lên đến 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ quốc gia này vào Mỹ.

Căn cứ chính thức cho việc áp thuế trừng phạt là những cáo buộc về việc Trung quốc sử dụng biện pháp phi kinh tế để chiếm lĩnh công nghệ của Mỹ được Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đưa ra trong Báo cáo có tên gọi là Section 301.

Nhìn vào con số 34 tỉ USD có thể thấy là tỉ lệ quá ít nếu so với tổng cộng 505 tỉ USD Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017. Nghiên cứu kỹ hơn, các mặt hàng chịu thuế chủ yếu là hàng trung gian như máy móc cơ khí, máy móc thiết bị điện và điện tử, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1%. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là không nhiều.

Các dòng sản phẩm 200 tỷ USD mà Mỹ đe dọa áp thêm thuế 10% không có hàng may mặc và giày dép. Như vậy sẽ không có lo ngại về các nhóm hàng này tràn vào thị trường Việt Nam.

Tính toán này dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỉ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể. Hơn thế nữa, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải… chứ không phải hàng tiêu dùng, vì thế nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tác động lớn nhất hiện nay không phải ở thương mại hàng hóa mà là ở thị trường tiền tệ. Ta có thể thấy đồng NDT xuống giá nhanh kể từ khi khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện rõ, từ mức 6,3 NDT/1 USD vào tháng 4 thì nay đã lên trên 6,7 NDT/USD.

Chính nỗi lo ngại về sự leo thang của chiến tranh thương mại đã gây ảnh hưởng lên tỷ giá. Thứ nhất, về tâm lý các nhà đầu tư. Chiến tranh thương mại leo thang sẽ ảnh hưởng tới cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng như các nền kinh tế khác trên Thế giới. Nhưng nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất sẽ là Trung Quốc. Như vậy, nhà đầu tư có dấu hiệu tháo chạy khỏi đồng NDT. Trong khi sự phản ứng của thị trường khiến đồng NDT mất giá, thì động thái của của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại là không can thiệp. Dù không có thông điệp chính thức từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhưng trên thị trường, người ta nghi ngại rằng cơ quan điều hành chính sách tỷ giá của Trung Quốc chủ động để đồng NDT xuống giá như một biện pháp để đối phó lại việc Hoa Kỳ áp thuế đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Về mặt điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn muốn ổn định tỷ giá giữa tiền đồng với USD. Nhưng việc NDT xuống giá so với USD có nghĩa là VND lên giá so với NDT. Sức ép lên tỷ giá giữa VND và USD là từ đó. Điều này chúng ta đã có dịp quan sát vào tháng 9 và 10 năm 2016 khi NDT xuống giá mạnh so với USD, VND cũng chịu áp lực xuống giá trong khi những điều kiện nội địa Việt Nam không có gì thay đổi. Chính vì vậy, NHNN đã điều chính tăng giá bán USD cho các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây.

Đương nhiên với dự trữ trên 63 tỷ USD hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá. Nhưng nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Có thể hiểu động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài.

Quan ngại của thị trường là chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục leo thang. Những tuyên bố từ Nhà Trắng cho thấy Hoa Kỳ tiếp tục sẽ áp thuế thêm 10% lên lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị tới 200 tỷ USD từ Trung Quốc, thậm chí còn lên tới 500 tỷ USD – tức là gần 100% kim ngạch hàng hóa Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ.

Theo công bố của phía Hoa Kỳ, số dòng sản phẩm trị giá 200 tỷ USD chịu thuế thêm 10% lên tới gần 5.900. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như đồ gỗ, nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%). Tác động khi đó sẽ là rất đáng kể.

Tác động tiêu cực sẽ đáng kể trên ba kênh, Thứ nhất, nếu TQ không xuất sang Mỹ thì họ sẽ giảm giá và xuất vào các thị trường khác mà thị trường Việt Nam thì cận kề. Hàng hóa không còn là hàng trung gian máy móc thiết bị mà lúc này là hàng tiêu dùng như nội thất, hóa chất, nhựa, cao su, nông thủy sản.

Điều đáng lo là cơn sóng này sẽ kết hợp với vấn đề tỉ giá . Nếu chiến tranh thương mại leo thang, đồng nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục mất giá thêm nữa, và trong khi nếu VND vẫn giữ ổn định với USD thì hàng Trung Quốc đã rẻ sẽ còn rẻ hơn, hàng Việt sẽ đắt hơn và không cạnh tranh nổi.

Nhưng các dòng sản phẩm 200 tỷ USD mà Mỹ đe dọa áp thêm thuế 10% không có hàng may mặc và giày dép. Như vậy sẽ không có lo ngại về các nhóm hàng này tràn vào thị trường Việt Nam. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là hàng may mặc và giày dép của Việt Nam sang Mỹ cũng không được lợi gì nếu Mỹ áp thuế 10%.

Ở kênh thứ hai, các mặt hàng về linh phụ kiện điện, điện tử của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì đây là mặt hàng Việt Nam có giá trị xuất rất lớn sang Trung Quốc. Và một tỷ phần đáng kể các linh kiện này được lắp ráp trong sản phẩm cuối cùng để xuất sang Mỹ. Nếu Mỹ áp thêm thuế lên các mặt hàng này thì xuất khẩu Trung Quốc sẽ giảm kéo theo sự suy giảm của xuất khẩu từ Việt Nam.

Kênh thứ ba là transhipment, hàng chuyển tải, tức là hàng TQ xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế. Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ doanh nghiệp mà là cả nhóm sản phẩm. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.

Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-nhung-canh-bao-voi-viet-nam-467513.html